(VietNamNet) - Phát triển thuỷ sản bền vững trong khu vực ASEAN, đề ra chiến lược phục hồi thuỷ sản ven bờ do động đất và sóng thần... là các vấn đề được đặc biệt quan tâm tại HN Hội đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) lần thứ 37, diễn ra từ 5 đến 8/4, tại Hà Nội.
|
Hàng trăm nghìn người dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào nghề cá. |
Đây là cuộc họp hội đồng lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam, kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức này năm 1995.
Theo Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Việt Nam Tạ Quang Ngọc, trong cuộc họp, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và SEAFDEC, nhằm đảm bảo tất cả các nước thành viên được hưởng nhiều lợi ích hơn từ các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác nghề cá ASEAN- SEAFDEC. Đồng thời, SEAFDEC sẽ hỗ trợ cho chương trình cứu trợ nghề cá đối với những nước ASEAN bị ảnh hưởng của đợt động đất và sóng thần ngày 26/12/2004 vừa qua; xúc tiến việc thực hiện Luật hướng dẫn nghề cá có trách nhiệm; lập kế hoạch cho chương trình 5 năm đặc biệt, đảm bảo rằng những ưu tiên và nhu cầu của tất cả các nước thành viên ASEAN-SEAFDEC đều được phản ánh trong giai đoạn sau của chương trình (2006-2010), nhằm mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.
SEAFDEC là tổ chức liên Chính phủ, được thành lập năm 1967 với mục tiêu phát triển nghề cá bền vững thông qua việc sử dụng hợp lý các nguồn lợi thuỷ sản. SEAFDEC hiện có 11 thành viên, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Với các ban khác nhau, như Ban Thư ký, Ban Đào tạo, Ban Nghiên cứu biển, Ban Nuôi trồng... cùng Hội đồng Giám đốc (cơ quan quản lý tối cao), SEAFDEC sẽ đưa ra các quyết định quan trọng của về phát triển nghề cá khu vực tại cuộc họp này.
Đối với Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác, thuỷ sản có vai trò to lớn trong việc cung cấp thực phẩm và sinh tồn, đảm bảo công việc và thu nhập cho nền kinh tế quốc dân. Việc phát triển nghề cá bền vững chính là vì mục tiêu lâu dài, đồng thời bảo tồn nguồn lợi biển phong phú trong khu vực.
|