Thiếu tre nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu
11:38' 07/06/2005 (GMT+7)
(VietNamNet) - Nguồn nguyên liệu tre đang khan hiếm và những DN chế biến tre phải nỗ lực tìm kiếm thêm nguyên liệu để xuất khẩu.

"Chúng tôi cần mua tre nguyên liệu (Tre Mạnh Tông) và dây chuyền máy chế biến tre ghép để làm ván sàn tre xuất khẩu với số lượng lớn. Nếu công ty hoặc tổ chức cá nhân nào quan tâm đến dự án của chúng tôi xin liên hệ Công Ty TNHH Thanh Hòa".

Đó chỉ là một trong những thông báo của một DN tại TP.HCM để tìm nguyên liệu. Số DN chế biến tại Việt Nam đã lên tới hàng chục, chưa kể hàng trăm làng nghề cũng đang sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre. Họ đều đang nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho mình. Nhưng theo các DN này, nguồn nguyên liệu tre đang khan hiếm tại Việt Nam, nơi cây tre đã đi vào lịch sử.

Một sản phẩm từ tre của làng Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà máy chế biến tre được coi là lớn nhất tại Việt Nam có tên TBF xây dựng tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa cuối năm 2004. TBF hiện đang hoạt động với công suất 4.000 cây tre/ngày, nhưng lại đang lo vì thiếu nguyên liệu trong tương lai không xa.

Nhà máy TBF ngay sau khi ổn định sản xuất, đầu năm 2005 đã bắt đầu ký kết được những hợp đồng xuất khẩu ra các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Á... sản phẩm ván sàn ép từ tre... Và theo họ, thị trường tre xuất khẩu hiện đang hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.  

Doanh nghiệp này cho biết, họ quyết định đặt nhà máy sản xuất ở Thanh Hoá bởi nơi đây có những rừng luồng lớn ở khu vực phía Bắc. Cây tre với 1.300 chủng loại khác nhau có thể sản xuất được rất nhiều sản phẩm giá trị.

Với năng lực hiện có và các dự án mở rộng sản xuất, nhà máy TBF trong vài năm tới sẽ đòi hỏi lượng nguyên liệu gấp vài lần hiện nay. Hiện Chương trình Phát triển Kinh tế Tư nhân (MPDF) đang xúc tiến mở rộng thêm 500ha tre nguyên liệu tại Thanh Hoá.

Theo đại diện MPDF, đơn vị hỗ trợ cho dự án giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ thị trường xuất khẩu các sản phẩm tre, các sản phẩm từ cây tre Việt Nam hiện có tiềm năng xuất khẩu lớn và để đáp ứng điều đó, năng suất sẽ phải tăng lên đáng kể trong thời gian tới.

Trước những cơ hội từ cây tre và việc giúp nông dân tăng thêm thu nhập qua xuất khẩu, các sản phẩm tre đang ngày càng phát triển, MPDF do Công ty Tài chính Quốc tế IFC quản lý vừa công bố, họ sẽ cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cộng tác với Công ty cung cấp các sản phẩm gia dụng IKEA và nhà máy chế biến tre TBF tài trợ vốn cho nông dân trồng tre xuất khẩu.

Dự án này được nhiều tổ chức đồng tài trợ với chỉ tiêu giúp tăng thu nhập lâu dài cho ít nhất 400 hộ nông dân thu nhập thấp tại vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa cũng như xây dựng nguồn cung cấp ổn định về tre chất lượng tốt cho IKEA.

Thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, Dự án sẽ giúp đỡ và khuyến khích tăng diện tích trồng tre đáp ứng nhu cầu hàng năm của TBF là khoảng 2 triệu thân tre. Nông dân được hướng dẫn  các phương pháp trồng trọt tốt nhằm đảm bảo việc bảo vệ môi trường trong khu vực.

Chế biến thân tre tại Nhà máy TBF (Thanh Hoá).

Ông Ken Key, Giám đốc phụ trách Dự án này tại MPDF cho biết một lợi thế nữa trong dự án này là chính đặc tính của tre đã giúp tre trở thành một nguyên liệu thay thế tuyệt vời cho gỗ và tốc độ phát triển vô cùng nhanh của tre sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng gỗ cứng do thời gian phát triển rừng gỗ cứng là rất đáng kể.  

Nếu việc phát triển thị trường nguyên liệu tre hiệu quả, MPDF sẽ hỗp trợ thêm việc trồng tre tại một số vùng khác ở Việt Nam.

Trung Quốc những năm gần đây xuất khẩu hơn nửa triệu mét vuông tre mỗi năm. Và ngay cả Việt Nam cũng đang tiêu thụ không ít chiếu trúc, chiếu tre nhập từ Trung Quốc. Mỗi ha trồng tre chất lượng cao đem lại thu nhập 15.000 USD mỗi năm cho người nông dân Trung Quốc.

Các sản phẩm từ tre sẽ ngày càng được chú ý bởi nhu cầu tiêu thụ gỗ toàn thế giới đang lớn hơn mức cung và tre đang là nguyên liệu xứng đáng nhất thay thể gỗ.

  • Hồng Phúc

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Sản phẩm mây tre lá đắt hàng
Duyên dáng nội thất… mây tre lá
CÁC TIN KHÁC:
Sa Pa trồng hoa công nghiệp (02/06/2005)
Ưu đãi cho nuôi thủy sản trên biển và hải đảo (02/06/2005)
Không được xuất khẩu quá 3,8 triệu tấn gạo (02/06/2005)
80% cơ sở ngành nghề nông thôn đói vốn (01/06/2005)
Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh (31/05/2005)
Đầu tư 400 triệu USD XD nhà máy phân đạm Ninh Bình (30/05/2005)
Tìm cơ chế đẩy mạnh XK tôm vào Mỹ (26/05/2005)
Thuỷ sản xuất khẩu hướng sang EU, Trung Quốc (26/05/2005)
Đấu giá xong 23,5 tấn thịt gà của Mỹ (25/05/2005)
Bấp bênh cung - cầu cá tra, basa (25/05/2005)
Gần 60% các HTX thuỷ sản hoạt động yếu kém (24/05/2005)
Dự án Dung Quất: Chúng ta đã bị động! (24/05/2005)
Tàu 20 sức ngựa trở lên buộc phải đăng kiểm (23/05/2005)
Giá hạt điều xuất khẩu tăng mạnh (23/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang