(VietNamNet) - Công chúng đang sống trong một thế giới đầy ắp các sự kiện có bàn tay của PR. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ''chất xám'' này chưa được chú trọng phát triển đúng mức.
|
Thông qua chương trình thi lái xe, Yamaha Việt Nam đã góp phần tạo nên hình ảnh và lòng tin trong công chúng. |
PR - bạn đường của thương hiệu
PR (Public Relations) được hiểu là quan hệ công chúng, quan hệ cộng đồng hoặc quan hệ đối ngoại. PR bắt đầu được thực hành ở Mỹ từ đầu thế kỷ XX.
Đối với thế giới, PR đã không còn là khái niệm mới và các công ty nước ngoài từ lâu đã coi PR như một công cụ hữu hiệu để củng cố vị thế sản phẩm trong lòng công chúng. Việt Nam cũng đã qua cái thời DN coi PR như một thứ công cụ quá xa xỉ. Có những công ty Việt Nam đã dám dành cho PR tới 1/3-1/4 tổng chi phí quảng cáo. Nói về tác dụng của PR, ông Lê Đình Trọng, Giám đốc Công ty PowerPR cho biết: ''PR mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. So họp báo với các quảng cáo khác như làm biển bảng, rõ ràng là chi phí thấp hơn rất nhiều, trong khi đó, thông tin đến đối tượng rộng hơn. Một cuộc họp báo chỉ cần mấy chục triệu, có hàng chục đầu báo đăng, phát hành hàng vạn tờ, số bạn đọc và chuyền tai nhau thì không thể tính được''. Chi phí dành cho PR không cần thường xuyên và nhiều khi không cần quá lớn như quảng cáo. Trong chi phí tổng thể dành cho quảng cáo, thì PR chỉ cần chiếm khoảng 10% là đã có thể mang lại hiệu quả cao.
Các lĩnh vực hoạt động của PR:
- Tư vấn chiến lược với lãnh đạo công ty.
- Quan hệ báo chí: tổ chức họp báo, soạn thảo thông cáo báo chí, thu xếp các buổi phỏng vấn...
- Tổ chức các sự kiện: khai trương, động thổ, khánh thành, kỷ niệm...
- Đối phó với các rủi ro: khiếu nại, tranh chấp... hoặc những lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm của DN.
- Các hoạt động tài trợ cộng đồng.
- Các hoạt động phi thương mại trực tiếp với khách hàng.
- Quan hệ PR đối nội.
- Tư vấn cho các yếu nhân trong giao tế, phát ngôn... |
Ngoài ra, thông qua các chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, hướng tới đông đảo công chúng, cái được nhất mà các công ty có chính là một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng. Ví dụ như chương trình ''OMO áo trắng ngời sáng tương lai'' do OMO phát động trong 3 năm vừa qua đã trao tặng hơn 250 ngàn chiếc áo trắng đồng phục cùng 500 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc. PowerPR với chương trình ''Bé Huggies năng động'' đã tạo ra một sân chơi cuối tuần bổ ích thu hút 8.000-10.000 trẻ em/chương trình.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, có khoảng 20 công ty PR được ''nhiều người biết'' và ''sẵn sàng giới thiệu cho người khác'' là Max Communications, Galaxy, Venus, XPR, Mai Thanh... Ngoài ra, nhiều công ty quảng cáo nhưng có bộ phận PR khá mạnh là một phần của dịch vụ trọn gói như: JW.Thompson VN, Saatchi... ông Lê Đình Trọng cho biết: ''Nếu làm PR một cách hiệu quả thì thị trường Việt Nam hiện nay quả là một mảnh đất màu mỡ. Hiện chúng tôi đang làm PR độc quyền cho một số công ty lớn như: Viettel, Sơn ATA... và hợp đồng làm những chương trình lớn cũng tới liên tiếp. Năm nay chúng tôi đã và đang làm các chương trình ''Bé Huggies năng động'', ''Sao vàng Đất Việt'', ''Tìm kiếm kỷ lục Guinness Việt Nam''.
Nói về mức độ lợi nhuận của PR, ông Trần Nguyệt Đán, Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, quảng cáo, PR là những ngành có lãi rất lớn, trong khi đầu tư lại cực nhỏ mà chủ yếu khai thác chất xám của con người. ''Một ý tưởng quảng cáo, PR có thể cho đến 1 triệu USD trong khi nếu sản xuất, kinh doanh được 1 triệu USD thì phải tốn bao nhiêu nguyên nhiên liệu, qua bao nhiêu quy trình. Nếu thuỷ sản làm được 1 tỷ USD thì phải đầu tư 70% số đó: nào là thuyền bè đánh bắt, nhà máy chế biến, vận chuyển... trong khi quảng cáo, PR thì đơn giản hơn nhiều, theo tôi chỉ dưới 10%''.
Cần một hành lang pháp lý
Kiến nghị lớn nhất của những DN làm PR chân chính hiện nay là có một hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động này. Hiện, tốc độ sản sinh ra các công ty làm dịch vụ PR ở Việt Nam (chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM) đang ở mức báo động, nhiều công ty đăng ký kinh doanh dịch vụ khác nhưng cũng nhảy sang làm PR. Nhiều chuyên gia PR lo lắng với việc những công ty rất nhỏ ra đời làm ăn chụp giật, kém hiệu quả sẽ làm cho sự đánh giá về chất lượng PR bị giảm xuống.
|
Một chương trình ca nhạc của Aquafina. |
Ông Lê Quốc Vinh, Giám đốc Công ty Truyền thông Lê Bros lên tiếng: ''Khi ra Pháp lệnh Quảng cáo, chúng tôi đã đề xuất đưa hoạt động PR vào nhưng dường như các nhà lập pháp không kịp cập nhật những thông tin như thế, mặc dù PR là hoạt động không còn quá mới trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, hoạt động quảng cáo và PR không có một sự nhìn nhận phân biệt rõ ràng. Khi tôi làm PR không có nghĩa là tôi làm quảng cáo cho DN. Bản chất của PR là giúp công chúng hiểu rõ hơn về DN và sản phẩm''.
Theo ông Vinh, cũng chính vì chưa có sự nhìn nhận rõ ràng nên khi hoạt động PR phát sinh những chi phí không cần thiết. Trong khi đó, nhiều khi người ta lại dễ dàng bỏ qua những rào cản trong PR, thông tin lên báo chí dễ dãi. Nhiều công ty PR đã lợi dụng mặt trái này để truyền tải những thông tin không có lợi hoặc bất lợi cho đối thủ. ''Pháp luật cần phải có những quy định cụ thể cho hoạt động này'' - ông Vinh đề xuất. Tiêu chí của PR là sự thật, tuy nhiên, nhiều công ty PR đã ''đánh bóng sự thật'' đến mức không còn là sự thật nữa. Đã có không ít trường hợp hai công ty PR đứng về phía hai nhãn hiệu đối lập nhau, tung những thông tin xấu về đối thủ, đánh lạc hướng người tiêu dùng.
Theo ông Trần Nguyệt Đán, kiến nghị lớn nhất của Hiệp hội Quảng cáo hiện nay là phải có những quy chế thật cụ thể cho hoạt động PR. ''Và đã là quy định thì phải tạo điều kiện cho DN hoạt động thuận lợi, cũng phải tính cả đến chuyện hội nhập của Việt Nam''. Nếu Nhà nước ưu tiên phát triển thì ngành này còn phát triển mạnh nữa và đây là ngành rất có lợi cho việc phát triển thương hiệu của DN.
|