Xuất khẩu tôm vào Mỹ: Phải "đặt cọc" hàng chục triệu USD
16:29' 15/04/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Quy định mới của Hải quan Hoa Kỳ về việc đóng tiền đặt cọc đối với hàng nhập khẩu bị đánh thuế chống bán phá khi xuất sang thị trường này đang làm các DN xuất khẩu tôm Việt Nam đứng ngồi không yên. Điều này buộc các DN phải lo một khoản tiền lớn để ký quỹ, thậm chí, nó còn đẩy mức thuế chống bán phá giá mà các DN đang bị áp lên cao.

DN xuất khẩu tôm lại thêm nỗi lo mới.

Khoản ký quỹ khổng lồ

Trước đây, hầu hết các nhà nhập khẩu có thể tiếp tục kinh doanh (sau khi có kết quả của vụ kiện) với khoản đặt cọc là 50.000 USD và họ sẽ thanh toán khoản thuế còn nợ theo từng container hàng. Ví dụ, với cá basa nhập khẩu từ Việt Nam, khoản tiền thuế có thể khoảng 20.000-25.000 USD/container.

Nhưng theo quy định mới, khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với giá trị thuế chống bán phá giá tính trên tổng lượng hàng mà một công ty nhập khẩu (từ nước bị áp thuế) trong vòng 12 tháng.

Công ty

Biên phá giá (%)
Seaprodex Minh Hải (Bạc Liêu) 4,13
Minh Phú (Cà Mau) 4,21
Camimex (Cà Mau) 4,99
Mức trung bình cho 29 DN “bị đơn tự nguyện” được “thuế suất” riêng biệt bằng trung bình của 3 DN trên

4,38

5 DN “bị đơn tự nguyện” còn lại (Hải Thuận, Ngọc Sinh, Trúc An, Phương Nam và Nha Trang Fisheries Co.) và toàn bộ các DN khác

25,76

Kim Anh (Sóc Trăng)

25,76

Điều này có nghĩa là, các DN muốn nhập khẩu tôm từ các nước chịu thuế "chống bán phá giá" phải đóng trước một khoản tiền ký quỹ rất lớn, bằng giá trị nhập khẩu trong vòng 1 năm nhân với mức thuế phải đóng.

Ước tính, nếu muốn nhập khẩu vào Mỹ sản lượng tôm Việt Nam bằng giá trị năm 2004 (gần 400 triệu USD), thì với mức thuế trung bình khoảng 5%, các DN Hoa Kỳ nhập hàng của chúng ta cần mua trái phiếu (bond) ký quỹ trị giá 20 triệu USD cho Hải quan. Các năm 2006, 2007 cũng phải mua lượng bond tương tự. Số tiền này được thanh toán lại sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có kết quả xem xét hành chính (administration review) vào tháng 8/2007.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, vì mức thuế chính thức đến thời điểm đó mới được xác định, nên rủi ro là rất lớn, nếu DOC tính mức thuế tăng cao hơn mức tạm tính hiện nay.

Sau khi nhận được thư thông báo của Hải quan Mỹ, các công ty sẽ có thời hạn 30 ngày để trả lời; nếu không, toàn bộ hoạt động nhập khẩu của họ vào Mỹ (bất kể là sản phẩm hay nước xuất xứ) sẽ bị ngưng lại, kể cả trong khi vẫn đang thương lượng về tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, cũng theo quy định này, mặc dù khoản tiền đặt cọc dựa trên toàn bộ giá trị lô hàng nhập khẩu trong 12 tháng, nhưng các quan chức hải quan Mỹ có thể châm chước, xê dịch đối với các công ty ngừng nhập khẩu tôm từ các nước bị áp thuế chống bán phá giá tôm. Nhưng các công ty này cũng phải chứng minh rằng mình không còn nhập khẩu tôm từ các nước bị áp thuế trong thời hạn ít nhất vài tháng.

Tác động đầu tiên

Một quan chức của VASEP cho biết, trước quy định mới này, hầu như tất cả các DN nhập khẩu Mỹ muốn trút mọi rủi ro cho các nhà xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Họ yêu cầu các DN xuất khẩu chấp nhận phương thức giao hàng và thanh toán ở Mỹ (DDP - Dumping Duty Paid), thay vì giao hàng và thanh toán cho nhà nhập khẩu Mỹ tại Việt Nam như trước đây . Theo đó, DN Việt Nam phải đóng tiền bond, phải tự nhập hàng vào Mỹ, giao hàng tại Mỹ sau khi đã thông quan và lãnh chịu mọi rủi ro nếu sau khi review mức thuế tăng lên.

Nếu các DN chấp nhận bán theo DDP vào Mỹ sẽ phải có số tiền ký quỹ rất lớn để đóng cho Hải quan Mỹ. Ví như, riêng Công ty Minh Phú được thông báo phải đóng bond với mức 5,4 triệu USD cho năm 2005, chưa kể các năm tiếp theo.

