Bao giờ nông dân và DN “ngồi cùng thuyền”!?
16:36' 08/06/2005 (GMT+7)

“Xin chào tất cả ngư dân… những người đang lao đao vì giá cá tra, cá basa giảm giá”, ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA) mở đầu cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản và ngư dân ngày hôm qua (7/6), đã làm cho ngư dân 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long “cởi mở” hơn để nói hết tâm tư nguyện vọng của mình.

Doanh nghiệp có “làm eo, làm sách”!?

Thống kê sơ bộ tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã có trên 50.000 tấn cá tra, cá basa nuôi ao hầm, bè chờ DN giải quyết đầu ra! “Nông dân đang ở thế tiến thoái lưỡng nan! Bán thì không được vì vừa bị DN ép giá, vừa bị ràng buộc cá phải bao bệnh, bao màu, bao dư lượng kháng sinh!

Còn giữ cá thì một ngày chịu tiền thức ăn 10-20 triệu đồng cũng chết” - Đó là nỗi niềm của ngư dân Nguyễn Hữu Nguyên ở Châu Phú -  An Giang. Anh Nguyên băn khoăn không biết bè cá 80 tấn chưa thu hoạch của mình sẽ đi về đâu khi ngân hàng đã lên tiếng khóa sổ vay! Đây cũng là tâm tư chung của nhiều người dân tại cuộc đối thoại.

Thu hoạch cá ba sa ven sông Hậu.

Ông Trần Bá Phước, ngư dân vào tuổi “thất thập cổ lai hy” ở Châu Phú, An Giang đã đặt một câu hỏi khá thú vị: Các nhà máy chế biến đều nắm rõ giá thành cá nguyên liệu của ngư dân nhưng họ có bao giờ công khai giá thành sản xuất của mình không? Giá cá rớt thê thảm, nhiều nông dân đã muốn phá sản nhưng thử hỏi có nhà máy chế biến thủy sản nào sập tiệm chưa?

Các DN chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa hiện nay như độc diễn trên sân cỏ -  nghĩa là vừa đá bóng, vừa thổi còi! Nhiều nông dân rất bức xúc: lúc cá tra, cá basa khan hiếm chẳng thấy DN nào đưa ra tiêu chuẩn này nọ; khi cá dư thừa thì đòi kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng. DN còn mua chịu của nông dân đến 1-2 tháng mới chịu trả tiền!

Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản Cần Thơ đã kể một câu chuyện “cười ra nước mắt” của một ngư dân ở huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ): một người xưng là của công ty X, mua cá hơn 1 tháng tiền nợ lên đến 1 tỷ đồng mà không trả tiền.

Ngư dân chẳng biết anh ta có phải là người của công ty X hay không, đành mời anh ta đến nhà bán cá tiếp sau đó “giam” luôn trong nhà gần 7 ngày (mỗi ngày có đãi bia bọt đàng hoàng). Sau đó, công ty X mới chịu đến ký nhận nợ và bảo lãnh nhân viên! Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch AFA chua xót nhận định: Người nuôi tự phát, DN mua bán trôi nổi thì tình hình tiêu thụ cá tra, cá basa tiếp tục bấp bênh!

Bao giờ nông dân và DN “ngồi cùng thuyền”!?

Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc Agifish lý giải nguyên nhân rớt giá cá tra, cá basa là do cung lớn hơn cầu, tốc độ phát triển nuôi cá tra, cá basa quá nhanh, khâu quản lý không theo kịp… nhất là do môi trường xấu, làm cá kém chất lượng. Song ông Hậu cũng nhìn nhận, không ít DN vẫn chưa có trách nhiệm, cạnh tranh không lành mạnh.

Không ít DN “kê” thêm hàng loạt khó khăn trong xuất khẩu hiện nay -  nhất là các hàng rào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của EU. Còn thực tế hàng trăm chuyện trái khoáy mà các DN tung chiêu làm “eo” với ngư dân. Ví dụ như, cử người “mạo danh” công ty tung tin giá cá tra, cá basa ngày mai, ngày mốt sẽ giảm thêm 500đ - 1.000đ/kg…

Sau cuộc đối thoại dẫu còn nhiều điều phải bàn tiếp, song ngư dân và DN đã xích lại gần nhau hơn. DN đã cam kết sẽ mua cá tra, cá basa loại I của ngư dân với giá sàn tối thiểu 12.000đ/kg. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch AFA cho rằng: cần kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển nuôi cá tra, cá basa trong thời gian tới và nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là có biện pháp chế tài đối với các hộ nuôi tự phát.

Kết thúc cuộc đối thoại, bà Phạm Kim Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã thừa nhận sự buông lỏng vai trò quản lý trong thời gian qua dẫn đến việc không kiểm soát được người nuôi.

Tỉnh An Giang sẽ khống chế và không phát triển thêm sản lượng cá tra, cá basa và các nhà máy chế biến trong năm 2006, đồng thời kêu gọi các tỉnh trong vùng liên kết kiểm soát chặt chẽ vùng nuôi và thực hiện qui trình nuôi sạch.

Song, vẫn còn hai câu hỏi chưa có câu trả lời: Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa Việt Nam vừa được thành lập khi nào đi vào hoạt động; sản lượng một triệu tấn cá tra, cá basa đề ra đến năm 2010 có phù hợp không khi đầu ra không ổn định?  

(Theo SGGP)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trái cây VN thua trên sân nhà, vì sao? (08/06/2005)
"Mỗi làng một nghề" liệu có dẫn đến loạn nghề? (08/06/2005)
Tìm hướng đi cho... xuất khẩu phụ tùng ôtô VN (07/06/2005)
Sẽ đầu tư sản xuất lắp ráp ôtô tại Hà Tây (07/06/2005)
Thiếu tre nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu (07/06/2005)
Sa Pa trồng hoa công nghiệp (02/06/2005)
Ưu đãi cho nuôi thủy sản trên biển và hải đảo (02/06/2005)
Không được xuất khẩu quá 3,8 triệu tấn gạo (02/06/2005)
80% cơ sở ngành nghề nông thôn đói vốn (01/06/2005)
Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh (31/05/2005)
Đầu tư 400 triệu USD XD nhà máy phân đạm Ninh Bình (30/05/2005)
Tìm cơ chế đẩy mạnh XK tôm vào Mỹ (26/05/2005)
Thuỷ sản xuất khẩu hướng sang EU, Trung Quốc (26/05/2005)
Đấu giá xong 23,5 tấn thịt gà của Mỹ (25/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang