(VietNamNet) - Theo Bộ Thương mại, giá gạo xuất khẩu vẫn đang tiếp tục giảm nhẹ, khoảng 2-5 USD/tấn so với tuần trước. Nguyên nhân là do châu Phi - thị trường xuất khẩu chủ lực của gạo Việt Nam - hiện không nhập hàng, bởi lượng tồn kho nhiều.
|
Thu hoạch vụ hè thu tại các tỉnh ĐBSCL. |
Ngoài ra, việc Philippines không còn gọi thầu những lô hàng lớn và Indonesia vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gạo cũng tác động đến giá gạo Việt Nam. Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang chào bán với giá 248 USD/tấn, 15% tấm là 240 USD/tấn và 25% là 238 USD/tấn.
Tại thị trường nội địa, giá thóc gạo ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng trong xu hướng giảm do bắt đầu thu hoạch vụ đông xuân. Giá thóc tẻ thường tại Hải Dương giảm xuống còn 2.400 đồng/kg, gạo tẻ thường 4.300 đồng/kg. Tại Nam Định, Thái Bình, giá thóc cũng đồng loạt giảm 50 đồng/kg, xuống 2.400 đồng/kg; gạo tẻ thường giảm 200 đồng/kg, xuống còn 4.000-4.100 đồng/kg. Tại Hải Phòng, giá gạo tẻ thường giảm 300 đồng/kg, xuống còn 4.000 đồng/kg.
Tại ĐBSCL, giá thóc giảm nhẹ 50-100 đồng/kg do một vài nơi đã bắt đầu thu hoạch vụ hè thu. Tuy nhiên, giá thóc cũ vẫn ở mức 2.350-2.400 đồng/kg, giá thóc mới 2.100-2.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm cũng giảm 10-100 đồng/kg.
Dự báo, giá gạo nội địa thời gian tới sẽ giảm nhẹ do nông dân tiếp tục bán ra lượng gạo dự trữ và chuẩn bị thu hoạch vụ lúa mới trong vòng một vài tuần tới. Giá gạo xuất khẩu còn sụt giảm.
Theo tính toán của Cục Nông nghiệp - Bộ NN-PTNT, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu được 4 triệu tấn gạo. Sản lượng vụ lúa đông xuân tại các tỉnh ĐBSH ước đạt 6,6 triệu tấn, vượt khoảng 300.000 tấn so với kế hoạch. Trong khi đó ở ĐBSCL, năng suất của vụ đông xuân và hè thu sớm cũng đạt trung bình 6 tấn/ha, tăng gần 2 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2004. Do vậy, sản lượng lúa năm 2005 có thể vượt so với kế hoạch đề ra và đạt khoảng trên 35 triệu tấn. Tính đến hết tháng 5, các DN Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 3 triệu tấn, trong đó có gần 2,2 triệu tấn giao trong tháng 6.
|