Việc một số DN lớn chấp nhận bán theo phương thức DDP cho Mỹ sẽ gây tác động bất lợi cho các DN vừa và nhỏ, đồng thời, tạo rủi ro cao hơn khi review. Bởi phương thức này sẽ tạo cho bên nguyên đơn (Liên minh Tôm miền Nam - SSA) tin chắc sẽ được chia tiền thuế vì Mỹ đã nắm được tiền cọc của Việt Nam, họ sẽ chủ động yêu cầu DOC xem xét lại thuế của tất cả các DN Việt Nam.

Nếu DOC cố tình chọn các DN yếu làm bị đơn bắt buộc khi revew thì mức thuế tôm Việt Nam dễ tăng hơn. Khi đó, ngay cả các DN lớn cũng bị ảnh hưởng, các DN nào bị hưởng mức thuế trung bình (không được chọn là bị đơn bắt buộc) sẽ chịu mức thuế cao hơn hiện nay, thiệt hại là vô cùng lớn.

Giám đốc một DN xuất khẩu thuỷ sản tại Nha Trang, khi trả lời PV VietNamNet, đã bày tỏ sự lo lắng của mình về quy định mới trên. Theo ông, việc lo cho khoản tiền đặt cọc đã là một gánh nặng, mà nguy hiểm hơn, số tiền đặt cọc ấy có thể sẽ "một đi không trở lại" nếu DN bị áp mức thuế cao khi review.

Bên cạnh đó, quy định mới này của Hải quan Mỹ cũng tác động ngay lập tức đến việc ký kết hợp đồng xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Hoa Kỳ. Tổng thư ký VASEP, TS Nguyễn Hữu Dũng, cho biết, trong đợt Hội chợ Boston 2005 có hơn 100 doanh nhân Việt Nam tham dự, đông đảo nhất từ trước đến nay, nhưng hầu như không có DN nào ký được hợp đồng CNF với khách hàng Mỹ. Chỉ có vài công ty lớn, có chi nhánh hoạt động, công ty con tại Mỹ, hiện đã chào bán DDP với khách hàng Mỹ, chấp nhận rủi ro.

Tìm cách tháo gỡ

Quy định mới của Hải quan Mỹ đang vấp phải sự phản kháng lớn tại nước này, không chỉ từ các nước bị kiện mà của cả các nhà nhập khẩu và phân phối thuỷ sản. Tại cuộc họp của Hiệp hội các nhà phân phối thuỷ sản Mỹ (ASDA) ngày 14/3 vừa qua ở Boston, các luật sư của Công ty Akin Gump và Willikie Farr & Gallagher đều cho rằng, quy định này của Hải quan là không đúng với pháp luật Hoa Kỳ. ASDA đang vận động các DN kiện quyết định này của Hải quan lên Tòa án Thương mại quốc tế (CIT) hoặc Toà án Liên bang Hoa Kỳ. 

Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đã gửi đơn khiếu kiện về mức thuế của DOC lên CIT và xem xét kiện ra WTO.

Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, VASEP cũng như các DN sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại quy định mới này của Mỹ. Đồng thời, Hiệp hội cũng sẽ tìm biện pháp tháo gỡ thông qua việc chia sẻ rủi ro với khách hàng, không chấp nhận bán theo phương thức DDP, bởi điều này sẽ bóp chết các DN thuỷ sản vừa và nhỏ. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc và VASEP, các DN thuỷ sản sẽ có cuộc họp bàn cách tháo gỡ khó khăn này vào sáng mai (16/4), tại TP.HCM.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
WTO đe doạ sinh kế của nông dân các nước nghèo (13/04/2005)
Xuất khẩu cá tra, basa phải đúng tên sản phẩm (11/04/2005)
Khánh thành 5 nhà máy tại trung tâm điện lực Phú Mỹ (10/04/2005)
TQ bỏ hỗ trợ xuất khẩu thép, VN khó nhập phôi (08/04/2005)
Tốc độ tăng trưởng sản phẩm công nghiệp thấp (08/04/2005)
Phân bón tăng giá nhưng không "sốt" (07/04/2005)
SEAFDEC giúp VN phát triển nghề cá bền vững (06/04/2005)
Cần Quỹ đầu tư mạo hiểm đểđổi mới công nghệ dệt may (03/03/2005)
Giá thép sẽ lại tăng? (17/02/2005)
Khẳng định tàu thuỷ "made in Viet Nam" (11/02/2005)
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng cao (07/02/2005)
Xuất khẩu điều tăng nhưng tiêu thụ nội địa vẫn ... ngỏ (31/01/2005)
TP.HCM làm gì để trở thành “cường quốc" cá sấu? (26/01/2005)
Có thể thiếu 300.000 tấn phân urê cho vụ xuân (24/01/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang