Trong vòng 5 năm tới, những ngành nào sẽ là các ngành công nghiệp mũi nhọn của VN? Các chuyên gia kinh tế VN và Nhật Bản đã thảo luận rộng rãi về đề tài này trong khuôn khổ hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành CN VN” diễn ra hôm 22-11 tại Hà Nội.
Cách tiếp cận của VN đã lạc hậu
|
Ngành dệt may vẫn được nhiều chuyên gia chọn là ngành mũi nhọn. |
Giáo sư (GS) Kenichi Ohno của Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPs) nhận xét cách “làm qui hoạch và xác định chiến lược kinh tế” của VN rất lạc hậu. Theo GS, phương pháp luận mà VN đang áp dụng hiện giờ vẫn chỉ là phương pháp “định lượng” mà không một nước tiên tiến nào còn áp dụng nữa.
“VN vẫn tính toán chiến lược dựa trên các con số về sản lượng (xuất bao nhiêu tấn gạo, sản xuất bao nhiêu xe máy...), số lượng dự án đầu tư, tỉ lệ nội địa hóa, tỉ lệ cung ứng nội địa... VN chưa biết xác định các mục tiêu dựa trên thế cạnh tranh toàn cục. Câu hỏi đặt ra không phải là sản xuất bao nhiêu nữa mà là các đối thủ lớn như Trung Quốc, Thái Lan sản xuất như thế nào và vị thế của VN liệu có cạnh tranh được hay không?”, GS Kenichi nói.
Chia sẻ ý kiến này, TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh rằng việc lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn phải rất thận trọng. “Chúng ta cần nhìn nhận là VN không thể cạnh tranh với Trung Quốc trên tất cả các sản phẩm. Phải xác định được sản phẩm nào cần hợp tác, sản phẩm nào cần cạnh tranh”, ông nói. Ông Doanh đặc biệt lưu ý khi phát triển ngành nào cũng cần tính toán tới nhu cầu của thị trường ở tầm dài hạn, không chỉ nhìn vào thu nhập trước mắt.
Một tín hiệu mạnh mẽ hơn gửi tới các nhà đầu tư, đó cũng là ý kiến của GS Kenichi. “Tôi nhớ cách đây 10 năm VN đã tranh cãi về vấn đề này.
10 năm sau chúng ta vẫn chỉ tiếp tục tranh cãi. Đã đến lúc cần đưa ra những quyết định, những chính sách và cách thức điều hành hiệu quả”, GS Kenichi kết luận. |
Dệt may, da giày hay xe máy, ô tô?
GS Kenichi đưa ra gợi ý về sáu ngành công nghiệp, theo ông, sẽ đóng vai trò hàng đầu của nền kinh tế VN là: điện tử I (gia công linh kiện phục vụ xuất khẩu), điện tử II (sản xuất các sản phẩm phục vụ trong nước), phần mềm (gia công, thầu phụ), dệt may và da giày, chế biến thực phẩm và xe máy. Theo GS, những ngành này sẽ là các ngành lợi thế của VN bởi đóng góp nhiều cho xuất khẩu và tạo công ăn việc làm.
Nhưng theo trình bày của viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công nghiệp) Phan Đăng Tuất, trong số các ngành công nghiệp mũi nhọn mà VN muốn ưu tiên phát triển có cả ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp thép và công nghiệp hóa chất.
Ông Tuất cho rằng những ngành này tận dụng được nguồn tài nguyên tự nhiên của VN, là những ngành công nghiệp nền tảng và giải quyết được thực trạng là VN đang phải nhập khẩu quá nhiều sản phẩm của các ngành này. GS Kenichi lại không đồng tình với quan điểm này, cho rằng những ngành trên cần nhiều vốn và VN không có các công ty năng động trong lĩnh vực này, vì vậy sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Ngành ôtô - xe máy cũng là đề tài nhiều tranh cãi. Một số nhà hoạch định chính sách của VN cho rằng VN cần phát triển ngành này. “Thái Lan, Trung Quốc đang rất thành công với ngành công nghiệp ôtô, xe máy. Mỗi năm Thái Lan xuất khẩu khoảng 200.000 ôtô, thu về 8 tỉ USD. VN có thể phát triển theo hướng này, thúc đẩy giá trị xuất khẩu”, một chuyên gia Bộ Kế hoạch & đầu tư nói. GS Kenichi cho biết chính các chuyên gia Nhật Bản cũng còn có nhiều ý kiến rất khác nhau về ngành ôtô của VN.
Theo TS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo), VN chưa thể có ngành công nghiệp ôtô của riêng mình mà chỉ có thể tham gia mạng lưới sản xuất ở toàn châu Á. “Theo ý kiến của tôi, VN vẫn chỉ nên phát huy các ngành công nghiệp dựa vào lợi thế lao động (dệt may, da giày) và tận dụng tài nguyên nông nghiệp (chế biến thực phẩm). Một điều tra mới đây của Nikkei cho biết VN là một trong ba nước hàng đầu được các nhà đầu tư Nhật Bản chọn làm địa điểm sản xuất”, ông Thọ nói.
Vế còn lại của bài toán: chính sách và điều hành
Tuy nhiên, việc lựa chọn ngành nào là ngành mũi nhọn, theo các chuyên gia, mới chỉ là một vế của bài toán. Điều quan trọng hơn, đó là đề ra các chính sách và thực hiện nó như thế nào.
“Xu thế hiện nay là Nhà nước nên lùi dần vào hỗ trợ hoặc định hướng một cách gián tiếp cho các ngành công nghiệp chứ không can thiệp trực tiếp nữa. Malaysia đã phải trả giá đắt khi nhà nước quyết định thúc đẩy ngành ôtô bằng cách lập ra một doanh nghiệp quốc doanh sản xuất ôtô mà doanh nghiệp này hiện đang lao đao”, TS Trần Văn Thọ trình bày.
Theo TS Thọ, việc đặt chiến lược phát triển công nghiệp trong mối quan hệ mật thiết với các tập đoàn đa quốc gia là hết sức cần thiết. GS Kenichi cũng cho rằng “VN không thể tự mình cạnh tranh với Hàn Quốc hay Trung Quốc mà chỉ có thể cạnh tranh nếu có liên kết với các tập đoàn khu vực và quốc tế”.
Theo các chuyên gia, chìa khóa để có thể phát triển các ngành công nghiệp mà tránh phải trả giá đắt chính là ở việc xây dựng thực thi các chính sách đảm bảo sự ổn định, không gây tác động xấu đến đầu tư, từ chính sách về thuế đến hệ thống cơ sở hạ tầng, kế hoạch phát triển lực lượng lao động. “Chính phủ không thể làm việc một mình. Chính phủ phải làm việc với các doanh nghiệp. Các bộ ngành cần nói chuyện với doanh nghiệp, thậm chí cả các nhà đầu tư chưa từng đến VN, để có được thông tin” - GS Kenichi nói.
(Theo Tuổi Trẻ) |