Trong khi những dự án đánh bắt xa bờ được Chính phủ đầu tư không mang lại hiệu quả, thì tại xã nghèo Tam Giang, bà con ngư dân tự góp vốn đóng mới tàu thu lợi hàng tỉ đồng mỗi năm...
Khi ngư dân tự quyết
|
Tàu công suất 250 CV của ngư dân Tam Giang đang cặp bờ để bảo dưỡng |
Tại xưởng đóng tàu của Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Nam, con tàu vừa đóng mới của ông Huỳnh Văn Đào ở thôn Đông Mỹ, Tam Giang, công suất hơn 250 CV đang chuẩn bị hoàn chỉnh để ra khơi vào mùa đánh bắt xa bờ đầu năm 2005.
Ông Đào chỉ vào con tàu kể: “Mấy năm trước tui mua lại con tàu công suất nhỏ đánh bắt được hai năm, nhờ trúng liên tiếp hai mùa mực khơi nên tui quyết định bán đi, gom góp vốn đóng mới chiếc tàu ni hơn 600 triệu đồng. Mùa đi biển năm ni chắc là anh em đi bạn (thủy thủ làm thuê) không phải bỏ đi tàu khác. Tàu công suất nhỏ không thể ra khơi xa được, chi phí lại lớn. Còn tàu to bám biển dài ngày, lại an toàn, thu hút được nhiều bạn giỏi. Ở đây mà sắm tàu nhỏ thì coi như cầm chắc thua lỗ, bởi không có người đi bạn...”.
Tam Giang có hai tàu đánh bắt của dự án đánh bắt xa bờ được Chính phủ đầu tư, mỗi tàu gần 1,2 tỉ đồng. So với các tàu của bà con ngư dân (đầu tư đóng mới có giá khoảng 600-700 triệu đồng) thấy rất buồn cười vì nó nhỏ chỉ bằng một nửa nhưng giá đầu tư lại gấp đôi tàu của bà con. Nghịch lý này những người có trách nhiệm không thể giải thích được với dân...
Tại sao dự án xa bờ của Chính phủ đầu tư thất bại? Bà con bảo tiền đóng một tàu của Chính phủ bà con đóng được hai tàu, công suất gấp đôi và tàu to gấp 2-3 lần tàu xa bờ Nhà nước đóng. Anh Phan Bá Nữa cho biết: “Các loại phí nó ăn hết, mua một máy tàu phải vào TP.HCM mua, phải có mặt năm thành viên gồm: ngân hàng, thủy sản, chủ dự án, kỹ sư chế tạo máy, thợ máy... Chừng đó con người tốn bộn tiền ăn ở. Đó là chưa nói cái khoản mánh mung, bồi dưỡng cho các vị... Mà đem nó về được đến nơi rồi còn phải nghiệm thu, giám định, trăm thứ, mà cái mô cũng từ tiền của dự án đem chi. Nếu ngồi tính toán kỹ đã hết gần 600-700 triệu đồng. Thực chất con tàu còn lại chưa quá 600 triệu. Đó là chưa nói đến trang thiết bị trên tàu toàn là loại cũ hoặc vứt bỏ mà bà con ngư dân không thèm xài. Tàu đóng xong, trang thiết bị thì lạc hậu, chỉ có chạy xà quần trong bờ chứ xa bờ cái chi. Tàu của bà con tự đóng không phải chịu khoản chi phí nào. Sắm cái mô ra cái nấy, tàu to, công suất lớn, máy định vị hiện đại... chẳng thua chi tàu đánh bắt của ngư dân nước ngoài. Mà tàu to, thiết bị hiện đại, ra khơi làm ăn gặp ngư dân nước ngoài họ cũng phải kiêng dè, nể phục. Năm 2004, tàu của bà con Tam Giang ra khơi không còn bị cảnh tàu của ngư dân nước ngoài ăn hiếp nữa”. |
Còn chủ tàu Huỳnh Ngọc Anh cho biết: “Năm 2003 tui đóng tàu mới hơn 450 triệu đồng, thời đó là con tàu to nhất xã, nhưng bây chừ nó đã thuộc loại nhỏ. Năm 2004 vừa qua, con tàu của tui đánh bắt được hơn 65 tấn mực khô, thu hơn 1,6 tỉ đồng. Trừ chi phí nhiên liệu, công cho 21 bạn (mỗi người 40-45 triệu đồng) còn lại tui thu được khoảng 300 triệu. Dự kiến trong năm 2005 tui sẽ đầu tư đóng mới tàu to hơn, công suất lớn hơn để bám biển dài ngày...”.
Không thua anh thua em, ông Nguyễn Diện gom góp nguồn vốn đóng con tàu hơn 300 CV cuối năm 2003 và đầu năm 2004 ra khơi bám biển dài ngày đã thắng lớn, thu về hơn 280 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Năm nay nếu được mùa, ông sẽ cùng anh em góp vốn đóng thêm một tàu công suất lớn hơn.
Một cán bộ tín dụng ngân hàng cuối năm về Tam Giang thu hồi tiền đầu tư đã hể hả kể: “Ở đâu cũng như Tam Giang thì anh em tụi tui khỏe re, không cần phải đi lại nhiều. Cứ đến hạn là tụi tui đánh xe xuống làng thu lãi, bà con tự giác đem trả, không phải đến tận nhà bám trụ, rồi năn nỉ, nhờ các cấp chính quyền can thiệp như thu hồi nợ dự án đánh bắt xa bờ của Chính phủ... Ở Tam Giang, ngân hàng đến năn nỉ bà con vay tiền nhưng rất ít người thích vay. Khi vay họ tính toán và làm cam kết rất rõ ràng, ai sai nấy chịu”.
Nghịch lý
Mùa đánh bắt mực khơi của bà con ngư dân ở Tam Giang vừa kết thúc với thắng lợi lớn từ đánh bắt xa bờ. Khó mà hình dung nổi cảnh tấp nập mua sắm cuối năm của các gia đình ở xã nghèo vùng biển này. Trên mặt ai cũng nở nụ cười rạng rỡ. Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Phan Bá Nữa tâm sự: “Liên tục hai năm ni bà con được mùa mực khơi, lại được giá, nên hầu hết những gia đình ngư dân nghèo đang đổi đời. Nhiều chủ tàu thắng lớn tiếp tục đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để ra khơi. Không riêng chi những chủ tàu thắng lớn, nhiều ngư dân nghèo của xã cũng đã góp vốn, thế chấp tài sản vay tiền ngân hàng để đóng tàu lớn ra khơi...”.
Tổng kết năm 2004 toàn xã có 93 tàu công suất lớn 250 CV - 300 CV, thì đã có 59 tàu được bà con đầu tư nguồn vốn tự có đóng mới từ năm 2003 đến nay. Nhờ tàu to, công suất lớn, chịu được sóng cấp 6, cấp 7, tổ chức đánh bắt ngoài khơi cách đất liền hơn 400 hải lý và bám biển hơn ba tháng mới vào đất liền nên chi phí đi biển được hạ thấp.
Anh Phạm Văn Nên, bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Tổng sản lượng đánh bắt của bà con ngư dân toàn xã năm 2004 lên đến 7.000 tấn. Trong đó sản lượng đánh bắt xa bờ, chủ yếu là mực, đã chiếm 6.200 tấn, tăng hơn năm 2003 đến 700 tấn, tổng giá trị sản lượng đạt 47 tỉ đồng, đứng nhất toàn huyện và toàn tỉnh về đánh bắt hải sản”.
Bình quân mỗi tàu xa bờ của xã đánh bắt được 64 tấn, thu nhập bình quân của lao động trên mỗi tàu đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Nhiều hộ ngư dân nghèo đã mua được xe, xây nhà, như gia đình anh Ngô Văn Anh, Phạm Văn Đại... (thu nhập 65-70 triệu đồng/năm). Nhiều lao động trẻ chưa lập gia đình cũng lo góp vốn đầu tư đóng mới tàu xa bờ. Ở xã có bốn chủ tàu xuất sắc nhất được xã khen thưởng vì sản lượng đánh bắt được tới 1,6 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Tiến, chủ tịch UBND huyện Núi Thành, khẳng định: tổng sản lượng đánh bắt của bà con ngư dân xã Tam Giang chiếm 1/2 tổng sản lượng của năm xã vùng biển của huyện, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 bà con trong và ngoài xã. Trong những ngày này, giá mực khơi khô tăng từ 27.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg, đã tạo một khí thế làm ăn mới ở Tam Giang.
Bí thư Nên tâm sự: “Nếu Nhà nước có đầu tư thì hãy trực tiếp đưa tiền đến tay ngư dân, để ngư dân tự quyết định đóng loại tàu nào, sắm loại phương tiện gì thì sẽ có hiệu quả. Chương trình đánh bắt xa bờ của Chính phủ là một chủ trương đúng đắn nhưng bị thất bại là do cách thực hiện. Nếu đầu tư theo kiểu cũ thì chắc chắn Nhà nước trắng tay.
Rút kinh nghiệm sau hai mùa đánh bắt vừa qua của Đảng ủy xã Tam Giang là: vận động bà con cùng nhau góp vốn, đóng tàu và quản lý chặt chẽ, đánh bắt hiệu quả, trả nợ ngân hàng đúng hạn. Ngặt một điều là lãi suất vẫn còn quá cao. Nếu được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư nguồn vốn ưu đãi thì bà con ngư dân nghèo đỡ lo hơn và mạnh dạn đầu tư hơn.
Tuy nhiên, nguồn vốn này mấy năm qua đầu tư nhỏ giọt, bà con vay về chỉ có... đi chợ, bởi vay 1-2 triệu đồng thì làm cái chi ở vùng biển khó nghèo này. Một vấn đề khác bà con ngư dân kêu trời đó là Nhà nước đánh thuế quá cao. Bà con đi biển đánh bắt chứ có buôn bán chi mô mà bắt họ nộp thuế môn bài?”.
Bài học từ Tam Giang, Núi Thành cũng đủ để các nhà lãnh đạo và quản lý suy nghĩ. Hãy mạnh dạn trực tiếp đưa tiền đến tay người dân, để họ tự quyết và tự chịu trách nhiệm trước đồng tiền mà mình đặt bút ký nhận. Không như dự án đánh bắt xa bờ của Chính phủ đã biến hàng trăm ngư dân thành con nợ của Nhà nước. Có người sắp phải ra tòa, ngồi tù.
(Theo Tuổi trẻ) |