(VietNamNet) - Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19/5/2004 ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
|
Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động tại Việt Nam khi đã có giấy phép thầu. |
Theo đó, nhà thầu nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự (đối với cá nhân còn phải có năng lực hành vi dân sự) để ký kết và thực hiện hợp đồng. Những năng lực này được xác định theo pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch. Nhà thầu nước ngoài có thể là nhà thầu chính, tổng thầu, liên danh, thầu phụ.
Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động tại Việt Nam sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép thầu.
Để được cấp giấy phép thầu, nhà thầu nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: Đã trúng thầu, hoặc đã có hợp đồng giao nhận thầu, với trường hợp gói thầu thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam; Đã trúng thầu, hoặc đã có hợp đồng giao nhận thầu, và có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu, với trường hợp gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc áp dụng.
Trong mọi trường hợp được giao thầu, nhà thầu nước ngoài phải liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam.
Thời hạn xét cấp giấy phép thầu và lệ phí cấp giâý phép thầu là 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Nhà thầu nước ngoài phải đăng ký địa chỉ, phương tiện liên lạc, tài khoản giao dịch... của văn phòng điều hành công trình và người đại diện thực hiện hợp đồng; Đăng ký sử dụng con dấu tại công an tỉnh, thành phố nơi có công trình xây dựng.
Nhà thầu chỉ đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế, kỹ thuật có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng; Mua bảo hiểm theo quy định; Đăng kiểm chất lượng vật tư thiết bị nhập khẩu, an toàn thiết bị thi công và phương tiện giao thông liên quan; Tuân thủ các quy định của Việt Nam về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quản lý chất lượng công trình xây dựng, bảo vệ môi trường...
|