TP.HCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô
18:23' 28/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - TP.HCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô bằng việc lập cụm công nghiệp ô tô ở Củ Chi và thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khác để giúp Công ty Samco sản xuất những chiếc xe mang thương hiệu Việt.

 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép Công ty Cơ khí ô tô Sài Gòn (Samco) được đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng ô tô. Ngày 27/4, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành tạo điều kiện để Samco trở thành đơn vị chủ lực của ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại TP.HCM. Đây được coi là tiền đề thuận lợi giúp Samco phát triển thành một trung tâm công nghiệp ô tô, sản xuất những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam.

Năng lực lắp ráp xe và tỉ lệ nội địa hóa phụ tùng: rất thấp

 

Trước khi cấp giấy phép đầu tư cho các hãng sản xuất ô tô nước ngoài, Nhà nước có quy định lộ trình nội địa hóa (NĐH), nhưng đến nay hầu hết các liên doanh ô tô trong nước đều chưa thực hiện được những cam kết đó. Hiện cả nước có 11 công ty liên doanh (LD) sản xuất ô tô, đã lắp ráp được 50.480 xe (đã bán ra 48.222 chiếc), nhưng số xe được NĐH chưa cao.

Được biết, Việt Nam hiện lưu hành 38 chủng loại xe, mỗi chủng loại xe có một kiểu dáng, tiêu chuẩn chất lượng phụ tùng riêng, nên các nhà lắp ráp không thể lấy chi tiết xe này lắp vào xe kia, khiến việc NĐH lại càng khó khăn.

Ngoài dự án đầu tư mới 1.318 xe buýt, UBND TP.HCM đã ra quyết định đầu tư tiếp hai dự án, với mỗi dự án 200 xe buýt đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân. Các nhà chức trách khẳng định, đến năm 2005 phải có 4.300 đầu xe thì TPHCM mới có thể “buýt khắp nơi”.

Ông Hà Văn Dũng - giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP.HCM cho biết, nhu cầu sử dụng xe ô tô, nhất là các loại ô tô lớn ở TP.HCM ngày càng tăng, trong khi năng lực của ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại thành phố chưa tương xứng với yêu cầu.

Xe buýt do Công ty Samco sản xuất. Ảnh: Phi Long.

 

Hiện nay, đơn vị sản xuất ô tô lớn nhất của thành phố là Samco. Tuy nhiên, số lượng xe xuất xưởng hàng năm của Samco cũng chỉ vài trăm chiếc xe buýt và một số chủng loại xe chuyên dùng, không đáng kể so với nhu cầu thị trường. (Cụ thể như năm 2003, Samco đã sản xuất 300 xe buýt, 150 xe chuyên dùng các loại. Tỷ lệ nội địa hóa từ 40% - 45%. Dự kiến năm nay Samco sản xuất 500 xe buýt, 200 xe chuyên dùng).

 

Hơn nữa, việc sản xuất này mới dừng lại ở khả năng đóng thùng xe trên khung gầm nhập từ nước ngoài. Samco cũng có sản xuất được một số phụ tùng xe, nhưng thực ra chỉ là những linh kiện nhỏ như ghế, kính… Tương tự, các liên doanh sản xuất ô tô với nước ngoài cũng chủ yếu là lắp ráp xe.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Samco thì để đáp ứng nhu cầu thị trường, Samco đang triển khai xây dựng nhà máy ở Củ Chi, công suất 1.000 xe/năm. Cùng với việc mở rộng các cơ sở hiện có, Samco có thể nâng công suất lên 2.000 xe/năm. Mục tiêu của Samco là xây dựng thương hiệu Samco cho sản phẩm xe buýt, xe chuyên dùng; xây dựng hệ thống dịch vụ kinh doanh sửa chữa, bảo hành bảo dưỡng ô tô có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực; sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho nhu cầu của ngành.

Làm gì để có xe ô tô mang thương hiệu Việt Nam?

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020.

Về loại xe phổ thông: đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hoá đến 40% vào năm 2005; đáp ứng trên 80% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2010 (riêng động cơ phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 50% và hộp số đạt 90%).

- Về loại xe chuyên dùng: đáp ứng 30% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% vào năm 2005, tiến tới đáp ứng 60% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2010.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, để phát triển ngành công nghiệp ôtô, ngoài việc tiến đến cổ phần hóa trong những năm 2006-2007, Samco cần xác định sản xuất cho được phụ tùng ôtô. UBND TP.HCM sẽ tạm ứng ngay 100 tỷ đồng để trong tháng 7/2004  Samco thực hiện đền bù giải tỏa 100ha tại Củ Chi, nhằm xây dựng nhà máy sản xuất ô tô có quy mô lớn.

Theo ông Hà Văn Dũng, TP.HCM muốn sản xuất được ô tô mang nhãn hiệu Việt Nam thì phải đẩy mạnh sản xuất phụ tùng xe, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa thay thế nhập ngoại; đồng thời hình thành được những dịch vụ khác đi kèm như bảo hành, sửa chữa…

Mô hình nhà máy lắp ráp xe buýt của Công ty Samco tại Củ Chi. Ảnh: Phi Long.

Việc TP.HCM quyết định xây dựng cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, lắp ráp và bảo hành, sửa chữa ô tô là phù hợp với xu thế đó. Cụm công nghiệp này được xây dựng trên diện tích 120ha tại huyện Củ Chi (TP.HCM). Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, Samco là hạt nhân trong đầu tư sản xuất ô tô. Thành phố sẽ sử dụng nguồn đầu tư từ chính các DN tham gia vào cụm công nghiệp và nguồn vốn vay kích cầu.

Theo đề án này, Samco sẽ trực tiếp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe buýt, nhà máy sản xuất xe ô tô tải, ô tô chuyên dùng và về lâu dài sản xuất luôn các toa xe điện, metro. Samco còn có trách nhiệm liên doanh, liên kết với các DN trong và ngoài nước để cùng sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô.

Ở tầm cao hơn, thông qua cụm công nghiệp sản xuất ô tô này, sẽ thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô của TP.HCM nói riêng và góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô của cả nước nói chung. Hiện nay đã có một số đơn vị cơ khí của quân đội và DN nước ngoài đặt vấn đề liên kết với Samco. Nhiều Công ty TNHH chuyên đóng thùng xe, sửa chữa xe cũng có ý định ấy.

Thành phố giao cho Samco nghiên cứu lập đề án và đề xuất cụ thể chiến lược phát triển, loại công nghệ sử dụng, các chi tiết, sản phẩm ô tô nào sẽ được sản xuất trong cụm công nghiệp, các chính sách thu hút đầu tư… Đặc biệt trong việc hoạch định chính sách thu hút đầu tư, Samco phải lên kế hoạch thật chi tiết từng loại hình sản xuất khác nhau theo hướng khuyến khích đầu tư vào sản xuất các phụ tùng có tính kỹ thuật cao như động cơ, khung gầm… Được biết, UBND TP.HCM sẽ tổ chức một hội đồng khoa học để thẩm định những nghiên cứu của Samco.

Tổng công ty Địa ốc và Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn cùng chính quyền huyện Củ Chi đã được UBND thành phố giao nhiệm vụ lập dự án và hoàn tất công tác giải tỏa mặt bằng trước 30/6/2004. Trong tháng 5/2004 Samco phải trình được chiến lược xúc tiến đầu tư.

  • Phi Long
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giấy Sài Gòn thêm nhà máy 60.000 tấn/năm (28/04/2004)
Khởi công xây dựng Khu công nghệ thông tin Bắc Ninh (27/04/2004)
TP.HCM nhộn nhịp đón lễ 30/4 và 1/5 (27/04/2004)
Đà Nẵng: Sẽ đón 2 triệu lượt du khách vào 2010 (26/04/2004)
Cước di động nội vùng giảm còn 850đ/30giây (26/04/2004)
Mạng điện thoại Việt nam vượt 8 triệu máy (23/04/2004)
DN chế biến cơm dừa lớn nhất Bến Tre (20/04/2004)
Quảng Nam khai thác du lịch trên đường Hồ Chí Minh (19/04/2004)
Thép xây dựng giảm giá (19/04/2004)
Giảm cước kết nối vào mạng điện thoại di động (19/04/2004)
Cần đầu tư sản xuất 86.000 xe tải và 28.000 xe khách (19/04/2004)
Tiêu thụ sản lượng cả năm trong quí I (19/04/2004)
Giảm thủ tục cho dệt may vào EU (16/04/2004)
Khởi công 2 công trình thuỷ điện vào cuối tháng 4/2004 (15/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang