Cải cách DN nhà nước: Nhìn lại và suy ngẫm
06:04' 10/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mà ta thường gọi là “đổi mới và sắp xếp lại”, luôn là yếu tố cơ bản cấu thành của quá trình chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Nước ta không phải là ngoại lệ, và có thể chia cải cách DN nhà nước ở nước ta thành 3 giai đoạn.

Tự chủ DN mâu thuẫn với kiểm soát Nhà nước

Giai đoạn đầu kết thúc vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là mở rộng, nâng cao quyền tự chủ kinh doanh cho các DN. Quyền tự chủ được mở rộng từng bước, từng phần (cơ chế kế hoạch 3 phần) đến toàn phần (cơ chế tính đúng, tính đủ chi phí và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa).

Tổng công ty Dệt may đang lên kế hoạch cổ phần hóa nhiều công ty.

 Kết quả thu được: hiệu quả kinh doanh của DN nhà nước nói chung có được cải thiện hơn trước; giải thể, phá sản được hàng nghìn DN yếu kém không thể tiếp tục tồn tại khi bao cấp, bảo hộ của Nhà nước đã cắt giảm đáng kể; số lượng DN nhà nước nhờ đó đã giảm từ khoảng 12.000 xuống còn khoảng 6.000 vào năm 1992; các liên hiệp xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, những cơ quan có tính hành chính trung gian, không còn cần thiết, đã bị xóa bỏ.  

Tuy vậy, kết quả của giai đoạn này bộc lộ một số vấn đề và mâu thuẫn. Đó là yêu cầu tiếp tục mở rộng quyền tự chủ kinh doanh của DN và quyền kiểm soát của Nhà nước. Việc mở rộng thêm quyền tự chủ kinh doanh cho DN  có nguy cơ tỷ lệ nghịch với quyền kiểm soát của Nhà nước đối với DN, bởi 6.000 DN độc lập có lẻ vẫn là con số quá lớn đối với khả năng quản lý của bộ máy nhà nước.  

Ở bên ngoài, vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, mô hình phát triển kinh tế Đông Á đang có ảnh hưởng và uy tín lớn. Nước ta cũng bị cuốn hút và chịu tác động không nhỏ của mô hình đó. Mô hình tập đoàn kinh tế mạnh theo kiểu Chaebol của Hàn Quốc, hay công ty thương mại tổng hợp của Nhật bản đã trở thành mục tiêu hướng tới trong cải cách DN nhà nước đối với Việt Nam.  

Yêu cầu nội tại từ bên trong kết hợp với ảnh hưởng mạnh từ mô hình phát triển ở khu vực, có lẽ là những yếu tố chi phối nội dung cải cách DN nhà nước giai đoạn từ 1992 đến hết thế kỷ XX.

Đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là thành lập, củng cố và cải thiện hoạt động của các tổng công ty, với hy vọng sớm trở thành các tập đoàn kinh tế mạnh, làm trụ cột cho năng lực cạnh tranh và phát triển nền kinh tế đất nước. Đồng thời, có những cố gắng thử nghiệm đưa các yếu tố mô hình công ty hiện đại áp dụng vào DN nhà nước.

Nhiều DN thủy sản đang lo số lao động dôi dư khi cổ phần hóa.

Việc thí điểm trong một thời hạn không lâu gần 20 Tổng Công ty 91 và hơn 70 Tổng Công ty 90 là những ví dụ.  Tuy vậy, sau hơn 10 năm tồn tại, mô hình tổng công ty đã chứng tỏ là không phù hợp; vẫn không giải quyết được mâu thuẫn giữa mở rộng hơn nữa quyền tự chủ kinh doanh cho DN và nâng cao hiệu quả quyền giám sát của Nhà nước; vẫn chưa tách bạch được quyền kinh doanh ra khỏi quyền quản lý nhà nước.  

Các tổng công ty về cơ bản không  nâng cao được hiệu quả kinh doanh của DN nhà nước; không trở thành “thế lực” nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà trái lại, tạo nên những nhóm độc quyền và lợi ích cục bộ trong nền kinh tế.  

Quản trị DN: chưa thay đổi về chất

Từ năm 1998, cải cách DN nhà nước lại thêm bước chuyển mới và chia thành “hai hướng”. Các DN nhà nước được phân loại theo quy mô, ngành, nghề kinh doanh và mức độ hiệu quả. Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% sở hữu đối với các DN có quy mô vừa và lớn, các DN hoạt động trong những ngành, nghề và địa bàn quan trọng, kinh doanh có hiệu quả. Đối với những DN này, thì “sắp xếp lại, đổi mới quản lý” là giải pháp chính sách chủ yếu để nâng cao hiệu quả, là hướng thứ nhất. Và hướng thứ hai, các DN nhỏ, kinh doanh thua lỗ kéo dài không thể khắc phục được thì thực hiện chuyển đổi sở hữu thông qua cổ phần hóa, giao, bán, khoán và cho thuê.v.v...

Cũng cần nói thêm rằng về chủ trương, phạm vi áp dụng của hướng 2 (chuyển đổi sở hữu) đang ngày càng được mở rộng về quy mô, ngành, nghề và mức độ hiệu quả. Hiện nay, các DN với số vốn điều lệ lên đến 20 tỷ đồng cũng là đối tượng cổ phần hóa; cổ phần hóa áp dụng cả với DN kinh doanh có hiệu quả.v.v...

Đánh giá chung cho rằng, ở hướng thứ hai, đối với các DN chuyển đổi sở hữu thì tiến trình cổ phần hóa tiến hành chậm hơn nhiều so với kế hoạch.

Đến nay, cả nước đã cổ phần hóa được 1.557 DN (trong đó, các DN thuộc tỉnh quản lý chiếm 74%, các DN thuộc Tổng Công ty 90 chiếm 20%, và 6% còn lại là các DN thuộc Tổng Công ty 91). Số vốn DN cổ phần hóa chỉ chiếm 6% tổng số vốn sở hữu của toàn bộ DN nhà nước. Nếu trừ đi 38% cổ phần hiện Nhà nước vẫn còn nắm giữ, thì quyền sở hữu thực tế được chuyển đổi còn nhỏ hơn nhiều. Cổ phần hóa phần lớn thực hiện theo mô hình khép kín. Kết quả là, tuy về ngắn hạn hiệu quả kinh doanh có được cải thiện, nhưng không thay đổi về chất quản trị công ty. Về trung và dài hạn, đây là yếu kém nội tại hạn chế việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của DN cổ phần hóa.

Đặc quyền, độc quyền, bảo hộ đang là lực cản

Cải cách theo hướng thứ nhất cũng không nhanh hơn, và kết quả không cao hơn so với hướng thứ hai. Thực trạng sắp xếp lại, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả các DN nhà nước còn nắm 100% sở hữu đã bộc lộ không ít vấn đề.

Trước hết, vẫn còn lúng túng trong việc xác định loại hình pháp lý phù hợp để “chứa đựng” DN 100% sở hữu nhà nước. Bởi quản trị DN 100% vốn nhà nước không được thiết kế trên những nguyên tắc và thông lệ quốc tế đã được thừa nhận; vừa thiếu giám sát đối với người quản lý, người thực hiện quyền sở hữu và những người có liên quan của họ; vừa gò bó, áp đặt, không phù hợp, đẩy họ vào thế “thủ thân” hơn là phát huy sáng tạo, sáng kiến và dám chấp nhận rủi ro trong kinh doanh. Do đó, xác suất sử dụng sai quyền lực được giao nhằm trục lợi cá nhân hoặc nhóm cá nhân những người trong cuộc và những người có liên quan của họ là rất lớn. Nói cách khác, số người trực tiếp hoặc gián tiếp có thể được lợi từ sự chưa phù hợp và yếu kém của quản trị DN, là không nhỏ.

Điều đáng nói thêm là, các DN nhà nước, nhất là các tổng công ty, vẫn còn được hưởng không ít “ưu ái” lớn của cơ chế. Chẳng hạn như: đang được sử dụng một số diện tích đất không nhỏ, và thường được giao “đất mới” dễ dàng, thuận lợi hơn; vẫn được hoãn nộp thuế, được khoanh nợ, xóa nợ, được đối xử thuận lợi hơn trong những lĩnh vực còn cơ chế “xin-cho”; vẫn còn chiếm vị thế độc quyền và còn được bảo hộ lớn v.v...

Hệ quả của quản trị yếu kém cùng những “ưu ái”, đặc quyền, độc quyền và bảo hộ của cơ chế đang dành cho DN nhà nước không chỉ là nguyên nhân tiếp tục làm cho chúng trì trệ, kém cạnh tranh, kém hiệu quả; mà còn là “sức hút li tâm” hết sức mạnh, ngăn cản các DN “thoát ra” để cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu; thậm chí ngay cả DN đã cổ phần hóa vẫn muốn quay về “quỹ đạo cũ”.

Trong bối cảnh nói trên, cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu không thể nhanh được; và "kịch bản" diễn ra có thể là chỉ cổ phần hóa được các DN không còn khả năng “sinh lợi” cho “những người trong cuộc” và những người có liên quan của họ; hoặc những DN, hay bộ phận DN mà cổ phần hóa chúng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho nhóm người nói trên.

Phần lớn các DN đã và đang được cổ phần hóa là các DN nhà nước cấp tỉnh, có thể xem như “bằng chứng” đáng tin cậy cho nhận xét này.

Những suy ngẫm trên đây cho thấy hai hướng cải cách DN nhà nước gắn với nhau, tác động và thúc đẩy lẫn nhau. Cải cách DN nhà nước nên, trước hết tập trung vào thiết lập chế độ quản trị công ty theo nguyên tắc thông lệ quốc tế phổ biến, kết hợp với  thiết lập các thể chế cần thiết và đủ năng lực đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của chế độ quản trị đó. Đồng thời, từng bước nhưng dứt khoát bãi bỏ những “ưu ái”, bảo hộ, độc quyền và đặc quyền mà hiện các DN nhà nước đang được hưởng. Không làm được điều đó, thì không thể đẩy nhanh cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu DN nhà nước. 

  • Nguyễn Đình Cung
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi