(VietNamNet) - Trước áp lực của thời điểm 1/1/2005, ngành dệt may ASEAN đang có những nỗ lực thiết thực để tăng cường liên kết nội khối. Quy tắc xuất xứ chung, hỗ trợ, liên doanh trong quản lý, đầu tư... là những điều được Liên đoàn Dệt may các nước ASEAN (AFTEX) bàn thảo trong cuộc họp sáng 11/11 tại Hà Nội.
|
Hàng may mặc sản xuất tại các nước ASEAN sẽ có một xuất xứ chung? |
Hướng về xuất xứ chung cho dệt may ASEAN
Vấn đề được quan tâm lớn trong hội nghị toàn thể lần này chính là quy tắc xuất xứ chung ASEAN. Theo đó, tất cả các sản phẩm sản xuất tại 10 nước trong khu vực khi xuất đi các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... sẽ mang xuất xứ chung và được hưởng quyền lợi như nhau.
Với quy tắc xuất xứ chung này, hàng hoá may tại bất kỳ một nước nhưng lấy nguyên liệu từ nước khác trong ASEAN, khi xuất đi các thị trường đều được hưởng ưu đãi thuế. Đây là điểm rất có lợi cho những nước phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nước ngoài như Việt Nam.
Chủ tịch Liên đoàn Dệt may Đông Nam Á Michael T.Que cho biết: ''Sau hội nghị toàn thể này, chúng tôi đã thống nhất gửi một bản kiến nghị chung lên các Chính phủ ASEAN và Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới tại Viên Chăn, nhằm giúp thuận lợi hoá cho thương mại dệt may bằng cách phối hợp chính sách giữa các quốc gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị thành lập một nhóm đặc trách dệt may cho khu vực Đông Nam Á. Hợp tác trong ngành dệt may Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hội nhập gay gắt như hiện nay''.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu nhận định: ''Hơn lúc nào hết, dệt may Đông Nam Á cần hợp lực để đối diện với chủ nghĩa bảo hộ mới, những hàng rào phi thuế quan như: tiêu chí nước thải, vệ sinh môi trường, tiêu chuẩn xã hội... Đặc biệt trong bối cảnh những nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... đang liên tiếp tiến hành đàm phán song phương với các đối tác lớn Mỹ, EU...''.
Ngoài ra, một cơ chế đầu tư trong nội khối nhằm chia sẻ lợi thế và sử dụng hợp lý nguồn nguyên phụ liệu cũng được đề cập trong cuộc họp này. Việt Nam mong muốn mời gọi các nhà sản xuất vải Thái Lan, Indonesia đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vải đồng thời cũng đang bàn đến việc liên kết xây dựng một số nhà máy may tại biên giới Campuchia (nước đã gia nhập WTO).
VN ở đâu trên bản đồ dệt may thế giới sau 2004?
Trao đổi với báo chí sáng nay, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Lê Quốc Ân đã có những nhận xét khá lạc quan về vị trí của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới sau 2004.
Hiện, những nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới có thể chia làm 3 khu vực, lớn nhất khu vực châu Á với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... Khu vực thứ hai cũng rất mạnh là các nước Caribe (các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ), họ được lợi thế là những ưu đãi từ phía Mỹ. Khu vực thứ 3 là các nước Tây Âu và Đông Âu với các sản phẩm chất lượng cao.
Theo các chuyên gia, đầu 2005, khi hạn ngạch dệt may bị xoá bỏ hoàn toàn, bản đồ phân phối và lưu thông hàng dệt may sẽ được vẽ lại, trong đó khu vực Trung và Nam Mỹ mặc dù có lợi thế gần Mỹ hơn nhưng cũng sẽ bị yếu thế vì giá nhân công và các điều kiện sản xuất kém hơn. Tây Âu và Đông Âu sẽ vẫn tiếp tục phát triển nhưng sẽ hạn chế phần nào vì thị trường EU sẽ mở cho hàng may mặc từ các nước, hàng châu Á sẽ vào sâu và lấn sân hàng Tây, Đông Âu. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ vươn lên mạnh mẽ. Dự kiến, 10 năm tới họ có thể chiếm tới 50% thị phần xuất khẩu dệt may thế giới (hiện là 18%).
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Ân, ngoài Trung Quốc, còn một số nước có lợi thế như Ấn Độ và Việt Nam. Nhiều nhà nhập khẩu thế giới nhận định sản phẩm may của Việt Nam không thua kém một nước nào, mà chất lượng thì nổi trội hơn Trung Quốc, đặc biệt với mặt hàng dệt kim (cat.338/339), Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ mạnh nhất, năng lực cạnh tranh của mặt hàng này có thể nói là đứng đầu thế giới. ''Ngành dệt may Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi phát triển, bất lợi do chế độ quota bị dỡ bỏ đầu năm 2005 sẽ chỉ là nhất thời'' - ông Ân khẳng định.
Khó khăn lớn nhất của ngành dệt may vẫn là sự phụ thuộc phần lớn vào nguyên phụ liệu xuất khẩu. Hiệp hội Dệt may đang xúc tiến thành lập 2 trung tâm nguyên phụ liệu để giải quyết vấn đề này. UBND Hà Nội đã đồng ý cấp đất cho trung tâm nguyên phụ liệu tại khu Ninh Hiệp hoặc chợ Hải Bối ở đầu cầu Thăng Long. TP.HCM cũng đang chỉ đạo UBND quận Tân Bình và quận 9 tìm địa điểm cho trung tâm nguyên phụ liệu. Các DN đang chờ đợi 2 trung tâm nguyên phụ liệu này đi vào hoạt động đầu năm 2005.
|