(VietNamNet) - Kể từ tháng 6/2005, nếu cá nhân, tổ chức nào XNK vật liệu nổ công nghiệp khi chưa được phép của cơ quan nhà nước và ký kết hợp đồng, bán vật liệu nổ trái phép sẽ bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.
|
Nổ mìn khai thác than tại Quảng Ninh gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. |
Theo Nghị định 64, ban hành ngày 16/5, về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp, có hai hình thức xử phạt là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra còn có các hình thức xử phạt bổ sung, như tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép hoạt động và tịch thu tang vật, phương tiện đã vi phạm.
Không những thế, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ còn có thể bị buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi hoặc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất vật liệu nổ.
Nghị định 64 đưa ra các mức phạt, thấp nhất từ 50.000 đồng, cao nhất là 50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ, gồm vi phạm quy định về giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng; vi phạm về nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất; về bảo quản; vận chuyển; kinh doanh, cung ứng vật liệu nổ; quy định về điều kiện của người làm công việc có liên quan đến vật liệu nổ và quy định về công tác bảo vệ khu vực có hoạt động này.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp theo Nghị định này phải chấp hành quyết định xử phạt trong 10 ngày; nếu không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế. Khi người có thẩm quyền xử phạt có hành vi sách nhiễu hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm; không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định; chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, tang vật, phương tiện có liên quan đến vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
|