15 năm nữa, liệu VN có công nghiệp ôtô?
07:03' 26/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Nếu quyết tâm, thì sau 10-15 năm nữa Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp ôtô và đây sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Soạn: AM 194167 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông Đỗ Hữu Hào - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp.

Ông Đỗ Hữu Hào Thứ trưởng Bộ Công nghiệp đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn VietNamNet.

- Sau hơn 10 năm được nhà nước bảo hộ cao, ông có thể đánh giá gì về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện nay?

- Từ năm 1990 trở về trước, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu ôtô từ các nước XHCN, thời gian này không có DN nào đầu tư dây chuyền sản xuất, lắp ráp ôtô. Các DN cơ khí lớn của Việt Nam chủ yếu làm công việc sửa chữa, đại tu xe.

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chỉ bắt đầu vào năm 1991 với sự xuất hiện của 2 liên doanh ôtô đầu tiên là Mekong và VMC. Hiện nay, chúng ta có 11 liên doanh ôtô và trên 160 DN sản xuất lắp ráp sửa chữa, chế tạo phụ tùng trong nước. Trong đó có  gần 20 cơ sở sản xuất lắp ráp ôtô, gần 20 cơ sở sản xuất thân xe, rơ moóc và hơn 60 cơ sở tham gia chế tạo phụ tùng.

Bước đầu Việt Nam đã có một ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô, thu hút được một nguồn vốn đầu tư lớn từ các đối tác nước ngoài (trên 500 triệu USD). Các DN đang trong quá trình nâng cao dần năng lực, công nghệ, tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới... Bước đầu tiếp cận các công nghệ kỹ thuật hiện đại từ nước ngoài, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Nhưng ngành công nghiệp ôtô chủ yếu vẫn là lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá còn thấp, thiếu nhà cung cấp linh kiện nội địa, chuyển giao công nghệ cũng vậy, mới chỉ dừng ở lắp ráp. Giá xe  quá cao, thị trường hạn hẹp làm cho lượng xe tiêu thụ quá ít và các DN liên doanh không tích cực nội địa hoá.

- Rất nhiều quốc gia phát triển mà không có ngành công nghiệp ôtô, theo ông Việt Nam có nhất thiết cần phải có ngành công nghiệp ôtô không?

- Việt Nam rất cần có ngành công nghiệp ôtô. Trong các bản Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đều nói rõ: phấn đấu đến 2010 ngành công nghiệp ôtô sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Hiện nay, số lượng xe ôtô của Việt Nam còn rất  thấp. Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đến năm 2003 cả nước mới có 661.057 xe ôtô các loại được đăng ký. Số lượng xe này chưa tương xứng với một đất nước 80 triệu dân và kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu về ôtô theo dự tính đến 2010 sẽ là 1,3 triệu xe (bình quân lượng xe tiêu thụ mỗi năm trên 100.000 xe).

Với mức tăng như vậy, nếu không có ngành công nghiệp ôtô để cung cấp, mà nhập khẩu toàn bộ thì theo tính toán hàng năm chúng ta phải bỏ ra một lượng ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD. Như vậy sẽ góp phần làm tăng thâm hụt cán cân thương mại và thiếu ngoại tệ. Hơn nữa công nghiệp ôtô với những công nghệ cơ bản như luyện kim, chế tạo máy, vật liệu, điện tử... đều  có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực sản xuất khác. Vì vậy phát triển công  nghiệp ôtô sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển theo. Cho nên bất cứ một quốc gia nào cũng thèm muốn có được một ngành công nghiệp ôtô mạnh, làm nền tảng cho sản xuất, không riêng gì Việt Nam.

- Nhưng có  ý kiến cho rằng  cơ hội để Việt Nam có được ngành công nghiệp ôtô đã qua rồi, chúng ta đã gia nhập AFTA, sắp tới là WTO... Khi đã hội nhập, thì phải mở của thị trường ôtô. Chúng ta không còn nhiều thời gian để bảo hộ nữa, trong khi ngành công nghiệp này lại cần được bảo hộ cao với thời gian dài hàng chục năm. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?

- Việt Nam đã gia nhập AFTA, theo lộ trình thì sẽ phải mở cửa thị trường ôtô, nhưng ôtô loại dưới 12 chỗ hiện vẫn nằm trong danh mục loại trừ hoàn toàn. Các nước trong khu vực AFTA cũng đang đòi chúng ta phải nghiên cứu đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục loại trừ. Tất nhiên còn phụ thuộc vào đàm phán của chúng ta. Về nguyên tắc thì bảo hộ được càng lâu càng tốt vì ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mới chỉ phát triển hơn 10 năm nay. Các nước khác cần tới 30-40 năm với sự bảo hộ rất cao mới hình thành được, vì nó là 1 ngành công nghiệp nặng đòi hỏi công nghệ, chất xám cao...

- Để có được ngành công nghiệp ôtô, trước kia, châu Âu phải mất 100 năm, Nhật Bản 50 năm, còn Hàn Quốc là 30 năm. Việt Nam phấn đấu đến 2010 ngành công nghiệp ôtô sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, thời gian không còn nhiều, liệu điều này có thực tế không?

- Để có được ngành công nghiệp ôtô, phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện. Chỉ bằng ý muốn chủ quan thôi, thì không thể được. Nhưng tôi khẳng định nếu chúng ta quyết tâm thì vẫn có thể làm được. Ví dụ như ngành công nghiệp xe máy, các nước trong khu vực phải mất từ 20-25 năm mới có được, còn Việt Nam chỉ mất từ 3-5 năm. Hiện nay, ta đã có thể tự làm được xe máy với linh kiện, phụ tùng trong nước sản xuất, tỷ lệ nội địa hoá đạt tới 80%. Tương tự như vậy là ngành công nghiệp ôtô, nếu có chính sách phù hợp, giải pháp hỗ trợ hữu ích của Chính phủ, sự nỗ lực của các DN thì trong 10-15 năm nữa, chúng ta cũng sẽ có được ngành công nghiệp ôtô.

- Để được thừa nhận là có ngành công nghiệp ôtô, thì chúng ta phải sản xuất, chế tạo được những gì?

- Để có 1 ngành  công nghiệp ôtô thì tối thiểu phải sản xuất được động cơ. Phải tập trung làm động cơ, vì động cơ là linh hồn của ôtô. Hiện nay, chúng ta đang đi theo hướng khuyến khích các DN sản xuất lắp ráp động cơ trong nước. Sản xuất được động cơ có thể giúp tăng tỷ lệ nội địa hoá của xe lên  60%, đây là hướng đi thiết thực để chúng ta có được ngành công nghiệp này.

- Hiện nay chúng ta đã sản xuất được linh kiện chi tiết nào của động cơ ôtô chưa?

- Các dự án sản xuất động cơ ôtô động cơ đang trong quá trình chuẩn bị. Một dự án lớn về sản xuất động cơ ôtô loại từ 200 mã lực đến 400 mã lực của Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)  đã được phê duyệt. Dự án này phải xây dựng mất 2-3 năm, sau đó đi vào sản xuất động cơ đạt tiêu chuẩn euro. Tất cả các động cơ này khi sản xuất ra sẽ có chính sách để khuyến khích các DN lắp ráp sử dụng cho xe ôtô sản xuất trong nước.

- Xin cảm ơn ông.

  • Trần Thuỷ
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Đến 2020: TP. HCM sẽ xuất khẩu ôtô ?
Công nghiệp ôtô hay công nghệ lắp ráp giản đơn?
Cơ hội phát triển ngành công nghiệp ôtô VN có còn?
Công nghiệp ôtô Việt Nam: Nuông quá hóa hư?
Có cần đổ 18.000 tỷ đồng vào ngành ôtô?
CÁC TIN KHÁC:
Cấm công chức trực tiếp nhận công văn dệt may từ DN (26/11/2004)
Cuối năm, xuất khẩu tôm vẫn khó khăn (25/11/2004)
Thương mại VN và bang Baden-Wurttemberg tăng 5 lần (25/11/2004)
Hội nghị quốc tế chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị (23/11/2004)
Công nghiệp mũi nhọn: ngành nào? (23/11/2004)
Lafarge muốn là nhà cung ứng vật liệu XD hàng đầu VN (22/11/2004)
Có khả năng EU bỏ hạn ngạch dệt may với Việt Nam (22/11/2004)
Công nghiệp ôtô hay công nghệ lắp ráp giản đơn? (22/11/2004)
Bộ Thương mại gửi thông tin dệt may cho DN qua email (20/11/2004)
Giao hạn ngạch 2005 cho DN 12 tỉnh xa (17/11/2004)
Khu công nghệ cao: Được vay 500 tỷ cho tái định cư (16/11/2004)
TQ bán phá giá đồ gỗ vào Mỹ,cơ hội mới cho VN? (15/11/2004)
20 doanh nghiệp bị thu hồi hạn ngạch dệt may đi Mỹ (12/11/2004)
Dệt may ASEAN hợp lực đón ''bão'' hậu hạn ngạch (12/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang