Bấp bênh cung - cầu cá tra, basa
07:29' 25/05/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc đã nhận xét như vậy tại cuộc họp với đại diện các tỉnh ĐBSCL có nuôi cá tra, basa về tình hình sản xuất, tiêu thụ mặt hàng này.   

Giá cá tra xuất khẩu tăng cao trong năm 2004.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu chính thức của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) về các nội dung trong Bản kiến nghị của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thuỷ sản An Giang (AFA) gửi Thủ tướng Chính phủ cũng như các ý kiến khác, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc kết luận rằng, các DN thuỷ sản Việt Nam đã không bán phá giá cá tra tại Hội chợ Brucxen (Bỉ) hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Theo lý giải của VASEP, chiều 24/4, ngay trước khi khai mạc Hội chợ Brucxen, Thứ trưởng Lương Lê Phương và đại diện lãnh đạo VASEP đã mời các DN tham gia Hội chợ hội ý để bàn thống nhất giá sàn. Căn cứ ý kiến thảo luận và biểu quyết của lãnh đạo các DN có mặt (trừ 2 DN vắng mặt do chưa đến kịp), Thứ trưởng Phương đã kết luận: các DN thoả thuận không chào bán dưới mức giá sàn 2,9 USD/kg (giá FOB, philê cá tra trắng loại 1). Tại Hội chợ, đa số các DN đã chấp hành tốt thỏa thuận này. Cũng có DN chào bán với giá 2,65 USD/kg, tuy nhiên đó là giá chào bán philê đông lạnh với tỷ lệ mạ băng 15%, quy đổi ra thì giá bán vẫn cao hơn 2,9 USD/kg. VASEP khẳng định, nếu có một DN bán philê hoặc mua cá nguyên liệu với giá thấp hơn giá sàn chung đã thống nhất trong từng thời kỳ, thì lãnh đạo DN đó chịu trách nhiệm trong quan hệ đạo lý với cộng đồng DN và ngư dân.

Thị trường o ép

Theo “Báo cáo Tổng hợp về tiến độ sản xuất nguyên liệu và tình hình giá cả trong tuần của các DN chế biến” và của AFA, hiện giá cá tra nguyên liệu  loại 1 tại An Giang, thịt trắng, nuôi ao hoặc đăng quầng, chất lượng tốt, không nhiễm dư lượng kháng sinh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi EU đang ở mức 11.080-11.800 đồng/kg và có xu hướng tăng do số lượng có hạn trong khi nhu cầu khá cao. Nhiều DN đã có hợp đồng, nhưng không thể mua đủ nguyên liệu loại này để chế biến cung cấp cho khách hàng EU. Giá cá tra nuôi bè từ 11.000-11.600 đồng/kg, giá đứng, không giảm so với tuần trước. Cá tra loại 3, thịt vàng, tỷ lệ nhiễm Malachite Green cao, đang tồn đọng nhiều, giá hiện khoảng 8.800-9.300 đồng/kg, đứng giá hoặc giảm 200-500 đồng/kg so với tuần trước. Nhiều DN không mua loại cá này vì thiếu thị trường kể từ sau khi thực hiện quy định của Bộ Thuỷ sản về việc tăng cường kiểm soát tên gọi cá.

VASEP cho rằng, điều quan tâm nhất và cần tập trung giải quyết là số cá tra vàng loại 3, kém chất lượng mà nông dân đã nuôi lớn đến kỳ thu hoạch ngày càng dồn lại do thiếu thị trường, khiến giá đang và sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Song, nếu so với mức giá đỉnh cao gần 1 năm trước đây, giá cá tra đang ở mức thấp, mà nguyên nhân chủ yếu do diễn biến thị trường dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Sau Tết 2004, giá cá tăng rất cao (15.000 đồng/kg), người nuôi đầu tư ồ ạt, nên sản lượng cá tra năm nay tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại An Giang, chỉ riêng quý I, sản lượng cá đã là 93.426 tấn, bằng xấp xỉ 70% sản lượng cả năm 2004 (153.178 tấn), gây sức ép nặng nề cho các DN chế biến và tiêu thụ. Mặc dù các DN chế biến đã khai thác hết công suất chế biến (ước mua nguyên liệu 1.000 tấn/ngày, gấp đôi so với vụ cá năm 2004), nhưng vẫn không thể giải quyết hết nguyên liệu đang tồn đọng, nhất là loại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc ngư dân đang thu hoạch cá ồ ạt, sẵn sàng chấp nhận giá thấp hơn, vì muốn bán sớm do tâm lý sợ cá rớt giá khi bước vào đầu mùa mưa (cá dễ bị bệnh và chuyển màu) đã làm căng thẳng thêm tình trạng mất cân đối cung cầu, kéo theo sự giảm giá của một số chủng loại cá tra, nhất là cá chất lượng kém. Chất lượng cá nuôi tuy có được cải thiện một phần nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe của thị trường, hiện tượng nhiễm dư lượng kháng sinh, hoá chất vẫn chưa khắc phục được.

Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang bị co lại do chịu thêm nhiều sức ép mới. Thị trường Mỹ là thuế “chống bán phá giá” cao, chính sách thu "bond" trước 1 năm của Hải quan Mỹ và việc tăng cường kiểm soát tên gọi philê cá nhập khẩu từ Việt Nam. EU ngày càng tăng cường kiểm tra dư lượng hoá chất, kháng sinh, nhất là Green Malachite; Tây Ban Nha hiện đang kiểm 100% lô hàng cá tra Việt Nam; việc lấy mẫu kiểm tra không chỉ khi nhập khẩu mà lấy từ quầy hàng trong hệ thống phân phối, khiến các nhà nhập khẩu rất lo ngại, giảm lượng cá mua. Tại Canada, ngoài Green Malachite, nước này còn kiểm tra thêm dư lượng 2 kháng sinh khác là Flumequine và Oxanilic Acid. Chỉ riêng nhiễm Green Malachite, hàng chục container cá tra của các DN Việt Nam bị trả về, gây thiệt hại lớn về tài chính và uy tín cho DN. Thậm chí một số DN có uy tín đã bị cắt code EU. Điều này thật sự đang là mối nguy lớn đe dọa đầu ra của cá tra nước ta vào thị trường EU, Thuỵ Sĩ, Canada và Mỹ.

Giá cả trên thị trường cũng bắt đầu chịu tác động của sản lượng cá da trơn Trung Quốc đang tăng mạnh và sự phục hồi nghề nuôi cá nheo Mỹ. Nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Indonesia, Campuchia... đang phát triển mạnh nghề nuôi các loài cá Pangasius.

Sẽ có sàn giao dịch thuỷ sản

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc nói, đối với cá tra, ba sa, chúng ta đã có sản xuất hàng hoá lớn, nhưng năng lực quản lý chưa tương xứng. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế cho người nuôi đăng ký hành nghề, đăng ký thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo ATTP, ký kết hợp đồng kinh tế với DN chế biến tiêu thụ. Phải có định hướng và cơ chế đảm bảo hài hoà lợi ích giữa DN và người nuôi. Việc mua bán cần diễn ra công khai, với nhiều người tham gia, đạt đến hài hoà lợi ích, đặc biệt là giúp nông dân tránh bị ép giá. Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh có nuôi cá chủ động tối đa trong việc tổ chức thị trường đấu giá để công khai hoá và thị trường hoá quá trình định giá mua bán. Đó là sự cần thiết cho việc ra đời Sàn đấu giá cho cá tra, basa của ĐBSCL trong thời gian tới.

Song, VASEP kiến nghị, trước khi Sàn Đấu giá đi vào hoạt động, đề nghị Ban Điều hành thảo luận với các DN chế biến để quy định giá sàn mua nguyên liệu cho từng khoảng thời gian, tuỳ theo mùa vụ và diễn biến thị trường, tương ứng với từng loại chất lượng nguyên liệu, để giảm bớt tâm lý bất an về giá cho nông dân.

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cũng lưu ý, về quy hoạch, cung - cầu của cá tra hiện đang ở thế rất mạo hiểm. Quy hoạch phải làm giảm tính rủi ro cả về thị trường, môi trường, kinh tế xã hội trên cơ sở đảm bảo cơ chế tự điều tiết cung - cầu. Quy hoạch cần căn cứ vào thị trường, vào sức dân, năng lực chịu tải của môi trường và năng lực quản lý.

Theo nhận định của VASEP, chỉ có thể phát triển bền vững, đảm bảo uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra, basa Việt Nam trên cơ sở áp dụng thống nhất các công nghệ tiên tiến, xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đồng bộ, dưới một thương hiệu chung. Điều này đã được kết luận tại Hội nghị An Giang tháng 12/2004, kết tinh trong “Chương trình Hành động của Ngành Thuỷ sản về Chất lượng và Thương hiệu Cá Tra, cá Ba sa Việt Nam 2005-2010” được phê duyệt tại Quyết định số 219 của Bộ trưởng Thuỷ sản, với một hệ thống hoàn chỉnh các giải pháp tổng thể để phát triển bền vững sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Gần 60% các HTX thuỷ sản hoạt động yếu kém (24/05/2005)
Dự án Dung Quất: Chúng ta đã bị động! (24/05/2005)
Tàu 20 sức ngựa trở lên buộc phải đăng kiểm (23/05/2005)
Giá hạt điều xuất khẩu tăng mạnh (23/05/2005)
Các nhà máy đường đang có lãi (20/05/2005)
Ấn Độ kiện Hải quan Mỹ về khoản tiền đặt cọc (20/05/2005)
Lập Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa (20/05/2005)
Quy định tạm thời về SX nước mắm Phú Quốc (19/05/2005)
Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại (19/05/2005)
Sẽ tăng thuế NK ôtô đã qua sử dụng lên 200% (19/05/2005)
Phạt 50 triệu đồng nếu bán vật liệu nổ trái phép (18/05/2005)
Đánh bắt xa bờ: Khi dân tự quyết (15/05/2005)
Nhà đầu tư: "Chúng tôi chọn Hưng Yên" (14/05/2005)
Đột phá "chợ" cà phê thế giới (14/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang