(VietNamNet) - Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2004 do Diễn đàn của Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) thực hiện đã chỉ ra rằng dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang phục hồi, đặc biệt là ở các nước đang phát triển (tăng 9% trong năm 2003).
|
Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu dần chuyển hướng sang lĩnh vực dịch vụ |
UNCTAD cũng nhận thấy cơ cấu của FDI toàn cầu đã chuyển hướng sang dịch vụ và được thúc đẩy bởi các chính sách FDI tự do hoá. Tuy nhiên Việt Nam lại là nước đang tụt hậu trong lĩnh vực này.
Thu hút FDI vào dịch vụ: cần thiết nhưng nên thận trọng
Theo ngài Karl P.Sauvant, vụ trưởng Vụ Đầu tư của UNCTAD, "dòng FDI trên thế giới đã chứng kiến một sự chuyển biến rõ rệt sang khu vực dịch vụ". Trên thực tế, ngày nay khu vực dịch vụ chiếm khoảng 60% của tổng lượng FDI trên toàn cầu (ước tính tương đương 4,4 ngàn tỷ USD) so với chưa tới 50% cách đây một thập niên.
Sự chuyển hướng của FDI tới lĩnh vực dịch vụ cũng diễn ra song song với thay đổi trong cấu trúc ngành của FDI dịch vụ. Trong khi FDI dịch vụ theo truyền thống được tập trung vào thương mại và tài chính thì từ năm 1990, FDI ở một số ngành kinh doanh dịch vụ khác đã thể hiện sự tăng trưởng nhanh. Nổi bật là những dịch vụ về điện, viễn thông và nước... Thật vậy, từ năm 1990 đến 2002, giá trị tổng lượng FDI đổ vào ngành điện, gas và nước tăng từ khoảng 10 tỷ USD lên 144 tỷ USD; FDI vào lĩnh vực viễn thông, kho bãi và vận tải đã tăng từ mức ước tính 29 tỷ USD lên 476 tỷ USD.
Báo cáo của UNCTAD kết luận các nước cần tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ mang tích cạnh tranh để có thể hưởng lợi từ nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Và FDI có thể giúp thiết lập những ngày kinh doanh dịch vụ cạnh tranh thông qua vốn kỹ năng và công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, UNCTAD khuyến cáo thận trọng cũng là điều cần thiết khi thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ. Ví dụ như cấu trúc của xã hội có thể bị tác động bởi sự liên quan của FDI tới những ngành kinh doanh dịch vụ mang ý nghĩa lớn về văn hoá xã hội. Vì thế, khi thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ các nước cần tạo ra một sự cân đối giữa hiệu quả kinh tế và những mục tiêu phát triển rộng lớn hơn. Đây chính là lý do tại sao cần có một chính sách đúng đắn.
Việt Nam cần có chiến lược tổng thể trong ngành dịch vụ
Theo bà Christina Hernander, cố vấn kỹ thuật cao cấp của UNDP, dịch vụ của Việt Nam đang tụt hậu so với các nước khu vực. Trong mấy năm gần đây, tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam chỉ chiếm khoảng 40%. Các chuyên gia của UNCTAD cho biết họ đang giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược tổng thể trong lĩnh vực dịch vụ.
Bà Christina Hernander cho rằng Chính phủ phải có chiến lược nghiêm túc phát triển ngành dịch vụ như giao thông, vận tải, hậu cần... hay các dịch vụ giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, cũng cần đặt mục tiêu cụ thể tỷ trọng đóng góp của dịch vụ trong nền kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN FDI và DN trong nước.
Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác, phải đối mặt với một thách thức kép: đồng thời tạo ra những điều kiện cần thiết để thu hút FDI dịch vụ và giảm thiểu những hiệu ứng tiêu cực của nó. Một vấn đề then chốt nữa là cần nâng cấp nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng vật chất (đặc biệt trong công nghệ thông tin và truyền thông), đảm bảo quản lý hữu hiệu sao cho thị trường dịch vụ vận hành hiệu quả tới mức cao nhất có thể. Một khu vực dịch vụ có tính cạnh tranh quốc tế là điều thiết yếu cho phát triển.
|