Thị trường thủy sản Việt Nam, sau một thời gian gặp khó do nhiều nguyên nhân, đã có những tín hiệu sáng sủa với sự trở lại của các nhà nhập khẩu Mỹ, Nhật từ đầu tháng 6-2005.
Khắc phục yếu kém từ phía mình
|
Xuất khẩu thủy sản qua cơn bĩ cực. |
Phân tích về diễn biến thuận lợi trên, ông Nguyễn Văn Kịch, giám đốc công ty Cafatex (Cần Thơ), cho rằng cái chính là cả hai thị trường Mỹ và Nhật đang mất cân đối cung cầu (thiếu hàng). Thị trường Mỹ bị “đóng băng” từ tháng 3/2005, tức sau khi hải quan Mỹ áp dụng quy định bắt buộc đóng tiền đặt cọc (bond) đối với hàng thủy sản của các nước bị áp mức thuế bán phá giá tôm, trong đó có Việt Nam.
Để giải tỏa áp lực thiếu hàng, các nhà nhập khẩu Mỹ không có con đường nào khác là chủ động quay lại Việt Nam, chủ động chấp nhận phương thức đóng thuế nhập khẩu thay cho nhà xuất khẩu như đã làm lâu nay. Riêng thị trường Nhật, sau thời gian “nằm chờ thời cơ giá hạ”, cũng trở lại mua hàng để bù lắp khoản thiếu hụt như thị trường Mỹ. Các động thái này đã giúp thị trường xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam khởi sắc trở lại so với hai tháng trước đó.
Một doanh nghiệp khác nhận định “tình hình cung cầu thủy sản thế giới sẽ tiếp tục có lợi cho Việt Nam, do lượng tôm sú của Thái Lan và Indonesia đang sụt giảm nhiều, sản xuất tôm của Ấn Độ cũng bất lợi vì mức thuế chống bán phá giá cao hơn Việt Nam, trong khi lượng tôm sú của Việt Nam còn khá lớn, đặc biệt là tôm sú cỡ lớn, một sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam từ trước đến nay”.
Với thị trường cá tra, ba sa, tuy đang rất khó khăn do bị kiểm tra gắt gao dư lượng kháng sinh và hóa chất bị cấm của một số nước EU, nhưng đối với cá sạch, phần nhiều là loại cá thịt trắng hiện không đủ hàng bán. Ông Bửu Huy, giám đốc công ty Afiex (An Giang), dẫn chứng, cá nuôi bè sạch, thịt trắng (loại một), bao bì đẹp, công ty ông có thể bán với giá 3,5 - 4 đôla/kg, cá loại hai giá dưới 3 đôla/kg, cá thịt vàng cũng bán được khoảng 2,4 đôla/kg.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Lực, giám đốc công ty Fimex Việt Nam, sự trở lại của các nhà nhập khẩu Mỹ, Nhật và EU cũng có giới hạn. Họ chỉ chọn lựa một số doanh nghiệp được đánh giá đáng tin cậy về khả năng không bị áp mức thuế cao hơn sau giai đoạn xem xét lại của Bộ Thương mại Mỹ trong thời gian sắp tới. Vì thế, những thuận lợi của thị trường trong thời điểm hiện nay cũng mang tính nhất thời. Nếu muốn tình hình được cải thiện tích cực và bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục giải quyết những yếu kém, tồn tại từ phía mình. Một trong những yếu tố mang tính quyết định là chất lượng sản phẩm - chuyện nghe có vẻ nhàm, nhưng lại luôn là điểm yếu nhất và phải trả giá nặng nề nhất của ngành thủy sản Việt Nam.
Gốc của vấn đề vẫn là chất lượng
Đề cập đến vấn đề chất lượng, ông Bửu Huy khẳng định: “Thực chất khó khăn lớn nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra, ba sa nói riêng là vấn đề chất lượng chứ không phải là chuyện phá giá và không có thị trường”. Nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, sau 20 năm phát triển thủy sản, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước hàng đầu về xuất khẩu tôm trên thế giới, trong đó phải kể đến thế mạnh gần như độc quyền về tôm sú cỡ lớn.
Riêng mặt hàng cá ba sa, cá tra, thành công của chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế Việt-Pháp (1995-2005), cho đẻ nhân tạo thành công cá tra, ba sa tại Việt Nam, đã mở ra triển vọng to lớn cho sự phát triển nhanh chóng về sản lượng và thị trường cá tra, ba sa Việt Nam. Ông Ngô Phước Hậu, giám đốc Công ty Agifish (An Giang), dẫn chứng “một trong những cột mốc ấn tượng đó là sản lượng cá nguyên liệu đã đạt mức kỷ lục 300.000 tấn vào năm 2004. Con số này ngang bằng với sản lượng cá nheo của Mỹ, và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh với cá rô phi Trung Quốc trên thị trường thế giới”.
Tuy nhiên, chính sự phát triển quá nóng không kiểm soát được diện tích, sản lượng tôm và cá đã dẫn đến những yếu kém về quản lý chất lượng. Tỷ lệ nhiễm dư lượng kháng sinh, hóa chất bị cấm trong cá nuôi khá cao, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm chưa được xử lý một cách triệt để, khả năng bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm kém do diện tích nuôi còn manh mún, trình độ sản xuất chưa đồng đều đã dẫn đến bất lợi cho cả hai sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam trước các rào cản “kỹ thuật” từ các nước cạnh tranh.
Ông Bửu Huy cho rằng, để có sản phẩm sạch thì một mình doanh nghiệp không thể làm được nếu không qua quy trình nuôi sạch. “Hàng rào kỹ thuật về hóa chất và dư lượng kháng sinh từ các nước nhập khẩu ngày một cao, muốn vượt qua phải có sự nỗ lực từ hai phía (người nuôi và nhà chế biến), còn làm theo kiểu mạnh ai nấy làm như lâu nay thì thế mạnh cạnh tranh của cá tra, ba sa Việt Nam sẽ tiếp tục suy giảm”, ông nói.
Với tư cách là chủ tịch Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Hồ Quốc Lực cho biết, xây dựng chất lượng nguyên liệu thủy sản là một trong ba chương trình chính của VASEP trong đại hội nhiệm kỳ ba (2005-2010) vừa diễn ra vào ngày 12/6/2005. Ông khẳng định: “Tính an toàn sản phẩm đã trở thành yếu tố cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản nói chung, từng doanh nghiệp nói riêng. Tôi nghĩ, những bài học xương máu đã qua và hiện nay xung quanh vấn đề chất lượng đã nói lên rằng, nếu không có sự liên kết thật sự thì ngành thủy sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục trả giá, không chỉ về kinh tế mà còn cả về môi trường”.
(Theo Thời báo Kinh tế SG) |