"Cổ đông Nhà nước tham gia HĐQT là vấn đề đạo lý"
06:56' 28/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) -  Trong khi các cơ quan chức năng đang tổ chức kiểm tra công ty trang thiết bị ytế (MTS) TP.HCM, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Soạn: AM 150856 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ông Nguyễn Thế Dũng. Ảnh: Ngọc Hương.

- Thưa Giám đốc, ông có thể cho biết những căn cứ để làm rõ thêm về việc ông đã cho rằng, MTS có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực?

- Như trước đây trong họp báo tôi đã nói, tôi thấy ở đây có dấu hiệu vi phạm pháp lệnh chống tham nhũng. Về việc anh em có làm gì không tôi không hiểu, chứ còn về đất thì tôi chỉ đặt vấn đề thôi, đặt vấn đề là giá thấp. Thấp là thế này: Nếu để cho Nhà nước cùng làm ( tham gia hội đồng quản trị - NV), thì mức định giá đó là Nhà nước ủng hộ DN cổ phần hóa. Nhưng đằng này, DN cứ bằng bất cứ mọi giá để đẩy bật Nhà nước ra, thì giá đó là giá quá thấp.

Khi CPH, Nhà nước tạo điều kiện bằng cách định giá theo kiểu của Nhà nước để DN làm. Nhưng sau đó DN kiến nghị bán luôn phần vốn 20% của Nhà nước, thì tôi phải tính lại. Thực ra tôi lấy làm lạ là tôi có nói giá trị tài sản đó 30 tỷ bao giờ đâu. Nói như vậy hóa ra tôi lại đánh thấp giá trị tài sản Nhà nước, mà có khi hơn nữa, biết đâu 50 tỷ không chừng? Nhưng đó là đặt vấn đề bán quyền sử dụng đất kìa, chứ còn ở đây DN vẫn thuê mặt bằng, tôi vẫn biết.

 Với việc đòi bán luôn 20% vốn của Nhà nước, buộc tôi phải suy nghĩ: Nếu bán đấu giá vốn Nhà nước thì ai mua? Khó có tư nhân nào tham gia đấu giá được ngoài nhóm những người đang khuynh đảo ở đây. Những người đó rất ít nhưng mua số cổ phần rất lớn, sẽ chiếm ưu thế. Chắc chắn nhng người nắm cổ phần chi phối này, sẽ tạo thuận lợi cho người nào họ muốn nhất được mua, hoặc chính họ mua không chừng. Vậy thì việc đấu giá đó vẫn bị kìm giá, tư nhân sẽ mua với giá rất rẻ. Nếu Sở Y tế giữ 20% vốn thì không vấn đề gì. Sở Y tế chỉ kiến nghị 2 vấn đề: một là giữ lại 20% vốn Nhà nước, hai là thanh tra.

- Nhưng cho đến lúc đại hội đồng cổ đông sáng lập công ty, Nhà nước vẫn giữ 20% vốn điều lệ đấy thôi?

-Tôi đã rất ủng hộ anh Phúc. Nhưng DN cứ quyết tâm đẩy Nhà nước ra ( cổ đông nhà nước không được bầu vào hội đồng quản trị - NV). Hồi đó còn anh Mai Quốc Bình (Phó Chủ tịch UBNDTP.HCM), anh Bình có nói: DN chơi cái gì kỳ vậy? Nhà nước có 20%, cũng phải được 1 người chứ?

- Nhưng việc bầu người vào HĐQT hay không là do đại hội đồng cổ đông?

- Tôi nói ở đây là nói vấn đề đạo lý đó. Luật thì rõ ràng phải tuân theo. Luật ngày càng phát triển, và có nghĩa là Luật vẫn còn những chỗ trống. Vấn đề là nói chuyện đạo lý để cùng nhau nghe: ví dụ 6 người cùng bỏ vốn ra, mà đẩy người có vốn nhiều nhất ra, chơi vậy có đẹp không? Mà Nhà nước định giá thấp là để làm gì? Là để ủng hộ DN mà!

Về Luật thì tôi hiểu chứ, nhưng tôi nói về đạo lý để thuyết phục anh Phúc. Anh Phúc không nghe, nên có ý kiến cho rằng tôi sai thì tôi vẫn nói: có dấu hiệu vi phạm pháp lệnh chống tham nhũng ở đây.

- Nhưng việc định giá ở đây đều căn cứ vào quy định của Nhà nước, cụ thể là bảng giá theo quyết định 5184 của UBND thành phố?

- Cái mà Nhà nước định giá đó là ủng hộ DN. Khối DN xét ra thấy sao rẻ dữ vậy, lại quay sang đổ lỗi cho những người làm công tác định giá. Tôi đồng ý với anh, là hồi đó chính bác sĩ Cẩm cũng ký vào biên bản định giá, nhưng mà là để ủng hộ DN.

Soạn: AM 153869 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Công ty MTS, nơi đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông sáng lập, vẫn không hoạt động được.

- Nhưng kể cả dù DN không có vốn Nhà nước, vẫn được xác định giá trị theo phương pháp định giá này? Và về mặt bằng, DN vẫn phải thuê, chứ không thể tính theo cách của ông?

- Nên mới nói là Nhà nước ủng hộ DN! Tôi rất ủng hộ CPH, ủng hộ anh Phúc vào HĐQT. Nhưng vì anh Phúc làm quá, thì các Sở tham mưu mới đề nghị cắt anh ấy ra, chứ không phải Sở Y tế cắt. Anh biết tôi kiến nghị như thế nào không? Tôi kiến nghị, nếu bán hết 20% vốn Nhà nước thì lấy đất lại hết, rồi DN làm gì thì làm. Vì tài sản quá lớn mà!

Nếu chỉ là một công dân thôi, tôi cũng đã bất bình, tôi sẽ kiện Sở Y tế. Tôi cảm nhận công việc cổ phần hóa này quá phức tạp, quá là dích dắc. Một sự vận động gì đó, tôi nhìn qua là thấy bất thường. Có trường hợp nào, vốn 20% lại không vô HĐQT mà không lạ? Sao báo chí không thấy cái lạ đó giùm tôi? Sao báo chí không thấy tài sản Nhà nước đang bị người ta tính toán như thế? Chỉ đứng ở góc độ một công dân, anh có thấy bất bình không? Tôi vẫn được học rằng, Pháp lệnh vẫn cao hơn Nghị định. Nhưng tôi vẫn muốn nói đạo lý trước, vì đạo lý là cái rất cơ bản trong đời sống con người.

- Mặc dù không vào HĐQT, nhưng đến giờ chót, vốn Nhà nước vẫn giữ nguyên và Sở Y tế vẫn có người quản lý vốn, vẫn là cổ đông, tham gia biểu quyết các vấn đề của DN?

- Nếu biết trước sẽ như thế này, thì tôi đã có những cách quyết liệt từ đầu, sẽ không đề nghị anh Phúc vào HĐQT.

Tại sao tôi phát hiện vi phạm pháp lệnh chống tham nhũng? Việc anh Phúc mua nhiều cổ phần cũng khuyến khích thôi, anh ấy sẽ gắn bó với DN. Nhưng khi sở đề nghị thế này thì anh Phúc lại làm thế nọ. Anh em mới bảo xem có vấn đề gì không. Nên sau đó mới tính toán lại, chia tỷ lệ mua bán cổ phần như thế nào, thì mới phát hiện tỷ lệ của người trung bình chỉ có 500 phiếu (cổ phần), còn anh Phúc tới trên 2.000 cổ phần.

- Nghị định 64 quy định, không hạn chế số lượng khi mua cổ phần lần đầu, và người mua cao vẫn được tham gia vào HĐQT?

- Các anh dựa vào Nghị định, nhưng tôi dựa vào Pháp lệnh. Ban đầu tôi có hỏi Ban Đổi mới Quản lý DN, thì Ban cũng nói là mua cao vẫn được. Nhưng khi chia ra theo pháp lệnh thì trúng y chóc! Vì anh Phúc dùng Luật với mình, khiến anh em bức xúc, chứ nếu dùng tình cảm thì ổn rồi. Tôi đã nói hết tình hết nghĩa với anh Phúc, nhưng anh ấy vẫn không nghe.

Tôi muốn nói rằng, báo chí bây giờ đứng trên quan điểm nào để viết, báo chí không ủng hộ Sở Y tế thì tùy thôi. Tôi cũng thấy Sở Y tế bị "bắt giò" vì vi phạm luật gì đó, cũng tùy chứ không biết nói  làm sao. Còn lẽ ra trong trường hợp này, Ban Đổi mới Quản lý DN thành thạo nhất, có thể tham mưu cho Ủy ban, để giúp ngành y tế thực hiện cổ phần hóa là tốt nhất.

  • Đặng Vỹ thực hiện

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Kiểm tra quá trình cổ phần hóa MTS
Có tham nhũng trong cổ phần hóa MTS?
CÁC TIN KHÁC:
Kiểm tra quá trình cổ phần hóa MTS (24/09/2004)
Được đưa nợ vào phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa? (23/09/2004)
DN Nhà nước: Nợ cao gấp 1,5 lần vốn (22/09/2004)
TP.HCM tăng DN lẫn qui mô vốn CPH (20/09/2004)
Sẽ cổ phần hóa Vinaphone và MobiFone (15/09/2004)
Cải cách DN nhà nước: Nhìn lại và suy ngẫm (10/09/2004)