Năm 2005, ôtô con lại tăng giá?
17:53' 31/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Giá một số loại ôtô năm 2005 sẽ tăng, do chính sách thuế đối với ngành công nghiệp ôtô được tiếp tục điều chỉnh.

Giá ôtô con sẽ lại tăng vào 2005?

Đây là nhận định của nhiều đại biểu khi tham dự Hội thảo về công nghiệp ôtô Việt Nam diễn ra sáng nay, 31/7/2004 tại Hà Nội.

Bảo hộ quá cao

Theo tham luận của ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, thì trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách bảo hộ cao nhưng không đi kèm với các ràng buộc cụ thể, đã tạo điều kiện cho các DN sản xuất lắp ráp ôtô có được cơ hội lớn,  tăng giá bán cao để thu lãi, trong khi lợi ích của người tiêu dùng bị bỏ qua.

Cụ thể, thuế suất đối với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc và bộ linh kiện đã được duy trì ở mức chênh lệch rất cao trong thời gian dài. Loại xe ôtô từ 6 chỗ ngồi trở xuống thuế nhập khẩu nguyên chiếc là 100%, trong khi bộ linh kiện dạng CKD2 là 25% và IKD chỉ là 5%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt, suốt 5 năm (từ 1999 đến 2003) với các loại xe sản xuất trong nước được giảm 95% (tức là trong khi xe nguyên chiếc nhập khẩu phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 100%, thì xe lắp ráp trong nước chỉ phải chịu có 5%). Tính gộp tất cả các yếu tố ưu đãi về thuế thì  tổng mức bảo hộ với ôtô sản xuất trong nước (loại xe dưới 6 chỗ ngồi) đã lên tới 300%.

Tuy nhiên, có thể thấy những gì ngành công nghiệp ôtô đạt được chưa tương xứng với các ưu đãi này. Tại giấy phép đầu tư, các DN đều cam kết đạt tỷ lệ nội địa hoá 30%- 40% sau 10 năm, nhưng đến nay tỷ lệ này chỉ đạt mức dưới 10%. Và trong nhiều năm qua, giá bán xe không hề giảm. Giá xe vẫn cao hơn nhiều so với xe của các nước trong khu vực và nước chính hãng sản xuất ra. Có thể so sánh, một chiếc Camry 3.0 của Toyota số tự động sản xuất tại Nhật, nhập về Việt Nam giá CIF Hải Phòng là gần 27.000USD, vậy mà giá bán chiếc xe cùng loại nhưng lắp ráp trong nước (năm 2003 về trước) là  45.900USD.

Trong năm 2004, chính sách thuế đã được điều chỉnh theo hướng giảm các ưu đãi với xe trong nước. Thuế tiêu thụ đặc biệt với loại xe dưới 6 chỗ ngồi đã được nâng  từ 5% lên 24%,  thuế nhập khẩu thêm 5% thành 25%, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 0-5% lên  5-10%, nhưng tính ra mức bảo hộ vẫn còn rất cao khoảng 260%; trong khi đó, với những loại xe khách trên 24 chỗ và xe tải cần khuyến khích phát triển thì mức bảo hộ chỉ có 100%.

Khi mức bảo hộ giảm, các loại thuế kể trên đã được điều chỉnh tăng lên, nhưng có thể thấy, các  nhà sản xuất ôtô đã tính luôn cả số thuế phải chịu vào giá xe, nâng giá xe lên cao. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm, số lượng xe bán ra của 11 liên doanh lắp ráp ôtô trong nước là 12.790 xe các loại, chỉ ít  hơn so với cùng kỳ năm 2003 gần 3.000 chiếc, mặc dù giá xe đã tăng khoảng 20%. Dự tính cả năm 2004, số lượng xe tiêu thụ  được khoảng 22.000. Theo tính toán, mỗi năm, mỗi liên doanh chỉ cần bán được 2.000 xe là đã có lãi. Chính vì vậy, họ sẽ không chịu giảm giá để tăng lượng bán ra, mà chấp nhận giảm số lượng bán để giữ lợi nhuận cao, cũng như không cần đẩy mạnh nội địa hoá vì vẫn được bảo hộ cao. Nếu không điều chỉnh các chính sách ưu đãi, thì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô đích thực sẽ khó thực hiện được và vẫn sẽ chỉ dừng ở việc lắp ráp đơn giản. 

Sẽ tiếp tục giảm bảo hộ

Theo qui định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội ban hành năm 1998, thì việc giảm 95% thuế tiêu thụ đặc biệt được thực hiện từ năm 1999 đến hết 2003. Sang 2004 được áp dụng thống nhất như ôtô nhập khẩu cùng chủng loại. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ôtô trong nước có thêm thời gian để đầu tư, đổi mới công nghệ, Quốc hội đã đồng ý gia hạn thời gian áp dụng ưu đãi kéo dài đến hết 2006, theo nhiều bước. Năm 2004 đã thực hiện bước đầu tiên, và thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô (loại dưới 6 chỗ) đã được điều chỉnh tăng từ 5% lên 24%. Năm 2005, theo đúng lịch trình, sẽ nâng mức thuế này lên 56%.

Bên cạnh đó là thay đổi cách tính thuế nhập khẩu. Dự thảo về Biểu thuế nhập khẩu mới đối với phụ tùng, linh kiện ô tô cũng đã hoàn tất và đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan chức năng. Một quan chức của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện thuế nhập khẩu bộ linh kiện ôtô dạng CKD và IKD thấp hơn nhiều so với ôtô nguyên chiếc và phụ tùng rời. Điều này hiện đã không còn phù hợp với Chiến lược phát triển ngành ôtô mà  mục tiêu quan trọng là lấy phát triển công nghiệp phụ tùng làm trọng tâm, thay vì chỉ lắp ráp như trước đây. Theo hướng này, rất có thể các linh kiện như động cơ, hộp số, bộ phận truyền động, bộ dây điện, khung xe, vỏ xe, sẽ có mức thuế từ 15%-30%; các loại linh kiện phổ thông hiện trong nước đã sản xuất được như kính, lốp xe, ắc quy, đồ nội thất (đang được bảo hộ) sẽ được để ở mức thuế cao từ 40%-50%. Các loại phụ tùng còn lại, mức thuế có thể sẽ từ 0-15%. So với cách tính thuế theo bộ linh kiện CKD và IKD thì không có khác biệt nhiều, nhưng với những liên doanh ôtô mà hiện vẫn chỉ có tỷ lệ nội địa hoá 2%, thì chắc chắn mức thuế suất thuế nhập khẩu họ phải chịu (nếu đi vào thực hiện) sẽ cao hơn so với trước.

Giá xe sẽ tăng 30%?

Trước những thông tin này, theo nhận định của các nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam, giá xe có thể sẽ tăng khoảng 30% nữa trong  năm tới, nếu những điều chỉnh về thuế kể trên được áp dụng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, giá xe sẽ tăng như vậy, nếu DN cứ cộng tất cả thuế vào giá thành. Còn nếu DN chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng việc tìm kiếm các đối tác trong nước để hợp tác sản xuất phụ tùng, thì tỷ lệ nội địa hoá sẽ tăng, thuế nhập khẩu giảm và giá xe sẽ không cao như vậy. Thực tế năm 2004, đã có nhiều hãng xe hạ giá bán trước thuế thấp hơn năm 2003, chấp nhận giảm lợi nhuận chứ không phải cứ tăng giá khi Chính phủ điều chỉnh chính sách thuế.

  • Trần Thuỷ
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trầm lắng AutoPetro 2004 (30/07/2004)
Sắp có máy kéo 4 bánh động cơ 15-20 mã lực (30/07/2004)
Đà Nẵng: Sandy Beach Resort 4 sao đi vào hoạt động (30/07/2004)
Hôm nay 30/7, Amcham tổ chức hội thảo dệt may (30/07/2004)
Cơ hội cho DN nhựa VN vào thị trường Ba Lan (29/07/2004)
DN công nghiệp Quảng Tây tìm cơ hội làm ăn với VN (28/07/2004)
Hải quan Mỹ lại sang kiểm tra DN dệt may (28/07/2004)
TP.HCM xét chọn điểm mua sắm đạt chuẩn du lịch (26/07/2004)
''Phân bổ quota dệt may sẽ vẫn theo thành tích'' (26/07/2004)
TP.HCM sẽ quy hoạch lại các KCN-KCX (24/07/2004)
Cấm nhập khẩu amiăng để sản xuất tấm lợp (22/07/2004)
Suất đầu tư du lịch ven biển Đà Nẵng: 1,5 triệu USD/ha (21/07/2004)
Có thể dùng 2 phương án phân bổ hạn ngạch dệt may (21/07/2004)
Ngành cao su sẽ phá kỷ lục lợi nhuận năm ngoái (19/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang