Cá tra, basa tồn đọng: Người nuôi có nguy cơ phá sản
16:14' 15/06/2005 (GMT+7)

Hiện nay cá tra thịt trắng, chất lượng thịt loại I được các hộ chăn nuôi ở huyện Châu Phú rao bán với giá 8.500 đồng/kg, nhưng không có doanh nghiệp hay thương lái nào quan tâm, dù bán với giá này họ phải lỗ từ 1.000 - 1.500 đồng/kg.

Soạn: AM 413267 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thu hoạch cá basa ven sông Hậu.

Trước tình hình khó khăn của giới nuôi cá, chiều ngày 10/6/2005 Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang (AFA) đã có cuộc hợp với các chi hội của huyện Châu Phú, là huyện có sản lượng cá tra, cá basa đứng đầu tỉnh, hầu tìm ra biện pháp giải quyết trước mắt cũng như lâu dài cho ngành chăn nuôi cá của tỉnh nhà.

Sản lượng cá tra - basa toàn tỉnh An Giang khoảng 90.000 tấn, trong đó chỉ tính riêng huyện Châu Phú, sản lượng cá tra tồn đọng trên 10.000 tấn, đã khiến cho 1.380 hộ chăn nuôi cá ở Châu Phú rất hoang mang lo lắng và có rất nhiều hộ đứng trước nguy cơ phá sản. Vì tất cả những hộ chăn nuôi cá đều vay vốn ngân hàng, và đã đến hoặc quá kỳ hạn phải trả nợ.

Tính từ đầu năm 2003 sau vụ kiện cá da trơn của Mỹ cũng đã gây sóng gió không nhỏ cho ngành chăn nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2004 có thể xem là thời cực thịnh của ngành, giữa năm 2004 giá cá có lúc lên tới 14.000 - 15.000 đồng/kg, đến cuối tháng 10 năm 2004 giá cá xuống còn 12.000 đồng/kg, và từ nhiều tháng qua cá tra - basa liên tục rớt giá, thậm chí xuống khá xa giá sàn (12.000 đồng/kg).

Nếu so với khó khăn trong vụ kiện của Mỹ thì tình hình giới chăn nuôi cá tra - basa năm nay xem ra "thảm hại" hơn nhiều. Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch AFA, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến tình trạng tồn đọng cá hiện nay là do mức cung vượt cầu. Mặc dù tỉnh có quy định các hộ nuôi cá phải có đăng ký, thế nhưng khi các hộ nuôi mới không xin phép cũng không bị xử lý, các ngành liên quan không nắm được sản lượng cá cụ thể của địa phương, năng suất chế biến của các nhà máy không theo kịp đà tăng trưởng, sản lượng cá cung vượt cầu, cá bị ứ đọng.

Lý do thứ hai là chất lượng thịt cá giảm, trong khi thị trường Mỹ và thị trường châu Âu đòi hỏi chất lượng thịt cá ngày càng cao. Sức tiêu thụ của thị trường trong nước và các nước châu Á không đáng kể.

Ông Khánh cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản cho biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự mất cân đối cung cầu này, khi Bộ đề ra mục tiêu đến năm 2010 sản lượng cá tra-basa của ĐBSCL sẽ đạt 1 triệu tấn, làm cho người nuôi cá tăng mạnh sản lượng, gây mất cân đối cung cầu như hiện nay? Đứng về góc độ quản lý chuyên ngành của Bộ, Bộ đã có biện pháp nào gỡ rối cho tình hình cá tra, basa?

Trong bảng kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban chấp hành AFA cho rằng: "Trong chừng mực nào đó có trách nhiệm của Bộ Thủy sản", và AFA yêu cầu làm rõ trách nhiệm của VASEP, cụ thể của từng thành viên Ban chấp hành Hiệp hội VASEP đối với việc các doanh nghiệp của VASEP bán phá giá cá tra- basa.

Hiện nay toàn thể các hộ chăn nuôi ở khu vực ĐBSCL đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về nội dung bản kiến nghị của AFA.

Để cho mức cung không vượt quá cầu, trước hết ngành chăn nuôi thuỷ sản địa phương cần phải rà soát và nắm được số lượng cá thả nuôi, sản lượng, thời gian xuất bán, AFA sẽ báo về tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có như vậy mới điều tiết và cân đối được sản lượng cá và nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà máy, người dân chỉ nên tăng sản lượng khi có chỉ đạo từ trên đưa xuống.

Vẫn theo ông Khánh, thứ nhất huyện Châu Phú cần phải đi đầu và làm cho được công tác thường xuyên kiểm soát sản lượng cá của huyện, để AFA luôn có số liệu cá cập nhật hàng tuần. Thứ hai là phải thay đổi kỹ thuật chăn nuôi cá, nâng chất lượng thịt cá lên, giảm chi phí đầu tư để tăng sức cạnh tranh. Và người chăn nuôi nên ký hợp đồng trước với doanh nghiệp. Sau đó mô hình này sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh và toàn vùng.

Biện pháp trước mắt, chuẩn bị cho hội chợ Việtfish ở Tp.HCM khai mạc ngày 14/6/2005, để tránh tình trạng các công ty chào giá cá thấp, ông Khánh yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh cố gắng chào giá cá loại I giữ ở mức 12.000 đồng/kg.

Người nuôi cá đang hy vọng khi có sự can thiệp của Chính phủ thì tình trạng "hỗn loạn" thị trường cá như hiện nay sẽ dần đi vào nề nếp và tương lai con cá tra-basa ở ĐBSCL sẽ "khoẻ mạnh" trở lại để tiếp tục vượt rào sang các thị trường nước ngoài!

(Theo Thời báo Kinh tế VN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Làm sao để không thiếu urê? (15/06/2005)
Cá nước ngọt Việt Nam đã có người đỡ đầu (14/06/2005)
Lúa sạch giá cao: mô hình nông nghiệp mới (13/06/2005)
Vải thiều được giá nhưng mất mùa! (13/06/2005)
35 tỷ đồng phát triển thủy sản miền núi phía Bắc (09/06/2005)
Bao giờ nông dân và DN “ngồi cùng thuyền”!? (08/06/2005)
Trái cây VN thua trên sân nhà, vì sao? (08/06/2005)
"Mỗi làng một nghề" liệu có dẫn đến loạn nghề? (08/06/2005)
Tìm hướng đi cho... xuất khẩu phụ tùng ôtô VN (07/06/2005)
Sẽ đầu tư sản xuất lắp ráp ôtô tại Hà Tây (07/06/2005)
Thiếu tre nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu (07/06/2005)
Sa Pa trồng hoa công nghiệp (02/06/2005)
Ưu đãi cho nuôi thủy sản trên biển và hải đảo (02/06/2005)
Không được xuất khẩu quá 3,8 triệu tấn gạo (02/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang