Cổ phần hóa - bước tiến hình thành Tập đoàn BCVT
07:31' 03/10/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tháng 1/2006, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ chính thức ra mắt. Cổ phần hóa (CPH) các DN thành viên Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) là bước chuẩn bị tiến tới hình thành tập đoàn BCVT.

Soạn: AM 153380 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Dây chuyền sản xuất tự động sản phẩm BCVT thuộc VNPT. Ảnh Hoàng Hùng

Với 64 bưu điện tỉnh, thành phố và hàng chục công ty thành viên, VNPT đã xây dựng phương án đổi mới DN, chuyển sang mô hình tập đoàn kinh tế và sẽ thực hiện từng bước theo lộ trình đã định, trong đó có việc tiếp tục thực hiện CPH.

Từ việc hình thành mô hình kinh tế mới

Trưởng ban tổ chức - cán bộ - lao động của VNPT Nguyễn Xuân Hảo cho biết, mô hình tập đoàn kinh tế là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ ở nước ta. Vì vậy, hệ thống văn bản pháp lý áp dụng cho mô hình này về cơ bản vẫn chưa được xây dựng. Thời điểm ban đầu, công tác CPH của VNPT gặp không ít khó khăn. CBCNV thường có tâm lý e ngại khi chuyển sang công ty cổ phần sẽ bị mất quyền lợi. Lãnh đạo các đơn vị lo mất thị trường đặc thù (thị trường trong tổng công ty).

Quá trình đánh giá lại tài sản DN là khâu khó khăn nhất; đặc biệt  là đất đai và tài sản cố định. Để giải quyết vướng mắc này, VNPT đã hướng dẫn các đơn vị thành viên vừa thực hiện theo đúng quy chế tài chính vừa phải đảm bảo quyền lợi cho DN và người lao động nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị này phát triển. Tài sản vô hình của DN (mà chủ yếu là lợi thế DN) được tính toán dựa trên tỷ suất lợi nhuận trên vốn trong 3 năm gần nhất. Một số trường hợp công nợ do chưa đầy đủ về chứng từ; một số tỉnh, thành phố chia tách theo địa giới hành chính mới trong khi hồ sơ công trình chưa đầy đủ nên không quyết toán được đã khiến cho bước lành mạnh hoá tài chính các DN trong diện CPH gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Tổng công ty đã đồng ý hoặc cho giảm vốn Nhà nước khi đánh giá lại tài sản DN hoặc chuyển những khoản công nợ đó về cho Tổng công ty giải quyết để bảo toàn vốn cho DN.

Trên thực tế, sau khi tiến hành CPH, tất cả các đơn vị này đều hoạt động hiệu quả hơn. Thị trường trong Tổng công ty vẫn được giữ như trước. Cổ phiếu của các DN này được các đơn vị trong và ngoài VNPT mua đã tạo các mối liên kết chéo và mở ra nhiều cơ hội làm ăn mới.

Bên cạnh đó, khi chuyển sang công ty cổ phần, các đơn vị này không chịu sự chi phối của luật DN nhà nước mà hoạt động theo Luật DN đã tạo sự chủ động hơn khi sử dụng vốn và mở rộng nhiều hình thức kinh doanh. Bước đầu, các DN không những bảo toàn vốn mà còn phát triển mạnh. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn luôn ở mức cao (trên 50%). Tỷ lệ chia cổ tức cho cổ đông từ 15% trở lên (SACOM, CT-IN, HASISCO...). Lao động không chỉ được sử dụng tối đa mà còn phải tuyển dụng thêm để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của DN.

