(VietNamNet) - Bộ Công nghiệp vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành cả nước nên thận trọng, cân nhắc trong việc xem xét, cho phép triển khai thực hiện những dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô mới trên địa bàn.
|
Công nghiệp ôtô Việt Nam chủ yếu mới chỉ là lắp ráp. Ảnh Nguyên Vũ. |
Theo Bộ Công nghiệp, đã bắt đầu xuất hiện xu hướng đầu tư tràn lan trong lĩnh vực lắp rắp, sản xuất ôtô tại các địa phương. Bộ Công nghiệp nhận thấy khó có khả năng kiểm soát tình hình, nhất là về vấn đề chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành, DN và người tiêu dùng. Phần lớn các DN này đều có số vốn đầu tư thấp, quy mô nhỏ với sản lượng khoảng 3.000-5.000 xe/năm, công nghệ thấp, chủ yếu là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra đơn giản và đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có khả năng nội địa hoá, không đạt được mục tiêu và yêu cầu mà quy hoạch ôtô đã đặt ra.
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô từ nay đến 2010, tầm nhìn 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2010 nhu cầu cần khoảng 113.000 xe, trong khi đó, tổng công suất mà các dự án đăng ký hiện nay đã lên tới hơn 120.000 xe/năm.
Chính vì vậy, Bộ Công nghiệp đề nghị các tỉnh, TP nên thận trọng, cân nhắc trong việc xem xét, cho phép triển khai thực hiện những dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô mới trên địa bàn.
Hiện cả nước có khoảng gần 200 DN sản xuất, lắp ráp và sửa chữa ôtô, linh kiện, phụ tùng ôtô. Trong đó, khu vực DNNN có 4 tổng công ty nòng cốt là Tổng Công ty Công nghiệp ôtô, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng Công ty Than, Tổng Công ty Cơ khí ôtô Sài Gòn. Nhìn chung đến nay, các DN ôtô vẫn chỉ nhập linh kiện về lắp ráp là chính và sản phẩm chủ yếu của các DN trong nước vẫn là các loại xe tải, xe khách, xe bus và xe chuyên dùng. 11 liên doanh đang hoạt động tại Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí, không một liên doanh nào đạt chỉ tiêu nội địa hoá do Chính phủ đề ra (chỉ đạt khoảng 10-15%).
|