"Kiên quyết hoàn thành kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước năm 2004 đã được phê duyệt." Đó là một kết luận quan trọng của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đối với tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.
Cũng theo Phó thủ tướng, cần căn cứ tiêu chí danh mục phân loại công ty Nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg để bổ sung, điều chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước theo hướng mở rộng diện và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
9 tháng đầu năm 2004, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Hầu hết các bộ, địa phương đã thực sự coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình. Một số văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp Nhà nước đã được ban hành.
Chín tháng qua, cả nước đã sắp xếp được 615 doanh nghiệp, đạt 42% kế hoạch năm 2004, trong đó đã cổ phần hóa 425 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kết quả đạt được tuy có khá hơn cùng kỳ năm 2003 nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra. Ngoài nguyên nhân là các địa phương có sự thay đổi cán bộ phụ trách công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước sau bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, một số cán bộ lãnh đạo địa phương vẫn còn chưa nhận thức đầy đủ về sự cấp bách phải sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nên thiếu chủ động, tập trung và kiên quyết trong chỉ đạo, một số doanh nghiệp thuộc diện phải di chuyển địa điểm theo quy hoạch đô thị nên phải tạm dừng phương án sắp xếp lại để lo di dời và phát triển sản xuất sau di dời...
Còn có thêm một nguyên nhân nữa là đến nay chúng ta bắt đầu sắp xếp tới các doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp có nhiều tồn tại kéo dài về tài chính, nên phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn mà các quy định hiện hành chưa đề cập đến.
Để thực hiện kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đã được phê duyệt trong 3 tháng cuối năm 2004, Chính phủ yêu cầu ngoài việc sớm hoàn thành thủ tục để ban hành 4 nghị định trong tháng 11/2004 thì có hướng dẫn xử lý những vấn đề sau cổ phần hóa và thực hiện Luật phá sản doanh nghiệp.
Riêng đối với việc xử lý tồn tại đối với các nhà máy sản xuất đường, Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm toán dứt điểm từng nhà máy để làm cơ sở tiến hành sắp xếp theo quy định. Kiểm toán xong nhà máy nào thì tiến hành sắp xếp ngay nhà máy đó.
Trong quý I/2005, một văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và họat động của các tổng công ty Nhà nước theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09/08/2004, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ hoàn thành và trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong 3 tháng cuối năm 2004, các đề án thí điểm liên quan đến: cổ phần hóa tổng công ty Nhà nước, hội đồng quản trị tổng công ty Nhà nước ký hợp đồng với tổng giám đốc và hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, sẽ được phê duyệt.
Trong tháng 12/2004, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng với Bộ giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của các tổng công ty Nhà nước trong ngành giao thông.
Ngoài ra các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện cổ phần hoá nhưng sau khi xác định giá trị doanh nghiệp, được xác nhận không còn vốn Nhà nước thì người quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp chủ động điều chỉnh hình thức sắp xếp theo các hình thức đấu giá, giải thể, cho phá sản. Trong quá trình sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, việc xử lý nợ tồn đọng, lao động dôi dư của doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn việc giao cho Công ty mua bán nợ những tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và kịp thời báo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc xử lý những phát sinh vướng mắc vượt quá thẩm quyền. Riêng với các tổng công ty 91 thuộc ngành kinh tế kỹ thuật quản lý thì do bộ chủ quản quyết định phương án sắp xếp lại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ đạo nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi Luật khuyến khích đầu tư trong nước theo hướng nâng tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
(Theo Thanh niên) |