Saigontourist lữ hành bị "truất ngôi"!
18:14' 12/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã bị loại khỏi danh sách xét chọn những hãng lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam, sau nhiều năm độc tôn ở ngôi vị đầu bảng xếp hạng.

Soán ngôi độc tôn

Hạ Long.

Hồi tuần qua, Tổng cục Du lịch đã công bố danh sách 10 hãng lữ hành quốc tế hàng đầu (Topten) được xét chọn trong năm 2003, nhưng không có tên của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (Saigontourist Travel Service Co.). Bình chọn (Topten) các hãng lữ hành và các khách sạn là công việc hàng năm của Tổng cục Du lịch, dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty du lịch trên cả nước trong năm trước đó.

Topten khách sạn hàng đầu của Việt Nam do Tổng cục Du lịch chọn năm 2003

  1. KS New World

  2. KS Sofitel Plaza

  3. KS Rex

  4. KS Nikko Hà Nội

  5. KS Đệ Nhất

  6. KS Meliá Hà Nội

  7. KS Hội An

  8. KS Hương Giang

  9. KS Sài Gòn - Nha Trang

  10. KS Sofitel Metropole

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Từ 1999, năm đầu tiên của cuộc xét chọn, Saigontourist luôn đứng ở vị trí số 1 trong lĩnh vực lữ hành, "qua mặt" các công ty liên doanh du lịch lữ hành quốc tế lớn như Apex, Exotissimo... Thế nhưng trong cuộc xét chọn cho năm hoạt động vừa qua, Saigontourist không "vớt vát" được cho dù là vị trí thứ 10, nói gì đến ngôi đầu bảng xếp hạng.

Một quan chức của Vụ Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, cho biết, Saigontourist bị loại khỏi danh sách Topten vì Công ty này lỗ. "Nếu so về số lượng thì không có mấy công ty đón tiếp nhiều khách du lịch như Saigontourist trong các năm qua, nhưng xét về góc độ hiệu quả trong kinh doanh thì công ty này không đạt, nếu không muốn nói là lỗ", quan chức đã nói với VietNamNet hồi sáng nay (12/7). Vụ Du lịch là đơn vị chịu trách nhiệm xem xét bình chọn đối với công ty lữ hành.

Để được xét chọn vào Topten những hãng lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam, các công ty  lữ hành phải chứng minh được sự  lành mạnh trong kinh doanh, không vi phạm các quy định về tài chính, kế toán, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả cao và đón được tối thiểu 7.000 khách du lịch quốc tế trong năm xét chọn. Nói chung, việc bình chọn dựa trên hai tiêu chí chính là số lượng khách và hiệu quả kinh doanh.

Quan chức trên nói rằng, tuy nhiên, Saigontourist Travel Service vẫn được xem là Công ty Du lịch mạnh nhất  và nằm trong top những DN lữ hành hàng đầu Việt Nam. "Đó là do tiêu chí bình chọn, tập trung vào số lượng khách hơn là hiệu quả kinh doanh. Cách đánh giá này tôi cho là không đúng phương pháp đánh giá kinh tế", quan chức này giải thích.

Nhiều công ty chung cảnh ngộ với Saigontourist

Topten công ty lữ hành quốc tế do Tổng cục Du lịch chọn năm 2003

  1. Công ty liên doanh du lịch Exotissimo-Cesais

  2. Công ty liên doanh du lịch Apex-Việt Nam

  3. Công ty liên doanh du lịch Hồ Gươm-Diethelm

  4. Công ty Du lịch Thanh Niên xung phong-V.Y.C

  5. Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội

  6. Công ty Thương mại dịch vụ Tân Định (Fiditourist)

  7. Công ty Du lịch Hà Nội

  8. Công ty Du lịch Hòa Bình-Peace Tour Co.

  9. Công ty Du lịch Hương Giang

  10. Công ty dịch vụ Du lịch Bến Thành

Nguồn: Tổng cục Du lịch

 Khác với những năm trước, số lượng khách không còn là tiêu chí chính cho cuộc bình chọn năm nay, thay vào đó là hiệu quả kinh doanh. Một trong những biểu hiện của kinh doanh hiệu quả là mức nộp ngân sách cho Nhà nước, tức khoản thuế đã nộp cho Nhà nước.

Ông Võ Anh Tài, Phó Giám đốc Saigontourist Travel Service Co, không đưa ra ý kiến bình luận về chuyện này. Thay vào đó ông giải thích rằng, việc không có tên trong danh sách Topten là vì Công ty không tham gia cuộc bình chọn năm 2003 (!?) "Năm ngoái, Công ty bị tác động mạnh bởi dịch SARS, nên tình hình kinh doanh không tốt. Tuy nhiên, hy vọng trong năm nay, hoạt động của chúng tôi sẽ tốt hơn", ông Tài phát biểu.

Với sự thay đổi về tiêu chí trong xét chọn, nhiều công ty lữ hành cùng chung cảnh ngộ với Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng bị loại khỏi Topten, như:  Công ty du lịch và tiếp thị Giao thông vận tải - Viettravel, Công ty liên doanh dịch vụ  du lịch OSC - SMI và Công ty Du lịch Việt Nam chi nhánh TP.HCM. Trái lại, các công ty liên doanh lại "rủ nhau" chiếm những vị trí đầu bảng Topten. Bên cạnh đó, một số công ty lữ hành mới đã xuất hiện trong bảng "phong thần", bao gồm: Công ty Du lịch Thanh niên Xung phong V.Y.C, Công ty Du lịch Hương Giang và Công ty Du lịch Hà Nội. Công ty Thương mại Dịch vụ Tân Định (Fiditourist), một thành viên kinh doanh dịch vụ lữ hành khác của Saigontourist Holding Company, vẫn nằm trong bảng Topten.

Ngoài Tổng cục Du lịch, hàng năm, hai Tạp chí Vietnam Economic Times và Saigon Tiếp Thị cũng tổ chức bình chọn những công ty lữ hành được ưa thích nhất. Lễ hội “Ngày hội khám phá du lịch Việt“ được tổ chức hồi giữa tháng 6 qua tại Khu du lịch Văn Thánh đã tôn vinh thương hiệu 19 DN du lịch lữ hành. Trong số đó, Saigontourist, Fiditourist, Bến Thành Tourist, Vietravel, Lửa Việt, Chợ Lớn Tourist... vẫn được người tiêu dùng bình chọn là những đơn vị lữ hành hài lòng nhất năm 2004.

  • Minh Quang

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trung tâm nguyên phụ liệu dệt may sẽ được bảo thuế? (09/07/2004)
CityPhone tặng cước cho khách hàng (09/07/2004)
Bán máy nông nghiệp ưu đãi cho nông dân miền núi (09/07/2004)
Đón máy bay A.321-200 đầu tiên của Vietnam Airlines (08/07/2004)
Cần Thơ: Cấp phép thành lập DN không quá 7 ngày (08/07/2004)
Daewoo gia nhập Câu lạc bộ các khách sạn sang trọng (07/07/2004)
Cơ hội vàng cho xuất khẩu than đá (07/07/2004)
Cần Thơ kêu gọi đầu tư 17 dự án (06/07/2004)
Đà Nẵng: Nhiều sản phẩm CN lần đầu xuất cho Nhật (05/07/2004)
Đào tạo chuyên viên quản lý CNTT (03/07/2004)
Xăng tăng giá, các công ty du lịch nâng giá tour (02/07/2004)
Cơ hội gặp gỡ, hợp tác cho các DN công nghiệp (01/07/2004)
Đà Nẵng: Mở thêm nhiều tour, tuyến du lịch mới (01/07/2004)
Lợi nhuận ngành công nghiệp giảm mạnh (30/06/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang