Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ: Nguy cơ giảm mạnh
07:46' 02/05/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ Thuỷ sản cho biết, mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 4/2005 ước đạt 190 triệu USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ, nhưng xuất khẩu sang thị trường Mỹ có nguy cơ giảm mạnh trong thời gian tới. 

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Cà Mau. Ảnh HÀ YÊN.

Theo Bộ này, nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam có thể giảm mạnh tại Mỹ là do những thay đổi về hình thức kinh doanh, rủi ro cao, đặc biệt là tiền bảo lãnh thanh toán. Quy định mới của Hải quan Mỹ buộc DN nhập khẩu tôm từ các nước chịu thuế “chống bán phá giá” phải ký quỹ mua “bond”, một khoản tiền tương đương với giá trị nhập khẩu trong vòng 1 năm nhân với mức thuế chống bán phá giá. Khoản ký quỹ này đóng theo từng năm, dựa trên giá trị nhập khẩu của năm trước và chỉ được trả sau 3 năm khi có được kết quả “review” tức là xét tính lại giá thành, giá bán… của từng lô hàng để quyết định mức thuế mới.

Như vậy với giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ năm 2004 vào khoảng 590 triệu USD, các DN xuất khẩu tôm Việt Nam phải đóng khoản tiền “bond” lên tới 29,5 triệu USD.

Ngoài gánh nặng tiền kỹ quỹ, các DN xuất khẩu tôm còn chịu nhiều rủi ro khác nếu kết quả “review” bất lợi. Bởi sau khi có kết quả “review”, nếu mức thuế chống phá giá được điều chỉnh tăng, các DN sẽ mất khoản tiền “bond” đã đóng.

Hơn nữa, vụ kiện tôm xảy ra đã gây tâm lý hoang mang, không yên tâm sản xuất cho DN và người nuôi tôm. Giá thuỷ sản trong nước không ổn định, người nuôi lo ngại về giá cả và đầu ra, ảnh hưởng đến thị trường nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Bộ Thuỷ sản cho biết, việc thu mua nguyên liệu đang gặp nhiều khó khăn do chưa đến thời vụ, giá tăng.

Tại Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, giá tôm sú nguyên liệu để chế biến xuất khẩu tăng mạnh, từ 10.000-20.000 đồng/kg so với hồi tháng 2. Giá tôm sú nguyên con bán tại đầm loại 20-25 con/kg lên đến 160.000-170.000 đồng/kg, tôm cỡ 45-50 con/kg cũng lên 125.000-130.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là sản lượng tôm giảm do nhiều tỉnh ĐBSCL cấm nuôi tôm sú nghịch vụ (từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau) để tránh rủi ro tôm chết hàng loạt, dẫn đến khan hiếm hàng và giá tăng. Bên cạnh đó, giá mặt hàng thuỷ sản tươi sống tiêu thụ nội địa cũng tăng đáng kể, điều này gây bất lợi cho các nhà máy chế biến trong việc thu mua nguyên liệu.

Trước khó khăn của thị trường Mỹ, các DN Việt Nam đã và đang cố gắng tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, nên giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng vẫn tăng so với cùng kỳ, nâng tổng giá trị lên 684,4 triệu USD.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
EVN phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu (28/04/2005)
Thêm một nhà máy luyện phôi thép? (28/04/2005)
Ký hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí lô 15-2/01 (27/04/2005)
Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản (27/04/2005)
Tôm Thái Lan,Ấn Độ được xét lại mức thuế phá giá (26/04/2005)
Nhập thiết bị kiểm tra chất Green Malachite (23/04/2005)
Sẽ thiếu hơn 200.000 tấn phân bón nếu DN ngưng nhập khẩu (17/04/2005)
Mắm Phú Quốc được đóng chai tại TP.HCM thêm 3 năm (16/04/2005)
Xuất khẩu tôm vào Mỹ: Phải "đặt cọc" hàng chục triệu USD (15/04/2005)
WTO đe doạ sinh kế của nông dân các nước nghèo (13/04/2005)
Xuất khẩu cá tra, basa phải đúng tên sản phẩm (11/04/2005)
Khánh thành 5 nhà máy tại trung tâm điện lực Phú Mỹ (10/04/2005)
TQ bỏ hỗ trợ xuất khẩu thép, VN khó nhập phôi (08/04/2005)
Tốc độ tăng trưởng sản phẩm công nghiệp thấp (08/04/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang