Với sự hậu thuẫn của hai công ty nhập khẩu tại Mỹ là Gourmet Fusion Food Inc. và International Creative Food Inc., Hiệp hội Xuất khẩu Thuỷ sản Ấn Độ (SEAI) đã đâm đơn kiện lên Toà án Thương mại Quốc tế Mỹ về yêu cầu đóng khoản tiền đặt cọc (bond) quá cao của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP).
|
Hiệphội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết ,cũng sẽ kiện Hải quan Mỹ về khoản tiền đặt cọc quá lớn này. |
Chủ tịch của SEAI, ông AJ Tharakan, cho biết, các nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ hiện buộc phải ghi tên vào “hồ sơ nhà nhập khẩu” và phải đóng khoản tiền đặt cọc theo yêu cầu trị giá từ 500 nghìn- 5triệu USD/năm. Khoản tiền đặt cọc này được tính dựa trên mức thuế chống bán phá giá, nhân với tổng giá trị xuất khẩu tôm mà một công ty đã thực hiện trong vòng 1 năm trước đó sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, CBP còn yêu cầu khoản đặt cọc này phải đóng trong 3 năm liên tiếp - điều này có nghĩa là các nhà xuất khẩu buộc phải đóng khoản tiền đặt cọc hàng năm và sẽ không lấy lại được khoản tiền đó sau thời hạn 3 năm.
Như vậy, có trường hợp một công ty của Ấn Độ phải đối mặt với nguy cơ đóng khoản tiền đặt cọc lên tới 15 triệu USD, để được tiếp tục xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Ông Tharakan cho rằng, đây là một dạng rào cản phi thuế quan. Ông này lập luận, các công ty Ấn Độ đã đóng đủ tiền thuế và chỉ mang vào Mỹ những sản phẩm đã đóng thuế, vì thế Hải quan Mỹ không có quyền áp đặt thêm yêu cầu đóng tiền đặt cọc. Yêu cầu kiểu như vậy chỉ làm tăng gấp đôi ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá mà các công ty xuất khẩu tôm Ấn Độ đang phải gánh chịu.
Ông Tharakan nhấn mạnh, cách đối xử của Hải quan Mỹ đối với các công ty xuất khẩu Ấn Độ là hoàn toàn độc đoán. CBP không có bằng chứng để chứng minh rằng các công ty của Ấn Độ chưa trả tiền thuế, hay không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Bên cạnh việc đâm đơn kiện lên Toà án Thương mại Quốc tế Mỹ, SEAI còn dự định sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về khoản tiền đặt cọc quá lớn này.
|