Theo số liệu của Hiệp hội Trái cây VN, kim ngạch xuất khẩu trái cây VN đã giảm mạnh trong vòng bốn năm qua, từ gần 330 triệu USD vào năm 2001 xuống còn hơn 178 triệu USD vào năm 2004 và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.
|
Nỗi buồn trái cây Việt Nam. |
Lận đận vẫn cứ bám mãi vào người nông dân, khi những sản phẩm của họ có mặt trên thị trường luôn gặp những bất ổn về giá cả.
Đã là thị trường thì giá cả phải theo qui luật cung cầu, ai có lợi thế hơn thì chiếm lĩnh thị trường. Lý do trái cây VN chưa xuất sang được các thị trường cao cấp là không có số lượng lớn.
Nhận định của các nhà ngiên cứu về cây ăn quả VN, hạn chế lớn nhất của trái cây VN là tuy trái gì cũng có nhưng không có trái gì số lượng lớn; ai cũng trồng nhưng trồng không cùng lúc, nên không thể thu hoạch đồng loạt; mỗi nhà vườn trồng theo những kỹ thuật khác nhau, nên không cùng chất lượng; giá thành quá cao nên không thể có giá chấp nhận được
Tổn thất trái cây sau thu hoạch hiện nay rất lớn, lên đến 30%-40%, vì vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, giá thành trái cây VN quá cao so với các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan.
Giá trái cây VN hiện nay vẫn còn quá cao. Chẳng hạn xoài cát Hòa Lộc có giá lên tới 60.000đ/kg, sầu riêng Chín Hóa 30.000đ/kg, nhãn xuồng cơm vàng 30.000đ/kg... Trong khi đó trái cây cùng chủng loại của Thái Lan giá thấp hơn. Do đó trái cây VN không thể cạnh tranh được với trái cây Thái Lan, chưa kể trái cây của nhiều nước khác, là điều không thể tránh khỏi
Một giài pháp để trái cây VN muốn cạnh tranh thắng thế trái cây Thái Lan thì tất cả các loại phải xuống 10.000 đồng/kg (vì trái cây ngon của Thái Lan bán chỉ 10.000 đồng/kg).
Giảm giá thì đã đành, nhưng so với Thái Lan, VN vẫn chưa có người chịu trách nhiệm đặc trách giao thương cụ thể, chưa khai thác được thị trường tiềm năng. Kể cả về chính sách xuất khẩu, Thái Lan vẫn có chính sách rõ ràng và thích ứng với từng thị trường.
Ở Thái Lan, ngành trái cây phát triển mạnh như vậy mà công tác tiếp thị và tìm kiếm thị trường cũng được tổ chức thường xuyên và bài bản. Một yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển của các loại trái cây là sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh trái cây
Thêm nữa, trong bối cảnh phải chuyên canh thành vùng trái cây đặc trưng chủ lực để lấy được lợi thế cạnh tranh, thì người nông dân vẫn còn nhiều những bối rối. Sợ giá cả thấp mà chỉ trồng một loại thì nhà vườn không trụ được nên phải trồng xen canh với tính toán lấy cái nọ bù cái kia.
Điều này làm cho những vùng có các loại trái cây đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm roi, nhãn xuồng cơm vàng...ngày càng trở nên manh mún, không thu hút được thương lái khi đến nhà vườn.
Không thể trách người nông dân, nếu như họ không được tập huấn, hướng dẫn kỷ thuật, huấn luyện chuyên nghiệp canh tác và hướng dẫn cả những khả năng nắm bắt về thị trường trong thời buổi hội nhập.
Bị cạnh tranh ngay trên sân nhà, những giải pháp đưa ra, nếu được thực hiện thì trái cây VN có lấy lại được vị thế? Bao giờ người nông dân mới tự cứu được mình, tự mình có thương hiệu, có quy trình sản xuất, tự khẳng định mình để tìm đầu ra?
(Theo Tuổi Trẻ) |