(VietNamNet) - Hai nội dung trái ngược này được thể hiện trong đề án quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến 2010 và 2020.
|
Sẽ có nhiều thay đổi trong chiến lược phát triển công nghiệp sau năm 2005. |
Theo bản dự thảo “Quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến 2010, có tính đến 2020”, định hướng chung của công nghiệp thành phố là “chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp có công nghệ kỹ thuật cao, giá trị sản phẩm lớn, có hàm lượng tri thức, tỷ lệ giá trị tăng thêm cao, như các ngành cơ khí chế tạo máy, công nghệ điện tử - tin học - phần mềm, hóa chất, vật liệu mới…”.
Cũng theo dự thảo này, mục tiêu của việc phát triển các ngành nghề trên đây một mặt hướng mạnh tới xuất khẩu, mặt khác làm chỗ dựa vững chắc cho quá trình phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế thành phố nói chung. Trong thời gian tới, thành phố sẽ bớt dần các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, trình độ thấp, tăng dần các ngành công nghiệp cơ bản, các ngành công nghiệp có hàm lượng vốn cao, trình độ khoa học hiện đại, tiên tiến.
Trên cơ sở xác định định hướng chiến lược này, trong quy hoạch đến năm 2010, thành phố sẽ ưu tiên phát triển 3 ngành, xem là mũi nhọn tiến vào kinh tế công nghiệp, đó là cơ khí chế tạo máy và gia công kim loại, công nghiệp thiết bị điện - điện tử - tin học - phần mềm, công nghiệp hóa chất, vật liệu mới. Các ngành này sẽ chiếm tỷ trọng 60-61% trong cơ cấu công nghiệp thành phố và chiếm 37-38% toàn ngành công nghiệp cơ bản của cả nước. Trong đó, cơ khí chế tạo máy và gia công kim loại là ngành ưu tiên số một, sẽ được phát triển mạnh nhất, với tỷ trọng 27-28% trong cơ cấu công nghiệp của thành phố.
Tuy nhiên, một trái ngược với phương hướng chiến lược này, là đề án lại chủ trương không phát triển ngành sản xuất kim loại. Ngành luyện kim chỉ đầu tư chiều sâu, và sau 2005, dự kiến sẽ không phát triển trên địa bàn thành phố. Đây sẽ là một cản trở cho ngành cơ khí chế tạo máy, bởi kim loại, luyện kim là ngành công nghiệp phục vụ lớn nhất cho công nghiệp cơ khí.
Cũng với đề án quy hoạch, sau năm 2005, ngành công nghiệp dệt may và da giày sẽ không phát triển theo chiều rộng mà chỉ đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các cơ sở sản xuất da giày, dệt may sẽ được chuyển sang các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ được phát triển với tốc độ thấp hơn tốc độ phát triển chung của thành phố do hạn chế về mặt bằng, nguyên liệu cung ứng.
|