TP.HCM:
Tập trung phát triển 6 ngành công nghiệp chủ lực
05:35' 08/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong năm 2004, TP.HCM sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án và chương trình phát triển các ngành điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, hóa chất, thương mại...

Chiều 7/4, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Sở Công nghiệp, Khoa học - Công nghệ, Thương mại, NN - PTNT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư để đánh giá những chương trình đang thực hiện và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Bao giờ có Trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành dệt may?

Sở Công nghiệp là nơi chủ trì nhiều chương trình nhất; trong đó, quý I/2004 đã triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển 6 ngành công nghiệp chủ lực: cơ khí, điện tử, hóa chất, nhựa - cao su, dệt may, da giày.

Chương trình da giày: Hiện giá trị sản lượng chiếm tỷ trọng khoảng 6,5% trong toàn ngành công nghiệp của thành phố và hơn 60% sản lượng da giày của cả nước. Tuy nhiên, chủng loại chủ yếu là giày thể thao, sản xuất theo phương thức gia công. Thành phố chủ trương trong thời gian tới cần tập trung phát triển nguồn nguyên liệu, da thuộc để chủ động sản xuất sản phẩm giày dép da.

Có 6 dự án phát triển ngành da giày, trong đó đã triển khai 2. Các dự án đang triển khai là: lập trường đào tạo dạy nghề, xây dựng KCN thuộc da và xây dựng KCN sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt - da - may.

Chương trình điện tử: Giá trị sản lượng hiện chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong toàn ngành. Trong những năm gần đây, mức tăng trưởng ngành này cao nhưng không bền vững. Đa phần các công ty sản xuất chỉ dừng lại ở mức gia công lắp ráp, nên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu. Ngành điện tử có kế hoạch triển khai 2 dự án (xây dựng KCN điện tử và trung tâm thiết kế sản phẩm mẫu) cùng chương trình xúc tiến đầu tư, chính sách ưu đãi (Sở KH - ĐT chủ trì) và đào tạo nguồn nhân lực.

Chương trình dệt may: Ngành này hiện chiếm tỷ trọng 13% trong toàn ngành công nghiệp của thành phố. Đây là ngành có giá trị xuất khẩu cao nhưng hiệu quả thấp vì phần lớn gia công cho nước ngoài. TP.HCM đề ra 3 dự án phát triển ngành dệt may, trong đó cấp bách nhất là thành lập Trung tâm giao dịch vật tư nguyên phụ liệu, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được địa điểm thích hợp. Sở Công nghiệp sẽ phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM triển khai dự án đào tạo nguồn nhân lực, nhất là công nhân bậc cao cho ngành dệt may.

Chương trình nhựa - cao su: Giá trị sản lượng của ngành này hiện chiếm tỷ trọng khoảng 9% trong toàn ngành công nghiệp và 80% sản lượng cả nước. Đây là ngành thế mạnh của thành phố, mà hướng tới sẽ tập trung đầu tư vào những nhóm sản phẩm nhựa - cao su công nghiệp kỹ thuật cao phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như: cơ khí, điện tử, giao thông, xây dựng và trang trí nội thất.

Sản xuất nhựa được xem là ngành công nghiệp thế mạnh của TP.HCM.

Trong năm nay, thành phố triển khai một số chương trình phát triển ngành này như: nâng cao năng lực quản lý Nhà nước ngành nhựa - cao su, phát triển sản phẩm xuất khẩu và đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố đang thực hiện dự án xây dựng cụm công nghiệp nhựa - cao su tại Đức Hòa (Long An) với diện tích 40ha, sẽ mở rộng giai đoạn hai khoảng 350ha. Hai dự án khác chuẩn bị triển khai là xây dựng nhà máy chế tạo khuôn mẫu và dự án nâng cấp Trung tâm kỹ thuật chất dẻo.

Chương trình hóa chất: Tỷ trọng của ngành hóa chất hiện chiếm khoảng 9,4% trong toàn ngành, tập trung chủ yếu vào những sản phẩm tẩy rửa và mỹ phẩm các loại, hóa chất cơ bản còn rất hạn chế. Trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai chương trình tạo vốn đầu tư công nghiệp hóa chất, trong đó ưu tiên DN hóa chất cơ bản. Thành phố cũng có kế hoạch xây dựng KCN hóa chất và dự án vùng nguyên liệu cho ngành; xây dựng trang Web ngành hóa chất và đào tạo nguồn nhân lực.

Chương trình cơ khí: Sở Công nghiệp đã có tờ trình chương trình phát triển ngành cơ khí nhưng đến nay UBND thành phố chưa phê duyệt. Trong đó, việc thành lập Trung tâm phối hợp phát triển công nghiệp cơ khí được xem là công việc trọng tâm và cấp thiết.

Theo báo cáo của các sở thì trong quá trình thực hiện những chương trình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quỹ đất, vốn, chính sách hỗ trợ DN, sự phối hợp giữa các ngành, sở chưa khăng khít và thống nhất, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng v.v... Đây chính là những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cũng như hiệu quả các chương trình, dự án.

  • Phi Long
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Được phép nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (07/04/2004)
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc: Tăng cả lượng và giá (06/04/2004)
Triển lãm Quốc tế thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may 2004 (05/04/2004)
Vietnam Airlines hủy 75 chuyến bay trong quý I (05/04/2004)
Nhà máy điện tư nhân đầu tiên chính thức hoạt động (05/04/2004)
Cơ chế đặc biệt để ngăn ngừa thiếu điện (05/04/2004)
Thêm 18 sản phẩm công nghiệp chủ lực (03/04/2004)
Cần Thơ sẽ có KCN đóng tàu lớn (02/04/2004)
Vẫn vướng hoàn trả vốn xây dựng đường điện (02/04/2004)
Cần Thơ: Thêm 4 dự án đầu tư 14 triệu USD (01/04/2004)
Vietnam Airlines thuê mua tài chính 3 máy bay mới (01/04/2004)
Thêm một khu nghỉ mát Resort 4 sao tại Hội An (01/04/2004)
Điện Biên đang ''dốc sức'' cho du lịch (27/03/2004)
Động cơ diesel và máy cày tay VN sang Sri Lanka và Panama (26/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang