Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh cải tổ hệ thống DNNN. Tuy nhiên thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ tham gia cải tổ, thật đáng tiếc, lại là mảnh đất tốt cho nạn tham nhũng và hoạt động phi pháp hoành hành.
|
DNNN trở nên tụt hậu cho dù đã từng là rường cột của nền kinh tế TQ. |
Kinh tế Trung Quốc phát triển siêu tốc, công cuộc cải cách kinh tế càng được đẩy mạnh nhằm kìm bớt đà tăng trưởng và mấy năm gần đây Bắc Kinh rất nỗ lực tăng tốc quá trình sắp xếp lại hệ thống DNNN (SOEs). Những công ty này đã từng là trụ cột, là đòn bẩy của kinh tế Trung Quốc nhưng hiện nay hầu hết lại đình đốn và hoạt động kém hiệu quả.
Sắp xếp lại, cải tổ cũng tương tự như quá trình tư nhân hóa đơn thuần. Thông thường người ta bán các DNNN này cho nhà đầu tư mới, cho ban quản lý cũ bao gồm các cán bộ Đảng - những người tâm huyết muốn cải lão DNNN và bắt chúng phải sinh lời. Tuy nhiên thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ nói trên, thật đáng tiếc, lại là mảnh đất tốt cho nạn tham nhũng và hành động phi pháp hoành hành. Nguyên nhân do họ - chứ không phải ai khác có tiếng nói quyết định trong việc bán DNNN như thế nào và bán cho ai. Và có lẽ đó mới là vấn đề cần quan tâm trước khi hy vọng quá trình đổi mới DNNN đạt được hiệu quả.
Điều này càng nổi cộm hơn ở tỉnh Giang Tây- phía Đông Trung Quốc - nơi tồn tại rất nhiều DNNN chết yểu. Nửa cuối năm nay đổi mới DNNN ở Giang Tây được tăng tốc. Nhưng song song với nó là việc lạm dụng chức quyền và những cuộc biểu tình phản đối của hàng loạt công nhân quá tuyệt vọng trước nguy cơ gia tăng.
Theo báo chí nước ngoài công nhân của Công ty Nanjing Analysis Equipment Works ngay tại thủ phủ Nam Kinh của tỉnh Giang Tây đã bắt đầu biểu tình từ hồi cuối tháng 10. Họ tụ tập ngồi trước cổng nhà máy hô khẩu hiệu và yêu sách của mình. Một số còn tố cáo các cán bộ nhà nước "nhét đầy túi tham" trong quá trình đổi mới DNNN (trong đó bao gồm cả việc cắt giảm lực lượng lao động dôi dư).
Chính phủ Trung Quốc hiện nắm giữ khoảng 9.000 DNNN chính và lên kế hoạch giảm con số này xuống 1.200 đến cuối năm 2001. Từ năm 1998 đến 2003 khoảng 24 triệu nhân viên bị cắt giảm phải đi tìm cơ may tại những trung tâm việc làm. Nửa đầu năm nay, khoảng 1,96 triệu lao động trong DNNN bị sa thải.
Liu Donghe, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Jiangsu Well-off and Modern Life Research Center trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, những nhà máy thuộc quyền sở hữu của Nhà nước được bán rẻ cho ban quản lý và không tính gì đến lợi ích của giới công nhân. Đó chính là lý do tại sao họ lại trở nên dữ dội như vậy. Và gần đây các khẩu hiệu, băng rôn phản đối của công nhân đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong đợt cơ cấu lại DNNN gần đây nhất ở Nam Kinh.
Theo giới phân tích chính trị thì đẩy mạnh quá trình cải cách DNNN đồng thời để lộ ra nhiều bất cập trong hệ thống quản lý DNNN hiện nay và đe doạ tới quyền lợi của người công nhân và tài sản quốc gia. Phó Thủ tướng Huang Ju cam kết bằng mọi cách sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách DNNN. Trong mấy năm qua ông Huang Ju vẫn trung thành với quan điểm này, cố gắng dỡ bỏ một số hạn chế và hứa hẹn sẽ phê chuẩn việc cải cách. Kết quả là rất nhiều DNNN đã trải qua phần lớn các bước cải cách và kèm theo đó là những hành động phi pháp như chính ban lãnh đạo tự định giá và mua lại.
Ngoài ra, nhiều hợp đồng mua bán dấm dúi cũng đang tồn tại làm thất thoát tài sản nhà nước. Thậm chí một số cơ quan công quyền địa phương được giao nhiệm vụ chuyển đổi DNNN còn có biểu hiện nhúng tay vào nhiều phi vụ làm ăn với những doanh nhân không đường hoàng. Theo báo cáo của China Newsweek, một công ty đầu tư ở Thâm Quyến quyết định mua lại Zhongshan Group - một trong những DNNN lớn nhất trong lĩnh vực thương mại sản xuất và bán lẻ. Công ty này đã đặt cọc 2,41 triệu USD. Nhưng chỉ 10 ngày sau họ được thông báo là việc mua bán này bị hủy bỏ do phía Zhongshan không cung cấp được một số tài liệu pháp lý cần thiết. Lời giải thích này nhanh chóng bị công ty đầu tư bác bỏ, họ còn biết chính quyền đã để cho một công ty địa phương hớt tay trên của họ, mua lại Zhongshan với giá rẻ.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, các cơ quan công quyền phải tỉnh táo trước sự xói mòn tài sản nhà nước. Đến cuối năm 2002, Giang Tây tự hào với trị giá bất động sản lên tới 77,82 tỷ USD của mình và tài sản ròng là 24,42 tỷ USD. Nếu họ không đẩy mạnh công tác giám sát và tăng tính minh bạch trong quá trình cải cách DNNN, tiền sẽ chảy vào túi những cán bộ biến chất và doanh nhân. Rõ ràng, Bắc Kinh đã nhận thấy tính phức tạp trong cải cách DNNN ở Nam Kinh và đã sẵn sàng để đối phó.
|
Những công nhân này đứng trước nguy cơ thất nghiệp cao khi quá trình cải tổ DNNN tiếp diễn thiếu kiểm soát ở TQ. |
Ủy ban hành chính và quản lý tài sản nhà nước do Quốc vụ viện thành lập đang tiến hành kiểm tra đồng loạt tất cả những DNNN được sắp xếp lại trên toàn quốc. Theo nhật báo Beijing Times Ủy ban này đặt kế hoạch lập một ban thanh tra phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giám sát và Quản lý nhà nước về Thương mại, Công nghiệp để điều tra vấn đề nhượng quyền sở hữu trong một số DNNN lớn ở Nam Kinh từ ngày 15/10.
Tuy nhiên ban thanh tra nói trên không đến theo đúng kế hoạch, một phần do Ủy ban quản lý giám sát tài sản nhà nước của tỉnh Giang Tây đưa ra đề nghị chưa từng có là được tự mình thanh tra kiểm soát. Người ta cho rằng, hành động xin được tự kiểm tra chẳng khác gì sự nhân nhượng bề ngoài mà cuối cùng chắc chắn lại là mảnh đất tốt cho tham nhũng. Vì vậy, không còn cách nào khác công nhân đành phải nối nhau rồng rắn trong các buổi biểu tình.
Trên thực tế, đề xuất sắp xếp lại DN nhà nước vì quyền lợi của người lao động được đưa ra từ cuối những năm 1990. Theo đó người lao động có thể mua đến 20% cổ phần của DN và có quyền điều hành DN trước khi dần dần mua thêm 51% cổ phần trong các năm tiếp theo để trở thành người chủ hợp pháp của DN. Nhưng đề xuất này đã bị hủy bỏ vào tháng 4/2003 ở Nam Kinh và thay vào đó là thuyết "Ba bước chuyển đổi DNNN" bao gồm: chuyển đổi hợp đồng lao động, tài sản nhà nước và chuyển đổi những trách nhiệm pháp lý của nhà nước.
Giới phê bình chỉ ra rằng, vấn đề trầm trọng nhất chính là sự thiếu minh bạch ngay trong quá trình cải tổ những DNNN tiên phong. "Cải cách DNNN nhằm đảm bảo quy tụ tài sản nhà nước, thu hút đầu tư và phát triển. Nhưng tại sao lại không bán những tài sản này với giá cao nhất thông qua các giao dịch công khai, công bằng?" một tờ tạp chí Trung Hoa trích ý kiến độc giả.
Kế hoạch "3 chuyển đổi" đang dần đi vào ngõ cụt thất bại. Trước tiên, gánh nặng đè lên vai người lao động tại các DNNN, nhiều người bị mất việc. Thứ hai, người lao động sẽ bị bần cùng hoá khi tiêu hết số tiền đền bù ít ỏi, theo đó ổn định xã hội sẽ bị đe doạ. Cuối cùng, một khối lượng lớn tài sản nhà nước "nhờ" quá trình cải tổ DNNN "được tuồn" ra ngoài do nạn tham nhũng.
Đầu những năm 1990, nước Nga tư nhân hóa ồ ạt hệ thống DNNN của mình và hậu quả là huyết mạch nền kinh tế quốc dân hiện nay rơi vào tay một số nhà tài phiệt - những người có khuynh hướng cản trở việc thực thi pháp luật. Liệu công cuộc đổi mới DNNN của Trung Quốc có đi vào lối mòn tương tự? Đây là vấn đề cấp bách mà Phó Thủ tướng Huang Ju cần xem xét thấu đáo trước khi đưa ra hướng giải quyết nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho Trung Quốc.
(Cẩm Tú - Theo AT)
|