Cổ phần hóa khép kín?
08:32' 20/10/2004 (GMT+7)

Giám đốc một công ty chuyên về đầu tư tài chính cho biết, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng giới kinh doanh đầu tư cổ phiếu vẫn còn khó khăn lắm mới với tay vào được các cổ phần của DNNN. Tại sao vậy?

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.

Theo bản phân tích về thị trường đầu tư cổ phần của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), vẫn còn tồn tại tình trạng cổ phần hóa kiểu nội bộ, hay cổ phần hóa kiểu khép kín. Báo cáo của VAFI cho thấy, có một số công ty kinh doanh hiệu quả, vốn điều lệ lớn và đủ điều kiện niêm yết thị trường chứng khoán thì lại được cổ phần hóa nội bộ 100%.

Trường hợp của Công ty CP Nhựa Bình Minh là một ví dụ. Vốn điều lệ 107,18 tỷ đồng, nhưng cổ phần nhà nước nắm giữ đến 64,6%. Công ty CP Bia Thanh Hóa vốn điều lệ 57,5 tỷ đồng, cổ phần nhà nước chiếm đến 83,3%. Các công ty này không có cổ phần bán ra bên ngoài trong khi tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ lại quá cao! Hoặc một số công ty làm ăn hiệu quả, vốn điều lệ lớn được giới đầu tư đánh giá cao thì lại bán cổ phần ra ngoài quá thấp.

Công ty Pin Ắc quy miền Nam vốn điều lệ 102,63 tỷ đồng nhưng tỷ lệ bán ra ngoài chỉ có 9,85% trên vốn điều lệ. Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông vốn điều lệ 79,15 tỷ đồng nhưng tỷ lệ bán ra ngoài chỉ có 8,09% trên vốn điều lệ. Không ít các nhà đầu tư tài chính thắc mắc: Tại sao những công ty cổ phần này đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, nếu chiếu theo Nghị định 64/2002/NĐ-CP thì lẽ ra các cơ quan phê duyệt phương án bán cổ phần nên khuyến khích đơn vị thực hiện bán ra 15%-20% vốn điều lệ ra bên ngoài như quy định, nhưng thực tế mức bán ra chưa tới 10%?

Mua cổ phần đã khó, cách thức tổ chức bán đấu giá còn rất hình thức và đã làm nản lòng nhà đầu tư. Mới đây, VAFI đã có văn bản gửi đến Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Bộ Công nghiệp về trường hợp đấu giá cổ phần của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Thông báo bán cổ phần đăng trên báo ngày 15-5-2004, đến 18-5 bắt đầu nhận đăng ký cổ phần và thời gian đăng ký kéo dài có 2 ngày đã… khóa sổ. Ngày 24-5 mở thầu nhưng 2 ngày 22 và 23-5 là thứ bảy, chủ nhật nên các nhà đầu tư còn quá ít thời gian để tìm hiểu và ra quyết định đầu tư. Bản công bố thông tin cho nhà đầu tư quá sơ sài. Thông tin quan trọng nhất là về tài chính và tài sản của DN chỉ có mấy dòng, không có số liệu năm 2003. Có nhà đầu tư liên hệ với DN để xin cung cấp thêm thông tin thì được trả lời là phải đăng ký mua cổ phần và đặt cọc tiền thì mới cung cấp. Với
tình trạng thiếu thông tin thì ai dám mạo hiểm bỏ tiền để đi đấu giá?

Trở lại trường hợp Công ty Pin Ắc quy miền Nam, Dự thảo điều lệ và điều lệ chính thức quy định tại Điểm 3 Điều 7 yêu cầu: Cổ phần phổ thông của các cổ đông trong công ty (trừ cổ phần của thành viên HĐQT, cổ phần ưu đãi) chỉ được chuyển nhượng sau 1 năm hoạt động. Trong năm đầu tiên, nếu có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần phải trình báo HĐQT để thông báo bán ưu tiên trong nội bộ công ty. Trường hợp không thỏa thuận được thì mới chuyển nhượng cho các đối tượng bên ngoài…

Theo VAFI, quy định này hoàn toàn sai với Điều 51 của Luật DN, cho phép cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần (trừ vài trường hợp đặc biệt có quy định rõ trong luật). Cách làm này sẽ cản trở các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần cũng như giảm bớt sức cầu về mua cổ phần, bởi nhà đầu tư bỏ một số tiền lớn nhưng lại không có quyền định đoạt tài sản của mình trong năm đầu. Theo VAFI, đây cũng là hình thức CPH mang tính chất khép kín, không tạo điều kiện cho cạnh tranh về giá bán.

Thử làm một so sánh, Công ty CP Kinh Đô miền Bắc trước khi đưa ra bán đấu giá cổ phần, thông tin đã được loan khắp các mặt báo trước cả tháng. Các nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin, kế hoạch phát triển, vốn liếng, tình hình tăng trưởng, lợi nhuận, doanh thu… qua môi giới công ty trung gian tại cả 2 đầu TPHCM và Hà Nội. Cuộc đấu giá cổ phần được tổ chức cùng lúc ở cả 2 đầu thành phố và nối mạng trực tiếp. Kết quả, cổ phần của công ty này đạt mức bỏ thầu cao nhất từ trước đến nay: 351.000đ/cổ phần và mang lại giá trị gia tăng thêm 14,5 tỷ đồng sau khi đấu thầu.

Suy cho cùng, cung cách CPH kiểu nội bộ, khép kín chẳng mang lại lợi ích gì cho nhà nước, cho bản thân công ty đang thực hiện cổ phần và làm nản lòng giới kinh doanh đầu tư tài chính. Đó là chưa kể, mục tiêu CPH để thay đổi cung cách quản lý, tạo động lực tăng trưởng cũng bị hiểu sai lệch. Vì vậy, sự rõ ràng, công khai mọi thông tin không chỉ là giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, đây cũng là giải pháp để cải thiện môi trường của tiến trình CPH.

(Theo SGGP)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cổ phần hóa May 10: Nhà nước giữ 51% cổ phần (08/10/2004)
Cổ phần hóa - bước tiến hình thành Tập đoàn BCVT (03/10/2004)
CPH hàng loạt các nhà máy nhựa (30/09/2004)
Hà Nội gỡ rối, đẩy nhanh cổ phần hóa (30/09/2004)
"Cổ đông Nhà nước tham gia HĐQT là vấn đề đạo lý" (28/09/2004)
Kiểm tra quá trình cổ phần hóa MTS (24/09/2004)
Được đưa nợ vào phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa? (23/09/2004)
DN Nhà nước: Nợ cao gấp 1,5 lần vốn (22/09/2004)
TP.HCM tăng DN lẫn qui mô vốn CPH (20/09/2004)
Sẽ cổ phần hóa Vinaphone và MobiFone (15/09/2004)
Cải cách DN nhà nước: Nhìn lại và suy ngẫm (10/09/2004)