TP.HCM xét chọn điểm mua sắm đạt chuẩn du lịch
16:18' 26/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - TP.HCM sẽ tổ chức xét chọn điểm mua sắm đạt chuẩn nhằm công nhận những khu thương mại, địa điểm kinh doanh trên địa bàn đạt tiêu chuẩn kinh doanh phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch quốc tế.

Khách Nhật rất thích mua sắm khi du lịch ở Việt Nam.

Xét chọn điểm mua sắm đạt chuẩn du lịch là một trong những hoạt động của Sở Du lịch TP.HCM với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thành phố; đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch cũng như thúc đẩy thương mại và bảo vệ người tiêu dùng nước ngoài trong thời gian thưởng ngoạn tại Việt Nam.

Cơ hội quảng bá và kinh doanh của DN

Xét chọn điểm mua sắm là cơ hội để các DN quảng bá và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Theo Sở Du lịch, tất cả các tổ chức, cơ sở, đơn vị, và cá nhân đều có thể tham gia xét chọn. Các trung tâm, cửa hàng thương mại, cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm mà đối tượng là khách du lịch hoặc DN muốn thu hút thêm đối tượng khách hàng này đều là đối tượng của cuộc xét chọn.

Bà Nguyễn Thị Lập Quốc, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết mục đích của việc xét chọn nhằm tạo cơ hội xúc tiến thương mại, đặc biệt là tăng sức hấp dẫn về lĩnh vực mua sắm đối với du khách quốc tế. Vì vậy các điểm mua sắm phải là nơi kinh doanh phục vụ trực tiếp đối với khách du lịch với các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, thực phẩm, hàng điện tử, mỹ phẩm...; mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tranh, vật lưu niệm...

Khi được xét chọn, điểm mua sắm được hội đồng công nhận bao gồm Sở Du lịch và Sở Thương mại  cấp "logo" Dịch vụ du lịch đạt chuẩn. "Logo" có thể xem là loại "chứng chỉ ISO" thương mại dành cho DN. Những điểm mua sắm có trưng "logo" này sẽ được khách du lịch chú ý và lựa chọn khi có nhu cầu mua sắm. Thêm vào đó những điểm mua sắm đạt chuẩn, tức những cửa hàng và trung tâm mua sắm được xét chọn, còn được đưa vào guidebook, ấn phẩm và các chương trình quảng bá du lịch của thành phố để giới thiệu với du khách quốc tế. Hẳn nhiên đây sẽ là cơ hội quảng bá thương hiệu không mất tiền đối với DN được xét chọn. "Chứng chỉ ISO " thương mại - du lịch này có giá trị trong 2 năm.

Điểm mua sắm tối thiểu rộng 50m2

Theo qui chế đã được UBND thành phố thông qua về mặt nguyên tắc, để tham gia cuộc xét chọn, ngoài việc phải bảo đảm tuân thủ các qui định của pháp luật các DN, tổ chức hoặc cơ sở phải có địa điểm mua sắm tối thiểu rộng 50m2. Bảo đảm hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và mẫu mã, có tính thẩm mỹ cao và chất lượng tốt. Đối với hàng thủ công mỹ nghệ phải có biểu tượng (logo) hoặc nhãn hiệu hàng hóa. Đối với hàng điện tử và thực phẩm, cần có thêm hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng và thời hạn bảo hành hoặc sử dụng.

DN phải trưng bày hàng hóa với giá cả hợp lý, được niêm yết và bán đúng giá niêm yết, có hệ thống nhận thanh toán th tín dụng. Những điều kiện này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Ngoài ra, để hấp dẫn du khách, các DN  thường xuyên có chương trình khuyến mãi, một hình thức bán hàng sales vẫn thường thấy ở các nước nhằm thu hút khách du lịch, và đặc biệt DN cũng phải  tham gia các chương trình khuyến mãi chung mà thành phố tổ chức, hoạt động này nhằm tạo điểm nhấn cho mùa khuyến mại mà ngành du lịch phát động.

Đặc biệt, DN phải có chương trình hậu mãi cho khách như sửa chữa, bảo trì, bồi thường nếu sản phẩm có lỗi… và giao hàng nếu khách yêu cầu, phải có nhân viên phục vụ có thể giao tiếp ngoại ngữ. Để thuận tiện cho du khách tìm hiểu về hoạt động của DN, DN cần có trang Web giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của cơ sở.

Một tiêu chí nữa cho việc xét chọn mà DN phải bảo đảm, đó là vệ sinh và vấn đề an ninh cho khách hàng, đặc biệt là phải bảo đảm không để tình trạng ăn xin, bán hàng rong đeo bám và chèo kéo khách.

  • Minh Quang
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Phân bổ quota dệt may sẽ vẫn theo thành tích'' (26/07/2004)
TP.HCM sẽ quy hoạch lại các KCN-KCX (24/07/2004)
Cấm nhập khẩu amiăng để sản xuất tấm lợp (22/07/2004)
Suất đầu tư du lịch ven biển Đà Nẵng: 1,5 triệu USD/ha (21/07/2004)
Có thể dùng 2 phương án phân bổ hạn ngạch dệt may (21/07/2004)
Ngành cao su sẽ phá kỷ lục lợi nhuận năm ngoái (19/07/2004)
KCN thứ 15 ở Đồng Nai (19/07/2004)
50% doanh số của VINASHIN cho xuất khẩu (17/07/2004)
Sẽ xây dựng Khu liên hợp luyện kim lớn tại Lào Cai (16/07/2004)
Máy công nghiệp nhẹ TQ sẽ tấn công thị trường VN? (15/07/2004)
DN nước ngoài đầu tư vào KCN tăng 75% cùng kỳ (14/07/2004)
An Giang: Đầu tư máy sấy lúa cho nông dân (13/07/2004)
Đầu tư trên 100 triệu USD để thu hút đầu tư (13/07/2004)
Tour du lịch Vườn quốc gia U Minh Thượng hút khách (13/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang