Công nghiệp ôtô hay công nghệ lắp ráp giản đơn?
05:54' 22/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện nay vẫn đang trong tình trạng sản xuất hết sức giản đơn và chưa vượt qua giai đoạn lắp ráp.

Soạn: AM 194161 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Lắp ráp ôtô tại liên doanh ôtô VMC.

Đây là nhận xét chung của các cơ quan chức năng mỗi khi đề cập đến sự phát triển của ngành công nghiệp quan trọng này.

Công nghệ giản đơn, thiếu sự hợp tác

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được bắt đầu vào năm 1991 với sự xuất hiện của 2 công ty liên doanh là MeKong và VMC.  Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay đã có 11 liên doanh  và trên 160 DN sản xuất lắp ráp, sửa chữa ôtô trong nước ra đời.

Nền tảng của  các DN ôtô trong nước là những DN cơ khí lớn trước kia làm công việc sửa chữa đại tu xe, nay được bổ sung, nâng cao năng lực sản xuất. Các DN này hầu hết được tổ chức theo hướng chuyên môn hoá một số chủng loại xe (xe tải, xe khách, xe chuyên dùng) với dây chuyền sản xuất đơn giản là gò, hàn, sơn, lắp ráp... thiếu sự hợp tác lẫn nhau. Trang thiết bị phần lớn lạc hậu. Trừ Công ty Cơ khí ôtô 1/5 mới đầu tư 433 tỷ đồng sản xuất xe buýt và xe 24 chỗ, thì các DN còn lại chủ yếu là lắp ráp ôtô từ sát xi nhập khẩu có xuất xứ SNG hoặc Trung Quốc. Tổng giá trị tài sản mỗi DN không vượt quá 20 tỷ đồng. Một số DN ôtô trong nước hiện mới bắt đầu lắp đặt thiết bị công nghệ dập vỏ ôtô khách, chuẩn bị chế tạo khung bằng công nghệ dập tấm nhờ đầu tư các cụm dự án công nghiệp ôtô giai đoạn 2003-2005.

Với 11 liên doanh ôtô, trừ Công ty Hino sản xuất xe tải nặng, còn lại đều có thể tổ chức sản xuất bất kỳ sản phẩm nào. Các DN này đại diện cho những nhà sản xuất lớn với bí quyết công nghệ khác nhau nên hầu như ít phối hợp, mà cạnh tranh lộn xộn. Hầu hết các liên doanh chỉ mới thực hiện phương thức lắp ráp  dạng CKD2 với dây chuyền công nghệ gần giống nhau, hoặc ở dạng IKD với dây chuyền công nghệ gần giống nhau như hàn lắp khung xe, tẩy rửa sơn (trong đó chỉ có 1 số DN có dây chuyền sơn tĩnh điện như Toyota, Ford, Mitsubshi... còn lại các DN khác phải thuê hoặc không sử dụng công nghệ sơn tĩnh điện), lắp ráp kèm thiết bị kiểm tra. Riêng Công ty Toyota năm 2003 đầu tư dây chuyền dập chi tiết thân xe. Tỷ lệ nội địa hoá của các liên doanh  cao nhất không quá 13%, thấp nhất là 2%. Việc đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ cũng mới chỉ đáp ứng cho công đoạn lắp ráp ôtô.

Thiếu nhà sản xuất linh kiện nội địa

Thông thường  một chiếc xe ôtô có từ 20.000 đến 30.000 chi tiết và cần tới hàng nghìn nhà cung cấp linh kiện, nhưng hiện tại ở Việt Nam, số lượng các DN sản xuất linh kiện còn quá ít. Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp, sau hơn 10 năm phát triển, đến nay  ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mới  có trên 60 DN sản xuất linh kiện.

Trong khi đó, hiện nay chúng ta có  tới 11 liên doanh và gần 20 DN trong nước lắp ráp sản xuất ôtô. Như vậy số lượng các DN lắp ráp ôtô bằng gần một nửa so với số lượng các nhà sản xuất linh kiện. Tính toán của các nhà quản lý cho biết, để tránh khỏi lắp ráp giản đơn, thì một DN ôtô phải cần tối thiểu 20 nhà cung cấp với nhiều loại linh kiện khác nhau. Nhưng cho đến nay chưa DN sản xuất lắp ráp ôtô nào có được 20 nhà cung cấp linh kiện trong nước. Ngay cả những  liên doanh ôtô  tên tuổi như Toyota, Ford... có hệ thống các nhà cung cấp linh kiện  lớn cũng không lôi kéo được họ đầu tư vào Việt Nam nhiều. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều DN lắp ráp ôtô chỉ có 2-3 nhà cung cấp linh kiện trong nước. Tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước chưa được bao nhiêu, chủ yếu là các chi tiết có giá trị thấp như: săm, lốp, ắc qui, ghế ngồi, dây điện... Còn lại tất cả đều nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, để có  ngành công nghiệp ôtô phải hình thành được  5 cấp bậc sản xuất với hàng nghìn các DN tham gia vào quá trình này. Trong đó nhiều nhất là các DN cung cấp nguyên vật liệu, tiếp đến là các DN nhỏ, các DN lớn vừa và DN rất lớn cung cấp linh kiện, cuối cùng là  nhà lắp ráp.

Nhưng những nền tảng đó ở Việt Nam đều thiếu và đang trong quá trình  xây dựng. Hiện nay, các vật liệu như thép tấm thép hình, thép đặc biệt... để làm phụ tùng nội địa hoá,  phải nhập khẩu do trong nước chưa chế tạo được. Các vật liệu khác cũng  tương tự, đều không có nhà cung cấp. Bên cạnh đó là  trang thiết bị, bí quyết công nghệ để sản xuất các linh kiện,  Việt Nam cũng rất thiếu. Các nhà sản xuất linh kiện ôtô nước ngoài thời gian qua không đầu tư vào Việt Nam nhiều. Việc đầu tư của các DN trong nước không đáng kể và đặc biệt là chưa có sự chuyển giao công nghệ sản xuất phụ tùng ôtô từ nước ngoài vào Việt Nam... Khi chưa có hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện hùng hậu thì công nghiệp ôtô khó tránh khỏi cảnh lắp ráp giản đơn.

Chính sách chưa cụ thể, rõ ràng

Nguyên nhân là do ngành công nghiệp ôtô mới hình thành hơn 10 năm nay, vẫn còn non trẻ. Từ năm 1990 về trước Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu xe ôtô của các nước khối XHCN hoặc nhập sát xi về đóng thành xe khách. thời gian này không có đầu tư vào sản xuất lắp ráp ôtô với các dây chuyền đồng bộ. Nhiệm vụ chính của các nhà máy lúc đó chỉ là sửa chữa và đại tu xe. Ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu chưa phát triển...

Đặc biệt là quy mô thị trường ôtô còn rất nhỏ bé. Mức sống của người dân quá thấp nên chưa tạo ra sức mua lớn. Hạ tầng cơ sở yếu kém, quy hoạch đô thị không phù hợp, nên chưa khuyến khích tiêu dùng ôtô. Tiêu thụ ôtô cả nước năm 2003 chỉ khoảng hơn 60.000 xe,  nên việc đầu tư sản xuất phụ tùng linh kiện không mang lại hiệu quả. Theo tính toán, quy mô thị trường ôtô phải ở mức hàng trăm nghìn xe/năm, mới đảm bảo đầu tư có hiệu quả.

Nhưng theo một quan chức Bộ Tài chính, nếu chúng ta có các chính sách hỗ trợ thích hợp thì vẫn có thể khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô, nhất là đầu tư nước ngoài. Các nhà  sản xuất linh kiện nước ngoài đã có tên tuổi, công nghệ, thị trường, nếu  thấy đầu tư vào Việt Nam mà hấp dẫn, tức là  sản phẩm sản xuất ra (phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu), có tính cạnh tranh cao hơn so với các nước khác, thì họ sẽ  đầu tư ngay.

Các chính sách này của VN thời gian qua chưa thật cụ thể, rõ ràng. Ở Thái Lan, với những chính sách hỗ trợ thích hợp, Thái Lan đã có hơn 1.500 DN đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ôtô, với tỷ lệ nội địa hoá đạt tới 70%-80%. Trong khi đó chúng ta lại thực hiện bảo hộ quá cao với các liên doanh ôtô, nhưng không đi kèm những điều kiện ràng buộc cụ thể, đã tạo điều kiện cho họ có được cơ hội lớn trong việc tăng giá bán, thu lãi cao và không muốn đẩy mạnh nội địa hoá.

  • Trần Thuỷ
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Đến 2020: TP. HCM sẽ xuất khẩu ôtô ?
Công nghiệp ôtô Việt Nam: Nuông quá hóa hư?
Có cần đổ 18.000 tỷ đồng vào ngành ôtô?
CÁC TIN KHÁC:
Bộ Thương mại gửi thông tin dệt may cho DN qua email (20/11/2004)
Giao hạn ngạch 2005 cho DN 12 tỉnh xa (17/11/2004)
Khu công nghệ cao: Được vay 500 tỷ cho tái định cư (16/11/2004)
TQ bán phá giá đồ gỗ vào Mỹ,cơ hội mới cho VN? (15/11/2004)
20 doanh nghiệp bị thu hồi hạn ngạch dệt may đi Mỹ (12/11/2004)
Dệt may ASEAN hợp lực đón ''bão'' hậu hạn ngạch (12/11/2004)
Da giày Việt Nam tìm đường cạnh tranh (10/11/2004)
Hoạt động PR cần một hành lang pháp lý (07/11/2004)
Khu công nghiệp sẽ có cả nhà trẻ, mẫu giáo (04/11/2004)
IKEA đặt hàng lớn đồ mỹ nghệ vào chung khảo Gold V (04/11/2004)
Từ 2006, TP.HCM chỉ phát triển KCN chuyên ngành (04/11/2004)
Vinaconex "thầu" 78 triệu EUR thiết bị cho Xi măng Cẩm Phả (30/10/2004)
Sẽ có Tổ Liên Bộ giám sát phân bổ quota dệt may (27/10/2004)
Với 38 USD, DN có thể "trưng" sản phẩm tại Pháp,Đức (27/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang