Cơ quan Điều tiết điện lực liệu có là nơi độc quyền?
11:52' 08/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Có một cơ quan Điều tiết điện lực là cần thiết khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh.  Ông Trần Đình Long, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học kỹ thuật quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, người chấp bút soạn thảo Luật Điện lực, đã cho biết như  vậy khi trả lời phỏng vấn của VietNamNet .

Ông Trần Đình Long (trái). Ảnh: Hữu Thắng.

- Thưa ông, theo Luật cạnh tranh đang được xây dựng, sẽ có cơ quan Quản lý cạnh tranh để quản lý và giải quyết những vấn đề về tranh chấp  trong sản xuất kinh doanh. Nhưng ở đây lại có cơ quan Điều tiết thị trường điện lực,vậy có sự chồng chéo nào về chức năng?

- Khác với những lần trước, bản dự thảo lần này có đưa ra nội dung thành lập một cơ quan Điều tiết thị trường điện cạnh tranh, gọi tắt là cơ quan Điều tiết điện lực. Theo nội dung quy định của dự thảo Luật mới lần này, cơ quan Điều tiết điện lực có chức năng điều hành thị trường điện lực, tức là quản lý và điều phối thị trường điện lực cạnh tranh.

Về nguyên tắc, hoạt động của thị trường điện cạnh tranh cũng không khác các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên điện năng là một loại sản phẩm đặc biệt, không lưu trữ được, nên phải điều tiết liên tục. Ở một số nước, việc điều tiết của cơ quan này được thực hiện hàng giờ.

Vì vậy, rất cần có một đơn vị điều tiết cả trên 2 lĩnh vực là kỹ thuật và sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của cơ quan điều tiết không có gì khác là nhằm thực hiện nguyên tắc đảm bảo cho các đơn vị tham gia vào đây được cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công khai, không phân biệt đối xử.

- Nhưng khoản 3 điều 21 dự thảo luật điện lực quy định: “Tỷ lệ công suất và điện năng mua bán trên thị trường do cơ quan Điều tiết điện lực quy định” và  tại khoản 2 điều này cũng quy định “Việc mua bán điện trên thị trường điện lực cạnh tranh được thực hiện theo sự điều phối của đơn vị điều hành thị trường điện lực”. Như vậy, cơ quan Điều tiết điện lực vừa quy định, vừa tổ chức thực hiện , liệu có dẫn đến tình trạng độc quyền?

 - Việc quy định trên đây nhằm giúp cho hoạt động cung cấp điện được điều tiết, điện năng được đảm bảo điều hòa một khi có nhiều cơ quan cùng tham gia cung ứng điện trên một mạng lưới, chứ không thể cho rằng cơ quan Điều tiết được giao độc quyền. Nhà nước quản lý hoạt động của thị trường điện lực cạnh tranh bằng pháp luật. Khi đã chủ trương một thị trường điện cạnh tranh, có nghĩa là Nhà nước mong muốn hoạt động cạnh tranh diễn ra một cách công bằng để phát triển. Cơ quan Điều tiết điện lực có chức năng quản lý và thực hiện, nhưng không thể nói rằng sẽ lạm dụng để độc quyền.

- Như vậy, nếu xảy ra cạnh tranh, thì việc giải quyết cạnh tranh sẽ thuộc chức năng của cơ quan Điều tiết thị trường điện lực hay cơ quan Quản lý cạnh tranh?

- Việc tranh chấp cạnh tranh, chắc chắn phải theo Luật cạnh tranh và chức năng xử lý thuộc cơ quan quản lý cạnh tranh.

- Cơ quan Điều hành thị trường điện lực sẽ đặt ở đâu, trực thuộc Chính phủ hay Bộ Công nghiệp?

- Với các nước, cơ quan này độc lập trực thuộc Chính phủ. Nhưng ở ta, tiền lệ về tổ chức Chính phủ không có. Ở các nước, hoạt động của các cơ quan này theo nguyên tắc hội đồng, còn ở ta  theo chế độ thủ trưởng. Vì thế, trước mắt cơ quan này sẽ được đặt tại Bộ Công nghiệp, nhưng về sau sẽ tách ra thành đơn vị độc lập, trực thuộc Chính phủ.

- Nếu vậy, làm sao đảm bảo tính khách quan khi Bộ Công nghiệp cũng có những đơn vị tham gia vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung ứng điện?

- Như trên đã nói, không thể vì thế mà cơ quan Điều tiết thiếu khách quan. Vì hoạt động cạnh tranh thị trường có Luật cạnh tranh chi phối và cơ quan Quản lý cạnh tranh giám sát, xử lý.

Đúng ra, thị trường điện lực là một vấn đề rất mới, không chỉ ở ta mà ở cả một số nước trong khu vực và cả trên thế giới. Việc phát triển thị trường điện lực hết sức cần thiết để hội nhập. Hiện trạng ở nước ta, lĩnh vực này hầu như do các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền tuyệt đối. 

Để tiến ti một thị trường cạnh tranh, là một lộ trình lâu dài. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nói rằng, phải đến 30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh. Tuy nhiên Bộ trưng nói vậy là cho rằng, lộ trình này còn rất lâu, chứ không phải rạch ròi về thời gian. Không thể có chuyện đến một mốc thời gian nào đó là có sự thay đổi rõ ràng từ cấp độ này sang cấp độ khác, mà sẽ có sự đan xen, chẳng hạn trong bán buôn đã có có mầm mống bán lẻ.

Do tất cả đều mới, nên từ nay đến đó chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, việc thành lập một khung pháp lý, hay tổ chức bộ máy mới phù hợp với cơ chế cạnh tranh, là phải tiếp tục hoàn thiện. Có thể sau này, sẽ phải tách nhà máy điện ra, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà máy khác như các dự án BOT, các nhà cung cấp điện nước ngoài… Cho nên việc xây dựng một đơn vị truyền tải như thế nào vẫn phải tiếp tục xây dựng. Và vì vậy, việc thành lập cơ quan Điều tiết cạnh tranh là một việc cần thiết, ắt phải có.

Cho nên, nếu nói cơ quan Điều tiết cạnh tranh sẽ là yếu tố giữ lại tính độc quyền Nhà nước, là chưa hẳn đúng. Trong điều kiện đất nước phải hội nhập, việc làm sao để bảo vệ cạnh tranh là mục tiêu hàng đầu. Còn  trong quá trình vận hành, nếu khi này khi khác có xảy ra tình trạng không khách quan, công bằng, thì phải tiếp tục điều chỉnh.

- Có một vấn đề khác, là từ trước đến nay ngành điện lực vẫn bắt buộc người tiêu dùng phải mua điện kế của ngành mình. Ở đây là quy định do vấn đề kỹ thuật hay lạm dụng độc quyền? Trong thị trường điện cạnh tranh, người dân có quyền tự lựa chọn hay vẫn phải mua điện kế của Điện lực Nhà nước?

- Ở đây không phải do người mua, cũng không phải do người bán bắt buộc, mà phải là cơ quan đo lường cung cấp. Nhưng do cơ quan đo lường không đủ sức cung cấp, nên phải ủy nhiệm cho ngành Điện lực làm luôn công việc này. Vì vậy, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về cơ quan đo lường. Nếu người dân có khiếu nại về chất lượng của điện kế, thì cơ quan đo lường phải chịu trách nhiệm.

Hiện tại, một số Sở Công nghiệp đã có kiến nghị giao việc này cho họ thực hiện, cũng có lý. Còn ở một số nước khác, như Philippines chẳng hạn, thì việc này do cơ quan Điều tiết thực hiện.

- Cám ơn ông!

  • Đặng Vỹ thực hiện

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Kiện xe đạp VN bán phá giá vào EU là sai trái (08/09/2004)
Giá bông giảm, DN dệt may VN được lợi (26/08/2004)
Khôi phục dự án liên doanh sản xuất ôtô Nissan Đà Nẵng (23/08/2004)
Sắp có dịch vụ phát hàng thu tiền (20/08/2004)
Thu hút đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp dược (18/08/2004)
DN Da Tây Đô xuất 1,7 triệu USD thuộc da sang Ý (16/08/2004)
Da giầy Việt Nam có "trụ" được trước Trung Quốc? (16/08/2004)
Thêm một Trung tâm thẩm định và bán đấu giá tài sản (16/08/2004)
Liên kết xây dựng 14 cao ốc Nam Sài Gòn (16/08/2004)
Công ty 3D Marcom được ''chọn mặt'' gửi... triển lãm (14/08/2004)
Dự án vay vốn ưu đãi, 6 năm không được giải ngân (14/08/2004)
Miền Bắc có nguy cơ thiếu điện vào năm 2006 (12/08/2004)
Đà Nẵng: Thay chủ đầu tư KCN Liên Chiểu (10/08/2004)
Trao giải "10 khách sạn hàng đầu Việt Nam" (10/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang