(VietNamNet) - Tính đến nay, An Giang đã có khoảng gần 1300 máy sấy lúa, và là tỉnh có số lượng máy sấy lớn nhất ở ĐBSCL. Chỉ tính riêng trong vụ hè thu này, địa phương đã có thêm gần 1000 máy với giá trị lên tới gần 20 tỷ đồng.
|
Hệ thống máy sấy hạt của CTCKAG. |
Ông Bùi Hòa Bình, Giám đốc Công ty Cơ khí An Giang (CTCKAG) đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với PV VietNamNet. Theo ông, CTCKAG đã sản xuất loại máy sấy này từ những năm 1990. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, lượng máy đưa ra thị trường còn ít, bởi nông dân chưa có thói quen sử dụng. Từ năm 2000 trở lại đây, khi mọi người nhận thức được lợi ích của việc dùng máy sấy lúa và quan trọng hơn cả, tỉnh đã mạnh dạn đầu tư cho bà con nông dân bằng cách cho vay trả chậm không lấy lãi, thì số máy sấy do công ty sản xuất đã không ngừng tăng lên để cung cấp cho địa phương cũng như các tỉnh trong khu vực.
Được biết, lượng máy sấy của tỉnh tập trung nhiều ở các huyện có vùng nguyên liệu xuất khẩu và những nơi trũng không phơi được lúa mỗi khi lũ về. Theo nhiều chuyên gia, nếu sau khi xay sát lúa được qua khâu sấy, chất lượng gạo sẽ đạt tiêu chuẩn cao hơn, có khả năng cung ứng hàng cho xuất khẩu. Hiện tại, máy sấy của công ty có giá thành rẻ hơn 1/3 so với máy nhập ngoại cùng công suất (khoảng 20 triệu đồng/máy). Công ty còn có chế độ bảo hành một vụ sấy/máy. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con ngày càng tiếp cận nhiều hơn với phương thức "phơi" lúa này.
Sắp tới, CTCKAG sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất khép kín với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm máy sấy có mẫu mã, chất lượng cao, giá thành hạ.
|