Da giầy Việt Nam có "trụ" được trước Trung Quốc?
13:35' 16/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Một số nhà máy sản xuất giầy dép của Ðài Loan đặt tại  Việt Nam hiện đã ngưng hoạt động và chuyển đầu tư sang Trung Quốc.

Phần lớn nguyên liệu cho sản xuất giầy dép tại Việt Nam phải nhập khẩu.

Thiếu nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ

Theo phân tích của các nhà kinh tế, thì việc chuyển hướng đầu tư của các DN Đài Loan không chỉ nhằm tận dụng quy chế tối huệ quốc khi buôn bán với các nước thành viên WTO, mà còn vì Việt Nam không có nguồn nguyên liệu tại chỗ và ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển.

Đến nay, Việt Nam không tự chủ được nguồn nguyên liệu trong nước, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, mà chủ yếu là từ Trung Quốc. Theo Bộ Công nghiệp, hiện có tới 60%-80% nguyên liệu đầu vào để sản xuất giầy dép là nhập khẩu, nhưng chúng ta lại thiếu hẳn sự kiểm soát về nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu từ nguồn trong nước chất lượng lại kém, không đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều nguyên liệu không có sẵn ở Việt Nam như thuộc da.

Bên cạnh đó, khâu thiết kế và tìm đầu ra cho sản phẩm rất yếu. Để thành công trên thị trường xuất khẩu, các sản phẩm giầy dép phụ thuộc rất nhiều vào những nhà thiết kế có khả năng luôn tạo ra các mẫu mã giầy dép hợp thời trang với khách hàng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có quá ít những cán bộ thiết kế lành nghề, hoặc nếu có thì họ cũng chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp hóa, bài bản. 

Các DN của Việt Nam ít có mối liên hệ trực tiếp với khách hàng cuối cùng, mà phải qua nhiều khâu trung gian. Hiện nay, khoảng 80% các DN sản xuất giầy dép của Việt Nam phải nhận làm gia công cho các hãng lớn của nước ngoài. Chương trình xúc tiến thương mại và tiếp thị của ngành công nghiệp giầy dép còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc khai thác và đột phá vào những thị trường mới.

Trong các  liên doanh sản xuất giầy dép ở Việt Nam, thường thường phía nước ngoài chịu trách nhiệm về kỹ thuật như nhập khẩu, vận chuyển máy móc, thiết bị, cung cấp phần lớn các nguyên vật liệu và lo đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Phía Việt Nam chỉ cung cấp nhân lực, duy trì bảo dưỡng các thiết bị máy móc và chịu trách nhiệm về công tác quản trị hành chính.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội, Trung Quốc thực sự là một đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất giầy dép. Việc Trung Quốc gia nhập WTO đã càng khẳng định điều này. Hiện nay, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sản xuất giầy dép với sản lượng hàng năm khoảng 6 tỷ đôi (chiếm 1/2 tổng sản lượng của cả thế giới). Như vậy cuộc cạnh tranh giữa sản phẩm giầy dép của 2 nước sẽ là cuộc cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Nhiều DN Việt Nam cũng phải thừa nhận giầy dép của Trung Quốc giá rất rẻ, mẫu mã phong phú hơn, chi phí sản xuất cũng thấp hơn, nguồn nguyên liệu cũng được chú trọng đầu tư một cách dài hơi và bài bản hơn.

Trung Quốc từ lâu đã rất chú trọng phát triển ngành chăn nuôi và công nghiệp thuộc da; mở rộng những ưu đãi về thuế cho đầu tư vào việc ứng dụng những công nghệ mới; tăng cường hỗ trợ hệ thống thiết kế và trung tâm thông tin cho ngành da giầy; củng cố các hiệp hội của ngành, nhằm nâng cao hình ảnh ngành da giầy Trung Quốc trên thị trường quốc tế.

Các nhà đầu tư giầy dép chuyển hướng từ Việt Nam sang Trung Quốc chính là để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ và ngành công nghiệp phụ trợ rất phát triển tại đây. Bằng cách này sẽ giúp họ giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh. Theo tính toán của một DN da giày thì chi phí sản xuất một đôi giầy tại Việt Nam thường gấp 1,3 đến 1,5 lần so với Trung Quốc.

 "Thuốc" gì để "tăng lực"?

Ngành công nghiệp giầy dép của Việt Nam trong 7 năm trở lại đây tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là sản lượng và xuất khẩu. Giai đoạn từ 1997-2000, đã tăng từ 206 triệu đôi lên đến 303 triệu đôi. Hiện nay, năng lực sản xuất của chúng ta có thể sản xuất được khoảng 400 triệu đôi. Phần lớn các sản phẩm này đều được xuất khẩu, trung bình mỗi năm tổng giá trị giầy dép xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, châu Âu là thị trường hàng đầu, chiếm khoảng 65% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, sau đó là thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ðài Loan. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay tốc độ tăng trưởng của ngành đã bắt đầu chững lại và có dấu hiệu giảm dần, bởi sức cạnh tranh ngày càng mạnh từ phía các nhà sản xuất giày dép Trung Quốc.

Chỉ tiêu đặt ra cho ngành công nghiệp giầy dép Việt Nam là năm 2005 xuất khẩu được 410 triệu đôi và năm 2010 là 640 triệu đôi. Tuy nhiên, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, chỉ tiêu đó khó có thể hoàn thành nếu chúng ta không đủ lực cạnh tranh quốc tế.

Ðể đạt được mục tiêu trên, ngành công nghiệp giầy dép Việt Nam phải thực hiện 5 điểm cải tổ: Nâng cao chất lượng  nguồn nhân lực; Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và hiện đại hóa thiết bị các dây chuyền sản xuất; Đầu tư tập trung vào phát triển nguồn nguyên liệu và tăng cường khả năng sáng tạo mốt; giảm hợp đồng gia công; Mở rộng mạng lưới bán hàng ở nước ngoài.

Nhưng nói thì dễ, còn để làm được 5 việc trên lại không phải dễ. Sản xuất giầy dép rồi sẽ đi về đâu?

  • Trần Thủy
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thêm một Trung tâm thẩm định và bán đấu giá tài sản (16/08/2004)
Liên kết xây dựng 14 cao ốc Nam Sài Gòn (16/08/2004)
Công ty 3D Marcom được ''chọn mặt'' gửi... triển lãm (14/08/2004)
Dự án vay vốn ưu đãi, 6 năm không được giải ngân (14/08/2004)
Miền Bắc có nguy cơ thiếu điện vào năm 2006 (12/08/2004)
Đà Nẵng: Thay chủ đầu tư KCN Liên Chiểu (10/08/2004)
Trao giải "10 khách sạn hàng đầu Việt Nam" (10/08/2004)
VINATEX có tổng giám đốc mới (10/08/2004)
Ra mắt Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (06/08/2004)
Thi chế tác mỹ nghệ để thu hút du khách (05/08/2004)
Khuyến khích sản xuất ôtô tại vùng kinh tế trọng điểm (04/08/2004)
Nghệ An: Sẽ thu hút 1,2 triệu du khách trong 2005 (04/08/2004)
Đà Nẵng sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch? (04/08/2004)
Cảng Đà Nẵng lần đầu đón tàu trọng tải trên 40.000 tấn (03/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang