(VietNamNet) - Một nghịch lý là Việt Nam đứng hàng thứ tư thế giới về xuất khẩu da giày, nhưng không có tên trên bản đồ xuất khẩu. Đó là nhận xét của ông Khamsay Luangpraseuth, Trưởng ban dự án hội chợ da giày châu Âu Fashion First.
Chưa có thương hiệu, thiếu sức cạnh tranh
|
T&T đã có thương hiệu ở TP.HCM, nhưng với thị trường thế giới? Ảnh: Đặng Vỹ. |
Ông Khamsay cho biết, hội chợ Fashion First có 50 nước tham dự, nhưng không có Việt Nam, mặc dù Việt Nam được đánh giá là nước xuất khẩu lớn. Ông Khamsay lý giải, do da giày Việt Nam chủ yếu là hàng gia công lại cho các hãng khác của nước ngoài, nên phải lấy tên hiệu của các hãng.
Nhận định của ông Khamsay được hầu hết các nhà sản xuất kinh doanh da giày Việt Nam công nhận là xác đáng. Ông Vũ Văn Minh, Tổng giám đốc Vina giày cho rằng, tiềm năng của ngành da giày Việt Nam không kém các nước mạnh về ngành công nghiệp này, nhưng bài toán quan trọng về phân công, cơ cấu sản xuất và lao động lại chưa giải quyết được. Ông Minh dẫn chứng: Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu giày da Việt Nam vào thị trường thế giới trên 2 tỷ USD, nhưng lượng giày của các chủ doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10 đến 15%. Da giày Việt Nam trên thế giới chưa có tên, thương hiệu, là một khó khăn trong cạnh tranh. Tổng giám đốc Vina giày đặt vấn đề: “Hiện tại nhân công Việt Nam còn rẻ nên còn gia công. Giả định nếu giá nhân công tăng, thì bức tranh tương lai ngành da giày Việt Nam sẽ ra sao?”.
Mới đây, Hiệp hội da giày Việt Nam vừa đưa các DN tham gia hội chợ Duseldorf tại Đức, với 11 gian hàng. Tuy nhiên theo nhận định, sự tiến bộ ấy xem chừng không thấm vào đâu so với sự có mặt ồ ạt của các DN Trung Quốc. Trong đợt này, Trung Quốc tham gia trên 200 gian hàng. Ông Diệp Thành Kiệt, Giám đốc công ty Nam Việt (WEC), cho biết, mẫu giày Việt Nam hầu như na ná nhau, giá lại cao hơn của Trung Quốc 20-30%. Nhiều DN Việt Nam phải hạ đơn giá hàng để tìm hợp đồng.
“Trong khi đó, thị trường trong nước cũng chưa cạnh tranh được, khi Trung Quốc lại xuất sang đây 2 triệu đôi” - Tổng giám đốc Vina giày cho biết. Lo lắng về vấn đề này, Giám đốc Công ty An Lạc cho rằng, nếu thất bại ngay trên sân nhà, thì da giày Việt Nam khó có thể cùng bắt tay nhau cạnh tranh trên sân khách. Vì vậy, Hiệp hội Da giày Việt Nam, các DN sản xuất kinh doanh cần phải ngồi lại tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này. Theo giám đốc WEC, năm 2005 là năm ngành giày da Trung Quốc được tháo gỡ rất nhiều trói buộc khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU), đặc biệt là chế độ hạn ngạch. Trong khi đó, mặt hàng giày dép từ Việt Nam xuất khẩu có khả năng sẽ bị xem xét lại để cắt giảm chế độ ưu đãi về thuế. Điều này sẽ đặt ngành giày Việt Nam trước một thử thách lớn, thậm chí sống còn.
Chất lượng, mẫu mã sản phẩm và maketting là giải pháp ?
Theo nhận định của ông Vũ Văn Minh và các DN, Đông Âu là vùng đất còn tiềm năng để da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường. Việt Nam được các nước đánh giá là có lợi thế về phát triển ngành da giày, tuy nhiên con đường cạnh tranh vẫn là khâu khó nhất.
“Phải làm hàng chất lượng cao mới cạnh tranh được” - Ông Nguyễn Thanh Lâm, giám đốc Công ty Việt - Châu Âu, đơn vị phân phối hàng vào thị trường các nước, đề xuất. Ý kiến này được ông Enrico Moriani, chuyên gia làm công tác tư vấn cho hàng hóa các công ty chế tác thuộc Trung tâm nghiên cứu ngành giày dép Italia, đồng tình: “Việt Nam sẽ không đủ năng lực cạnh tranh về giá với các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy, cần phải chú ý đến cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm”.
Một trong những yếu tố của chất lượng, theo các DN da giày, đó là mẫu mã. Ông Moriani và ông Khamsay nhấn mạnh nhiều lần, rằng giày Việt Nam cần chú trọng đặc biệt đến thiết kế mẫu mã hơn nữa. Ông Moriani cho biết, trong dự định sắp tới, ngành da giày VN sẽ xây dựng một Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật tại TP.HCM. Trong đó, Chính phủ Italia tài trợ 1 triệu USD cung cấp thiết bị, làm phòng thí nghiệm, huấn luyện kỹ thuật… Hy vọng với sự đầu tư này, cùng với kỹ thuật công nghệ của Italia, một nước hàng đầu thế giới về giày da, Việt Nam sẽ có lực để cạnh tranh với thị trường thế giới.
“Vận động cho thế giới biết”, đó là ý kiến của Giám đốc công ty Việt - Châu Âu. Hiện tại vấn đề tiếp thị của da giày Việt Nam còn quá ít ỏi, gần như thế giới chưa biết đến. Theo ông Vũ Văn Minh, có nhiều con đường để tiếp thị, đó là thường xuyên đi nước ngoài tìm đối tác, tham gia các hội chợ quốc tế, mở hội chợ trong nước, thành lập các Văn phòng đại diện, Trung tâm thương mại của da giày Việt Nam ở nước ngoài. Ông Minh cho rằng, việc lập các cơ quan đại diện, văn phòng giao dịch, trung tâm thương mại tại nước ngoài là rất cần thiết để giao dịch, tìm kiếm đối tác. Từ đây, sẽ lập các kênh phân phối ở nước ngoài. Lâu nay, các DN vẫn đi nước ngoài, nhưng khi sang bên đó không có chỗ giao dịch, nên việc tìm kiếm đối tác cũng không hiệu quả. Trung Quốc đã xây dựng cơ sở, nên có lợi thế rất lớn.
Các DN đều cho rằng, hội chợ là công tác tiếp thị rất cần thiết, nhưng mãi đến giờ phút này, da giày Việt Nam vẫn chưa có một hội chợ. Đó là điều các DN da giày rất tha thiết. Ông Trần Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến công nghiệp ngành da giày (VSP), bày tỏ, 3 năm nay ngành da giày vẫn muốn có một hội chợ, nhưng cũng chưa thực hiện được. Ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, lấy đơn hàng qua hội chợ không phải là mục đích chính, nhưng qua hội chợ, Việt Nam có cơ hội giới thiệu với đối tác, quảng bá hình ảnh ngành nghề ra thế giới, và có cơ hội học tập. Hiện tại, các DN quyết tâm năm 2005 sẽ có một hội chợ về da giày Việt Nam, trong đó sẽ không có sự hiện diện của các hãng giày dép nước ngoài.
Đã từ mấy năm nay, Hội da giày TP.HCM và Công ty Vina giày bỏ nhiều tâm sức vào việc tìm giải pháp sản xuất nguyên liệu trong nước. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh của giày da Việt Nam. Hiện tại, nguyên liệu nhập cũng là một trong những điểm khiến cho hoạt động cạnh tranh của ngành da giày Việt Nam yếu thế, làm giá thành tăng lên. Con đường cạnh tranh của da giày Việt Nam, dù yếu tố giá đã được xác định không phải là giải pháp chính, nhưng cũng không thể thiếu. Ngoài lợi thế về nhân công, thì nguyên liệu tự sản xuất là hướng phải tính đến.
|