Cá ba sa “vùng vẫy” trên sân nhà
08:33' 21/06/2005 (GMT+7)

Tìm đầu ra cho cá tra, cá ba sa tại thị trường nội địa là mục tiêu được nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản nhắm tới khi tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn. Liệu cá tra, cá ba sa có “sống” được trên thị trường nội địa?

Sân nhà chỉ chiếm 5-10% doanh số

Soạn: AM -55502 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cá basa xuất khẩu tại các siêu thị

Chị Vân (Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM) chọn mua một số bịch cá viên nhãn hiệu NLACO của Công ty Tuấn Anh - một trong số ít DN đang khai thác thị trường nội địa. “Đây là lần đầu tiên tôi mua cá ba sa viên về dùng thử”, chị Vân nói. Không riêng chị Vân, nhiều người tiêu dùng cho biết bắt đầu làm quen sản phẩm cá tra, cá ba sa VN.

Rất nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là loại sản phẩm cá đã qua chế biến, được các DN tung ra giới thiệu để thăm dò thị trường. Giám đốc một DN cho biết chưa thể khẳng định sự thành công hay thất bại của những loại sản phẩm này, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy các DN xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu tính tới việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa khi mà cá ba sa đang gặp khó khăn về xuất khẩu.

Ông Ngô Phước Hậu - tổng giám đốc Công ty Agifish, đơn vị có doanh số bán hàng nội địa cao nhất đối với sản phẩm cá tra, cá ba sa - cho rằng nếu các sản phẩm này được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng sẽ là sự khích lệ lớn để đơn vị đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác thị trường nội địa.

Nhiều DN nhận định thị trường nội địa đang có rất nhiều tiềm năng, trong khi chỉ mới có bốn công ty là Agifish, Tuấn Anh, Vĩnh Hoàn và Afiex tham gia khai thác thông qua các siêu thị, hệ thống đại lý... Những DN khác trong danh sách 26 đơn vị chế biến cá tra, cá ba sa xuất khẩu hiện nay cũng đang chuyển hướng khai thác thị trường nội địa song doanh số còn thấp hoặc chưa vào được hệ thống siêu thị.

Giám đốc một DN cho rằng vụ kiện bán phá giá cá tra, cá ba sa của Mỹ năm 2003 đã khiến cá ba sa VN gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đồng thời nó cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm này tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, doanh số nội địa chỉ bùng nổ trong một thời gian ngắn sau vụ kiện, sau đó giữ ở mức 5-10% tổng doanh số của DN. “Nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm cá tra, cá ba sa VN có lẽ là do chưa có thương hiệu nào nổi bật” - ông Nguyễn Hồng Hà, phó giám đốc Công ty Afiex, đánh giá.

“Nhà nước kêu gọi các DN chế biến thủy sản xuất khẩu tăng cường khai thác thị trường nội địa nhưng đến nay vẫn chưa có một chương trình hỗ trợ nào nhằm giúp  DN mở rộng thị trường này”, giám đốc một DN nói. Ông cho biết nhiều DN đầu tư rất lớn cho việc quảng bá sản phẩm tại thị trường nội địa, từ việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đến chuyện tham gia các hội chợ thủy sản. Thế nhưng số vốn đầu tư này vẫn chưa thấm là bao.

Đi từ nhà ra ngõ

Sau một thời gian khai thác thị trường nội địa, Công ty Vĩnh Hoàn vừa quyết định rút bớt một số mặt hàng, lý do không đủ nhân lực. Theo một số DN, việc khai thác thị trường nội địa không đem lại hiệu quả cao. “Không phải chúng tôi không nghĩ đến chuyện khai thác thị trường nội địa, nhưng khả năng thành công không cao trong khi chi phí xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm lại khá lớn”, giám đốc một đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu nói. Các DN giải thích rằng do số lượng tiêu thụ ít, chi phí nhân công, vận chuyển cao làm cho giá thành sản phẩm đội lên, chưa phù hợp với túi tiền của số đông người tiêu dùng.

Tuy nhiên ông Ngô Phước Hậu cho biết sau một thời gian làm ăn theo kiểu “cò con”, cuối năm 2004 đơn vị này đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng xây dựng một nhà máy sản xuất các loại sản phẩm cá tra, cá ba sa để tiêu thụ thị trường nội địa. Ông Hậu tin rằng Agifish sẽ có cơ hội tăng mạnh doanh số tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm cá tra, đặc biệt là góp phần giải quyết những khó khăn về đầu ra cho lượng cá tra không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Một số DN khác cũng đang xây dựng những chương trình nâng cấp hình ảnh thương hiệu, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa một cách bài bản hơn.

Ông Nguyễn Hồng Hà cho biết Công ty Afiex và chi nhánh Công ty Vissan tại Đà Nẵng đang bàn phương án hợp tác nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra của đơn vị này tại khu vực miền Trung. Trước mắt Afiex sẽ cung cấp nguyên liệu cho Vissan chế biến và đưa vào hệ thống đại lý có sẵn để tiêu thụ. Ông Võ Thanh Tuyến - giám đốc Công ty Tuấn Anh - cho hay công ty của ông đang có tham vọng đưa thương hiệu sản phẩm của đơn vị ra nước ngoài, do đó việc đầu tư cho thương hiệu bắt đầu từ thị trường nội địa đang được quan tâm.

“Thị trường nội địa không thể nào thay thế được thị trường xuất khẩu đối với con cá ba sa, nhưng nếu DN không xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm ngay trên sân nhà thì khó có hi vọng một ngày nào đó cá ba sa mang thương hiệu VN được người tiêu dùng nước ngoài biết đến”, ông Hậu nhấn mạnh.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Người nuôi cá ba sa khổ trăm bề!
Vì sao cá ba sa giảm giá?
Cá tra, cá ba sa rớt giá, DN bỏ rơi nông dân
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu thủy sản: Qua cơn bĩ cực? (20/06/2005)
Tăng cường năng lực cạnh tranh hàng không, hàng hải (20/06/2005)
Thay đổi mô hình quản lý điện ở nông thôn (18/06/2005)
Phát hiện thêm một giếng dầu (18/06/2005)
Ngư dân được mùa cá ngừ đại dương (18/06/2005)
Thụy Điển hỗ trợ gần 4 triệu USD cho ngành nông (18/06/2005)
Người quyết định đầu tư sai sẽ phải bồi thường! (17/06/2005)
Nỗi buồn trái cây VN: xuất khẩu giảm (17/06/2005)
Honda khởi công nhà máy ôtô tại Việt Nam (17/06/2005)
Dự án mở rộng cảng Tiên Sa phát huy tác dụng lớn (17/06/2005)
Sẽ có ô tô du lịch do Việt Nam sản xuất (17/06/2005)
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm (17/06/2005)
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,4% (16/06/2005)
Kiến nghị dừng nhập khẩu đường (16/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang