(VietNamNet) - Một nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy lớn nhất tỉnh Bến Tre sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 4 này nhằm chế biến sản phẩm cao cấp, xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và EU.
Đó là nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy liên doanh giữa tập đoàn Silvermill (Sri-Lanka) và Công ty sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Trúc Giang (tỉnh Bến Tre). Nhà máy có công suất từ 120.000 đến 150.000 trái dừa/ngày với vốn đầu tư 3 triệu USD, phía Silvermill góp 51%, Trúc Giang góp 49% vốn; là nhà máy liên doanh thứ ba giữa 2 công ty này.
|
Chế biến sản phẩm từ cây dừa chiếm đến 50% giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh Bến Tre. |
Ông Hà Vĩnh Hòa - Giám đốc công ty sản xuất kinh doanh - xuất nhập khẩu Trúc Giang cho biết, trước mắt, nhà máy có kế hoạch mua dừa trực tiếp của nông dân, thông qua hội nông dân xã và tổ nhân dân tự quản. Nhà máy cũng có kế hoạch liên kết với nông dân nhằm cung cấp và tập huấn kỹ thuật cho người trồng dừa ở Bến Tre trồng giống dừa năng suất cao của Sri-Lanka, hỗ trợ phân bón dừa; sau thu hoạch, nông dân sẽ trả lại bằng dừa... Trong trường hợp thiếu dừa nguyên liệu, biện pháp cuối cùng là nhập dừa từ nước ngòai (chủ yếu là của Indonesia).
Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất nước ta với 35.000ha, mỗi năm đạt sản lượng khoảng 200 triệu trái. Bình quân mỗi năm, Bến Tre xuất khẩu 40 triệu trái dừa sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia… Với hơn 30 nhà máy, cơ sở chế biến đang hoạt động, ước tính lượng dừa trái tiêu thụ ở Bến Tre đã vượt xa tổng sản lượng dừa trong tỉnh. Chỉ riêng 3 nhà máy của liên doanh giữa Công ty Trúc Giang và phía Sri-Lanka đã tiêu thụ một nửa tổng sản lượng dừa trái của tỉnh. Những bộ phận của cây dừa như cơm dừa, gáo dừa, vỏ dừa, xơ dừa… được chế biến thành kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, và đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu khá cao.
Năm 2002, kim ngạch xuất khẩu từ dừa của Bến Tre là 31 triệu USD, năm 2003 là 33 triệu USD. Cây dừa ở Bến Tre đã đang nuôi sống cho gần 45% dân số trong tỉnh và đóng góp 50% giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh.
|