Khu công nghiệp sẽ có cả nhà trẻ, mẫu giáo
17:50' 04/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cần coi việc đầu tư nhà ở cũng như những sinh hoạt thiết yếu cho công nhân là mục tiêu kinh tế - xã hội trong các KCN, KCX.

Trong nhiều nội dung thảo luận, vấn đề nhà ở cho công nhân được đa số các tham luận, phát biểu đề cập nhiều nhất tại hội thảo khoa học “Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Cộng sản, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức tại thành phố Biên Hòa, trong hai ngày 3 và 4/11.

3m2 nhà ở cho 1 người

Soạn: AM 187890 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Đằng sau những KCN này, không có chỗ ở cho công nhân. Ảnh: Đặng Vỹ.

Hiện tại cả nưc có 106 KCN. Chỉ riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã chiếm gần 50% số KCN và gần 2/3 diện tích đất KCN cả nước, có khoảng 600.000 công nhân lao động. Trong đó Đồng Nai gần 19 vạn, TP.HCM hơn 13 vạn, Bình Dương trên 10 vạn, Cần Thơ 1,3 vạn…

Theo đề dẫn của GS TS Lê Hữu Nghĩa, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, hiện nay có đến 90% số lượng công nhân phải thuê nhà ở bên ngoài. Với mức lương bình quân từ 650.000-700.000 đồng/người/tháng, công nhân thuê nhà hết từ 6% đến 10% lương.

Tại các khảo sát của các tham luận, tình hình nhà thuê của công nhân còn nhiều vấn đề bức xúc. Nhà thuê chủ yếu là nhà tạm bợ chật chội, với diện tích chỉ từ 3 đến 4m2/người. “Có nơi, chỉ có 2,5m2/người” - Tiến sĩ Nguyễn Minh Sang - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói.

Hiện trạng nhà thuê của công nhân là một trong những mối quan tâm của các nhà quản lý tại hội thảo. Theo GS Nghĩa và nhiều tham luận khác, các khu nhà công nhân thuê bên ngoài, ngoài vấn đề chật chội, không đủ không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho công nhân sau giờ làm việc, ảnh hưởng rất lớn đến sự hồi phục, chất lượng lao động, và thiếu tất cả các phưong tiện sinh hoạt khác, như nước sinh hoạt, không khí sạch, các điều kiện vệ sinh. Đời sống văn hóa tinh thần của người lao động ít được quan tâm.

Việc tổ chức cuộc sống cho công nhân ở các khu nhà trọ như các dịch vụ về đời sống tinh thần văn hóa hầu hết các chủ nhà trọ đều không làm được, do chi phí lớn nhưng không có li và không có sự khuyến khích. Trong khi đó, sự phát triển tràn lan của các sản phẩm văn hóa trong đó có văn hóa phẩm độc hại khiến công nhân dễ bị tác động dẫn đến những sai lệch về cách sống. Nhng vấn đề trên gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực tại các KCN, GS Nghĩa nhận định.

Theo đại tá Đỗ Văn Rụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, do tính chất phức tạp của nhà trọ nên có nhiều vấn đề nảy sinh, dẫn đến tình trạng thiếu trật tự, trộm cắp, tệ nạn xã hội, và vi phạm pháp luật dễ xảy ra. Đại tá cho biết, trong năm 2003, ngành Công an đã giải quyết hàng trăm vụ về an ninh trật tự. Địa phương có số vụ việc cao nhất là TP.HCM với gần 400 vụ.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý KCN và KCX cho biết, tình trạng bức xúc về nhà ở đến độ gay gắt thuộc về tỉnh Đồng Nai, kế đến là Bình Dương và tiếp theo là TP.HCM. Đã có DN muốn đầu tư vào các KCN ở Đồng Nai, nhưng e ngại tình hình nhà ở, sự ổn định cuộc sống của công nhân, nên đã rút lui.

Xây khu công nghiệp như công trình kiến trúc

Thời gian qua, một số địa phương đã đầu tư xây dựng các khu nhà ở với quy mô vừa phải như các KCN Linh Trung 2, KCN Biên Hòa, Sóng Thần, Quế Võ… TP Biên Hòa có  có 4.583 hộ cơ sở cho thuê 200.000m2. KCN Đồng An tỉnh Bình Dương  được coi là một trong các KCN luôn quan tâm đến đời sống của người lao động, trong đó kêu gọi các DN xây nhà ở cho CN. Với các chung cư trong các KCN này, có thể giải quyết chỗ ở cho 17.000 cán bộ, công nhân. Ngân hàng địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được vay tiền với lãi suất 2,5%/năm. Tới đây KCN Đồng An dành 7 tỷ đồng xây một trung tâm thương mại ngay tại KCN nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người lao động. Tại các KCN Tân Bình, KCN Vĩnh Lộc thuộc TP.HCM hiện tại đã có nhà cho công nhân thuê. TP.HCM là địa phương có chủ trương giải quyết nhà ở cho công nhân sớm nhất và đã bắt đầu thực hiện. Theo Chỉ thị số 07 của TP.HCM, từ nay đến 2010, thành phố sẽ xây dựng 80.000 chỗ ở và 1.000 căn hộ bán trả góp cho người thu nhập thấp, trong đó số lớn là công nhân.

“Tuy nhiên những dự án như trên vẫn là con số quá ít ỏi so với tốc độ phát triển các KCN” - nhiều ý kiến của các tham luận và phát biểu cho rằng, đời sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, và có thể sẽ còn khó khăn hơn nữa khi tới đây cả nước có 149 KCN, KCX.

Soạn: AM 187888 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một KCN ở Đồng Nai. Ảnh: Đ.V.

TS Hoàng Văn Tuệ, Vụ trưởng, trưởng ban Thông tin - Tư liệu Tạp chí Cộng sản, cho rằng, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, ngoài vấn đề vật chất, cần chăm lo cả đời sống văn hóa tinh thần. Ông đề nghị, quy hoạch các KCN, KCX phải gắn với văn hóa. Phải có chuẩn bị chu đáo, chi tiết tổng thể các mặt kinh tế, xã hội, nhân lực lao động. Từ đó có kế hoạch dành một tỷ lệ thích đáng cho diện tích khu cây xanh, hồ chứa nước, nhà văn hóa, sân thể thao, phải có nhà giữ trẻ, mẫu giáo, nhà chăm sóc sức khỏe… “Đặc biệt phải chú ý đến chỗ vui chơi giải trí của người lao động. Đây là một nhu cầu không thể thiếu đối với môi trường lao động công nghiệp. Phải có cách nhìn tổng thể, hài hòa, sao cho xây dựng một KCN, KCX cũng giống như việc kiến tạo một công trình kiến trúc” - Giáo sư nói.

Thạc sĩ Trần Thu Hiền - Ban TTVH Trung ương cũng cho rằng, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cần phải được đầu tư đồng bộ với các hạng mục, công trình kinh tế. Khi xây dựng các KCN, cần có nội dung, chủ trương và chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư một cách phù hợp vào vào lĩnh vực phát triển văn hóa. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích xây dựng các khu đô thị mới, các dịch vụ phụ trợ phục vụ sinh hoạt vật chất và tinh thần xung quanh KCN theo một quy hoạch kiến trúc tổng thể.

Ông Võ Thanh Lập, Phó Trưởng ban BQL các KCN Đồng Nai cho rằng, việc đầu tư vào lĩnh vực này là đầu tư vào sự phát triển bền vững các KCN, tuy nhiên phải có một kế hoạch lâu dài huy động toàn xã hội tham gia. Riêng Đồng Nai kế hoạch năm 2004 sẽ thu hút 1 tỷ USD đầu tư. Tỉnh ủy Đồng Nai có một nghị quyết về dịch vụ phục vụ trong các KCN. Trong thời gian đến, tỉnh này sẽ có chính sách khuyến khích các đơn vị tham gia dịch vụ ăn uống trong KCN. Cơ sở nào phục vụ tốt, sẽ được tỉnh giới thiệu với các nhà đầu tư.

Cần ưu đãi chính sách thuế  

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Sang - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần coi việc giải quyết nhà ở cho CN là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác, phải quyết tâm thực hiện. Ông Sang đề nghị phải đưa thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, 5 năm, 10 năm, có cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp, có khuyến khích và tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.

Trách nhiệm của BQL KCN, của chủ DN là vấn đề được đa số ý kiến đặt ra và nhấn mạnh tại hội thảo. Các ý kiến đề nghị, các KCN, chủ DN khi tuyển công nhân phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề nhà ở, bằng cách dành quỹ đất để xây nhà cho CN, hoặc bắt buộc DN phải có hợp đồng ký với chủ các nhà trọ cho công nhân ở lâu dài 5 năm, 10 năm…

Tuy nhiên, dù BQL các KCN, các chủ DN có nỗ lực, thì vai trò quyết định cho sự thành công của công tác này, vẫn là vai trò rất lớn của Nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Sang đề nghị Nhà nước thực hiện chính sách thuế ưu đãi (thuế suất 0%) cho việc kinh doanh nhà trọ trong vòng 3-4 năm đầu và giảm 50% cho suốt thời gian kinh doanh nhà trọ để khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Ông Sang cho rằng, theo Luật ngân sách mới thì nguồn thu thuế từ cho thuê nhà trọ thuộc nguồn ngân sách địa phương được hưởng 100%, là điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành phố tự quyết định chính sách miễn giảm thuế kinh doanh. Ngoài ra, ông Phó Vụ trưởng còn đề nghị Nhà nước hỗ trợ về hạ tầng, điện nước, và các hạ tầng khác.

GS TS Võ Thanh Thu đề nghị thêm : Nên cho DN thuê đất với giá rẻ hoặc miễn cả tiền thuê đất xây nhà cho CN. Cũng cùng với đề nghị miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất, bà Nguyễn Dạ Thảo Ly còn đề xuất Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, và các DN tự bỏ vốn xây nhà cho CN, được miễn giảm thuế VAT, thuế TNDN, được hỗ trợ vay ưu đãi. Tiến sĩ Hoàng Hải, Tạp chí Cộng sản đề nghị: “Giảm bớt thủ tục rườm rà cho các nhà đầu tư xây dựng và nhà ở cho công nhân trong việc xin phê duyệt dự án, là khâu rất quan trọng để khuyến khích xã hội đầu tư cho chương trình”. Ông Hải còn đề nghị cả việc xem xét cân đối giá thuê nhà trong KCN để với giá thuê nhà bên ngoài nhằm thu hút nhiều công nhân vào ở khu chung cư, đồng thời chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, các khu vui chơi giải trí dành cho công nhân lao động.

  • Đặng Vỹ

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
IKEA đặt hàng lớn đồ mỹ nghệ vào chung khảo Gold V (04/11/2004)
Từ 2006, TP.HCM chỉ phát triển KCN chuyên ngành (04/11/2004)
Vinaconex "thầu" 78 triệu EUR thiết bị cho Xi măng Cẩm Phả (30/10/2004)
Sẽ có Tổ Liên Bộ giám sát phân bổ quota dệt may (27/10/2004)
Với 38 USD, DN có thể "trưng" sản phẩm tại Pháp,Đức (27/10/2004)
Tòa nhà Doanh nhân đầu tiên đã được khởi công (25/10/2004)
VietNamNet cùng DN bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá! (23/10/2004)
Kinh Đô đầu tư vào KCN VN - Singapore (21/10/2004)
Kêu gọi đầu tư du lịch đặc thù vào Quảng Ninh (19/10/2004)
Kính xây dựng: 40% là hàng lậu (15/10/2004)
Tìm "chiêu lạ" để ''chiến thắng'' trên thương trường (13/10/2004)
15 quốc gia giới thiệu thiết bị ngành gỗ tại TP.HCM (12/10/2004)
Dệt may VN có thể cạnh tranh với Trung Quốc sau 2005? (11/10/2004)
Co.opMart đầu tư 1,5 triệu USD cho phần mềm quản lý (09/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang