Cải tổ mô hình tổng công ty nhà nước
09:16' 02/11/2004 (GMT+7)

Cách đây mươi, mười lăm năm, khi xây dựng mô hình các tổng công ty (TCty) nhà nước, Chính phủ kỳ vọng sẽ nhờ đó mà hình thành các đơn vị kinh tế lớn, tập trung, có sức mạnh về nhân lực, vốn, công nghệ, phát huy hiệu quả kinh tế, vươn lên trở thành những  tập đoàn kinh tế mạnh. Những kết quả của mô hình TCty nhà nước trong những năm qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cọ xát với cơ chế thị trường, các định chế đặt ra cho mô hình TCty dường như không còn phù hợp. Một loạt DNNN trực thuộc các TCty làm ăn không hiệu quả, đồng vốn bị thất thoát, trong cơ cấu cũng như trong cơ chế của các TCty nhà nước bộc lộ nhiều bất cập, đã và đang cần sự trợ giúp đắc lực của Nhà nước để tồn tại bởi không có khả năng tự bươn chải. Đã đến lúc cần cuộc "giải phẫu" mạnh đối với mô hình TCty nhà nước.

Doanh nghiệp yếu vì tổng công ty không mạnh

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là doanh nghiệp (DN) có thể tồn tại được" (chứ chưa phải là phát triển) - Đó là điều đã khiến các chuyên gia quốc tế thực sự bất ngờ khi họ đi tìm động cơ quan trọng nhất tác động đến những quyết định về mặt quản lý của DN trong các TCty nhà nước.

Tham vọng không thành

Cơ sở ban đầu cho việc thành lập các TCty là tập hợp các DN nhà nước (DNNN) trong cùng ngành sản xuất theo từng nhóm ngành. Mục tiêu đặt ra nhằm tăng cường tính cạnh tranh của các DN thông qua việc tạo ra sự hiệp lực cùng có lợi và đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô bằng việc tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực tài chính, công nghệ, tiếp thị và chiến lược phát triển. Tuy nhiên, một kết quả kiểm toán quốc tế vừa được công bố mới đây cho thấy, không có TCty nào trong số 9 TCty được kiểm toán đạt được mục tiêu đó. Ví dụ: Kết quả kiểm toán của TCty Lương thực miền Nam cho thấy mặc dù nhiều DN thành viên có những chức năng hoạt động giống nhau nhưng sự phối hợp hoạt động của các DN đó rất hạn chế. Ngoài khả năng hỗ trợ hoạt động tài chính nhà nước thì các văn phòng TCty cũng thiếu năng lực để có thể hỗ trợ các DN thành viên trong quản lý tài chính, chia sẻ công nghệ mới hoặc phát triển những sáng kiến tiếp cận thị trường chung.

TCTy: Không có khả năng hỗ trợ DN

DN chế biến thủy sản - gần như một nửa doanh thu là từ các hoạt động thương mại và nhập khẩu.

Cơ sở để TCty trong một số ngành đạt được tính kinh tế nhờ quy mô sẽ bị cản trở khi các DN thành viên tham gia vào các hoạt động kinh doanh không phải là mũi nhọn. Đối với các DN chế biến thuỷ sản, gần như một nửa doanh thu là từ các hoạt động thương mại và nhập khẩu. Ngay TCty Thuỷ sản cũng tập trung vào nhiều hoạt động kinh doanh khác: Xây dựng, đông lạnh, kho vận, đóng gói, sửa chữa tàu thuyền, du lịch, tài chính, dịch vụ lao động...TCty Lương thực miền Nam cũng đã chính thức được phép của Chính phủ tiến hành cả các hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất đồ đạc, giải trí, khách sạn nhà hàng, bất động sản và xây dựng. Kết quả kiểm toán quốc tế cũng chỉ ra rằng văn phòng TCty Lương thực miền Nam không đóng vai trò quan trọng đối với DN trực thuộc. Các DN thành viên của TCty độc lập trong các hoạt động thương mại, hoạt động DN và giữa các thành viên với nhau là mối quan hệ đối thủ cạnh tranh chứ không phải là hỗ trợ. Hơn nữa, văn phòng TCty thiếu các chuyên gia ngành để hỗ trợ chuyên môn cho hoạt động sản xuất và cập nhật những công nghệ mới, tập quán quốc tế tốt nhất cho DN thành viên của mình.

Đối với ngành giấy, năng lực chuyên môn của cán bộ văn phòng TCty còn hạn chế, do đó không hỗ trợ có hiệu quả cho các DNNN thành viên trong việc quản lý tập trung các nhà máy một cách hiệu quả, bán hàng, tiếp thị, cung cấp gỗ nguyên liệu, đề xuất dự án và kiểm soát tài chính. Ngành dệt cũng gặp phải vấn đề tương tự: TCty không tạo ra được giá trị vật chất cụ thể cho hoạt động kinh doanh của các DNNN thành viên.

Báo cáo của Cty kiểm toán Ernst & Young về TCty Ximăng cũng đưa ra kết luận rằng, TCty không có nhiều hỗ trợ để làm tăng khả năng tồn tại thương mại của các DNNN thành viên dưới vai trò cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng, kiểm soát tình hình tài chính của toàn TCty cũng như tìm kiếm thị trường...

Cty mẹ-con: Mô hình "cứu cánh"?

