(VietNamNet) - Theo Ban Quản lý các KCN-KCX TP.HCM, trong năm 2004, các KCN-KCX trên địa bàn TP cần tuyển dụng khoảng 25.000 lao động. Cơ cấu trình độ lao động cũng sẽ thay đổi theo hướng tăng số lao động có trình độ tay nghề, đặc biệt là trình độ trung cấp và tương đương bậc 3/7.
|
Trong tương lai, các KCN-KCX ở TP.HCM sẽ cần nhiều lao động có trình độ cao. |
Nhu cầu lao động sẽ tập trung vào KCX Linh Trung 2 và các KCX khác với mức tăng khoảng 5%/năm. Ngoài ra, nhu cầu lao động cũng sẽ tăng ở các KCN tuy đã lấp đầy nhưng có khả năng mở rộng, như KCN Tân Bình, Tân Tạo, Lê Minh Xuân v.v… Mặt khác, việc TP.HCM dự định mở thêm một số KCN mới sẽ khiến nhu cầu lao động tăng trong thời gian tới.
Theo Ban Quản lý, cơ cấu trình độ lao động của các KCN-KCX trong năm 2004 cũng vẫn tiếp tục mất cân đối. Lao động phổ thông vẫn chiếm đông nhất với 52,4%, kế đến là lao động có trình độ PTTH (29,3%). Trong khi đó, đối tượng mà các KCN và KCX cần nhất là lao động có trình độ trung cấp và CN tương đương bậc 3/7 chỉ chiếm 13,3%, còn lao động có trình độ cao đẳng và đại học chiếm chưa tới 5%.
Theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, công nghiệp TP.HCM sẽ phát triển theo hướng tập trung vào các ngành nghề có sử dụng hàm lượng chất xám cao và giảm dần, thậm chí dịch chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, da giày về các tỉnh khác. Vì vậy, các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP.HCM cần chuyển đổi định hướng đào tạo cho phù hợp với nhu cầu lao động của các KCN và KCX ở TP.HCM.
|