20 DN đã tiến hành CPH

VNPT hiện đang phấn đấu đẩy nhanh công tác CPH các đơn vị thành viên. Đến hết quý I năm 2004, VNPT đã có quyết định CPH 37 đơn vị và thực hiện CPH xong 12 đơn vị, 3 đơn vị đã đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán (SACOM, VTC, và Công ty cổ phần Xây lắp trực thuộc Bưu điện Hà Nội). Những DN này là các đơn vị hạch toán độc lập hoặc có khả năng hạch toán độc lập, một số là đơn vị trực thuộc của các đơn vị thành viên Tổng công ty (các đơn vị tư vấn, xây lắp trực thuộc các bưu điện tỉnh).

Đến thời điểm này, đã CPH xong 20 DN, trong tổng số 37 DN. Và hết năm 2004, sẽ tiến hành CPH số DN còn lại (thuộc khối thương mại, du lịch, xây lắp, công nghiệp và tư vấn). Hiện tại, Tổng công ty cũng đang trình lên Bộ xin được tiếp tục CPH các DN thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ CNTT - viễn thông, trước mắt, 5 công ty tiếp theo là: Công ty Thông tin di động VMS, Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, Công ty Viễn thông Hà Nội, Công ty Viễn thông Sài Gòn và Trung tâm tin học Hà Nội.

Lãnh đạo VNPT cũng cho biết, đến đầu năm 2005, sẽ tiến hành CPH hai công ty chủ quản mạng MobiFone và VinaPhone. Hiện, khi trả lời về vấn đề CPH công ty mình, lãnh đạo VMS - đơn vị chủ quản mạng MobiFone cho hay, VMS đang chờ có quyết định của Tổng công ty để được CPH. Để chuẩn bị, VMS cũng đang có dự định sẽ thuê một công ty tài chính nước ngoài để đánh giá giá trị DN.  

Đồng thời, VNPT cũng đang tích cực chuẩn bị để đổi mới tổ chức, một số đơn vị sẽ chuyển sang hình thức công ty TNHH một thành viên. Tại một số tỉnh mới chia tách, Tổng công ty đang áp dụng thử nghiệm tách riêng và tiến tới hạch toán độc lập giữa bưu chính và viễn thông. Đây cũng là một trong hai Tổng Công ty 91 đầu tiên trình lên Chính phủ phương án đổi mới DN, thành lập tập đoàn kinh tế. Thực hiện mô hình này, VNPT sẽ có những bước đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và quản lý, tách Bưu chính khỏi Viễn thông, chuyển từ Tổng công ty với các đơn vị thành viên chủ yếu hạch toán phụ thuộc sang mô hình công ty mẹ - công ty con cùng với chuyển từ cơ chế cấp vốn sang đầu tư vốn.

Và đến cuối năm nay, tức tháng 12, sẽ hoàn thành CPH các công ty mà Nhà nước nắm cổ phần thường. Dự kiến, ngoài kinh doanh hai dịch vụ truyền thống là Bưu chính và Viễn thông, tập đoàn này sẽ mở rộng hơn dịch vụ kinh doanh tài chính, du lịch, giải trí và đẩy mạnh sản xuất các thiết bị công nghiệp viễn thông. Trong năm 2005, dự kiến trước tháng 6/2005 sẽ hoàn thành CPH các công ty mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 50% và chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên hai đơn vị: Công ty Tài chính Bưu điện và Công ty In tem Bưu điện. 

  • Hoàng Hùng
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
CPH hàng loạt các nhà máy nhựa (30/09/2004)
Hà Nội gỡ rối, đẩy nhanh cổ phần hóa (30/09/2004)
"Cổ đông Nhà nước tham gia HĐQT là vấn đề đạo lý" (28/09/2004)
Kiểm tra quá trình cổ phần hóa MTS (24/09/2004)
Được đưa nợ vào phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa? (23/09/2004)
DN Nhà nước: Nợ cao gấp 1,5 lần vốn (22/09/2004)
TP.HCM tăng DN lẫn qui mô vốn CPH (20/09/2004)
Sẽ cổ phần hóa Vinaphone và MobiFone (15/09/2004)
Cải cách DN nhà nước: Nhìn lại và suy ngẫm (10/09/2004)