(VietNamNet) - Ủy ban Dệt may của Phòng Công nghiệp và Thương mại Mỹ (Amcham) sẽ tổ chức hội thảo dệt may ngày hôm nay (30/7) tại TP.HCM. Hội thảo dành cho các DN dệt may Việt Nam trước tình trạng miễn quota vào đầu năm tới.
|
Ngành may sẽ bị tác động như thế nào sau 2005? |
Từ đầu năm 2005, các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ chính thức miễn chế độ quota (hạn ngạch) đối với mặt hàng dệt may. Việt Nam chưa là thành viên chính thức của tổ chức này nên vẫn bị áp dụng chế độ hạn ngạch. Vì vậy, đây là thách thức đối với DN dệt may Việt Nam.
Theo ban tổ chức cho biết, hội thảo sẽ giúp DN có cái nhìn tổng quan về thực trạng này và cung cấp những thông tin cần thiết giúp DN cũng như người lao động có thể tồn tại trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tham gia hội thảo sẽ trình bày các vấn đề liên quan.
Hội thảo gồm có hai phần chính là mối quan hệ giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu, quota và khả năng cung cấp với số lượng lớn, làm thế nào để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh hàng dệt may của Việt Nam. Hai nội dung này được đại diện của các Công ty MAST Industries, Nike, Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc, Hiệp hội Dệt may Đài Loan, Hiệp hội Dệt may Hong Kong, Amcham, Hiệp hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM, Bộ Công nghiệp và Tài chính tham luận.
Theo đánh giá của Amcham, chế độ quota bãi bỏ giữa các thành viên WTO sẽ gây tác động rất lớn đến nền công nghiệp dệt may trên thế giới. Một lần nữa, các nhà máy sản xuất hàng dệt may sẽ phải đóng cửa và hàng triệu lao động sẽ mất việc làm bởi sự cạnh tranh khốc liệt của những cường quốc dệt may, khi không bị hạn chế bởi quota.
Việt Nam là quốc gia vẫn bị áp đặt quota, vì vậy đây là thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có số liệu hay đánh giá chính thức và toàn diện về tác động mà ngành dệt may Việt Nam sẽ chịu. Việt Nam sẽ phải chịu những ảnh hưởng này cho đến khi trở thành thành viên chính thức của WTO.
|