Thật bất ngờ, các báo cáo kiểm toán đã đưa ra kết luận:TCty sẽ có thể hỗ trợ được nhiều hơn cho các DN thành viên nếu được tái cấu trúc theo mô hình công ty mẹ con. Trong đó, việc xác định chức năng và mục tiêu kinh doanh phải rõ ràng nhằm hướng tới việc đạt được lợi thế nhờ quy mô. Tuy nhiên, điều này cũng chưa  đủ để đảm bảo rằng DNNN có thể khai thác tối đa tiềm năng thực sự của mình. Việc xây dựng một cơ chế hiệu quả và minh bạch để trao quyền và dẫn dắt DN theo mô hình Cty mẹ-con cho những cán bộ quản lý có năng lực là vô cùng quan trọng. Các chuyên gia  cũng chỉ ra rằng, những nhà quản lý xuất sắc chính là đội ngũ cán bộ của các DNNN thành viên hơn là nhân sự của văn phòng TCty. DN cũng có thể tuyển nhân sự từ những ngành khác, nơi giám đốc DNNN tận tâm và có khả năng chèo chống DN vượt qua những bất lợi để tồn tại. Phát hiện cơ bản của những cuộc kiểm toán gần đây là cơ cấu của các TCty hiện tại chưa hiệu quả, do đó đã góp phần tạo nên sự yếu kém trong hoạt động của các DNNN.

 

Nhận xét: Sự biến động về lợi nhuận gộp giữa các ngành được thể hiện ở cột thứ nhất. So sánh hoạt động của ngành caosu và ximăng cho thấy cả 2 đều có mức lợi nhuận gộp tương đối cao so với DN thuộc những ngành khác. Hoạt động của các Cty ximăng nếu xem xét tỉ suất lợi nhuận trên tài sản và lợi  nhuận trên vốn chủ sở hữu là rất khả quan. Điều này có thể do lãnh đạo các Cty ximăng đã thực hiện công việc của mình tốt hơn, cũng có thể do nhiều nhân tố khác đã không cho phép các DN caosu hoạt động đạt hiệu quả tương tự. H.PH 

Kết quả tài chính DN theo ngành 

 

 Tỉ suất lãi gộp

Tỉ suất lợi nhuận trên tài sản 

Tỉ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu 

Giấy
Thép
Ximăng
Lương thực
Cao su
Mía đường
Thuỷ sản
Dệt may
Cảng biển 

13,2%
7,1%
27,4%
11,3%
29%
1,5%
3,4%
10,3%
23,2%

 1,8%
3,1%
13,9%
4,0%
8,3%
-2,6%
1,4%
4%
4,3%

 3,5%
6,0%
22,5%
14,3%
9,9%
-17,5%
7,4%
5,7%
5,8%

Nguồn: Báo cáo kiểm toán chẩn đoán DNNN, 2004

"Lịch sử" tổng công ty

Ngày 7.3.1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/TTg về việc tiến hành sắp xếp, thành lập và đăng ký lại các liên hiệp xí nghiệp, tổng Cty (Tổng Cty 90). Cùng ngày 7.3.1994 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 91/TTg về thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh. Theo Luật DN nhà nước quy định: Tổng Cty nhà nước được thành lập và hoạt động trên cơ sở liên kết của nhiều đơn vị thành viên có mối quan hệ gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, cung ứng, tiêu thụ, dịch vụ, thông tin....

Về vốn, Tổng Cty 90 có mức vốn điều lệ thấp nhất là 500 tỉ đồng; Tổng Cty 91 có vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng. Đến cuối tháng 2.2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập 17 Tổng Cty 91, và ủy quyền cho các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tổng Cty 90. Trong lĩnh vực công nghiệp có 7 Tổng Cty 91 và 12 Tổng Cty 90; lĩnh vực nông nghiệp có 4 Tổng Cty 91 và 14 Tổng Cty 90; lĩnh vực giao thông vận tải có 2 Tổng Cty 91 và 12 Tổng Cty 90; Xây dựng có 1 Tổng Cty 91 và 11 Tổng Cty 90; Thuỷ sản có 3 Tổng Cty 90; Tài chính có 1 Tổng Cty 90; Ngân hàng có 5 Tổng Cty 90; Y tế có 2 Tổng Cty 90, Bưu chính Viễn thông có 1 Tổng Cty 91; Dầu khí có 1 Tổng Cty 91; Hàng không có 1 Tổng Cty 91; Văn hoá Thông tin có 1 Tổng Cty 90; Các địa phương có 9 Tổng Cty 90. Các Tổng Cty nhà nước có 1.392 DN thành viên hạch toán độc lập, chiếm 24% Tổng số DN cả nước nắm giữ 66% về vốn, 61 % về lao động. Riêng 17 Tổng Cty 91 có 532 DN thành viên chiếm 9% số lượng DN nhà nước, 56% tổng vốn kinh doanh và 35% lao động.  Nguồn: Ban Đổi mới doanh nghiệp Trung ương 

 (Theo Lao Động)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bộ Công nghiệp tăng tốc cổ phần hóa (01/11/2004)
CPH ở Cần Thơ chậm vì giám đốc sợ mất quyền lợi (29/10/2004)
Kiên quyết không để CPH khép kín (26/10/2004)
Cải cách DNNN: Động lực cần đặt vào bên trong (22/10/2004)
Vất vả cổ phần hóa DN thua lỗ (21/10/2004)
Cổ phần hóa khép kín? (20/10/2004)
Cổ phần hóa May 10: Nhà nước giữ 51% cổ phần (08/10/2004)
Cổ phần hóa - bước tiến hình thành Tập đoàn BCVT (03/10/2004)
CPH hàng loạt các nhà máy nhựa (30/09/2004)
Hà Nội gỡ rối, đẩy nhanh cổ phần hóa (30/09/2004)
"Cổ đông Nhà nước tham gia HĐQT là vấn đề đạo lý" (28/09/2004)
Kiểm tra quá trình cổ phần hóa MTS (24/09/2004)
Được đưa nợ vào phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa? (23/09/2004)
DN Nhà nước: Nợ cao gấp 1,5 lần vốn (22/09/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang