Petrovietnam: "Vinashin mà phá sản thì mất hết cả vốn"
- Tập đoàn Dầu khí không quá bất ngờ và khó khăn khi phải ôm về những dự án dang dở của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy (Vinashin), bà Phan Thị Hòa, Ủy viên HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát Petrovietnam (PVN) chia sẻ với VietNamNet như vậy về chuyện tái cơ cấu Vinashin.
TIN LIÊN QUAN |
---|
PV: Thưa bà, về việc Thủ tướng quyết định chuyển 6 đơn vị và dự án yếu kém của Vinashin sang PVN quản lý, PVN đã biết trước hay đây là mệnh lệnh bất ngờ?
Không có gì quá bất ngờ cả! Vì trước đây, khi Chính phủ chưa có ý kiến gì về việc tái cơ cấu Vinashin thì chúng tôi cũng đã làm việc với Vinashin đề nghị Tập đoàn này chuyển nhượng một số dự án sang cho chúng tôi làm.
Bà Phan Thị Hòa, Ủy viên HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Rất tiếc là Vinashin lại không muốn nhả ra dự án nào cả. Cụ thể như, khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp, ở Tiền Giang, chúng tôi đã ngỏ ý, đàm phán tìm hiểu từ năm ngóai rồi nhưng đến tận vừa rồi, trước khi có quyết định của Thủ tướng, họ vẫn không đồng ý chuyển nhượng.
Hay như khu công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh ở Nam Định, khu Công nghiệp tau thủy ở Nghi Sơn, Thanh Hóa, chúng tôi đều muốn họ nhượng lại đấy nhưng họ không đồng ý.
Giờ thì tất cả dự án mà PVN có nhã ý mua lại của Vinashin đều đã nằm trong danh mục Thủ tương yêu cầu chuyển.
Có điều là, nếu trước đây, Vinashin tự chủ động cơ cấu, chỉ cần báo cáo Chính phủ hình thức cơ cấu thôi. Nhưng vì cái gì, Vinashin cũng muốn giữ nên Chính phủ mới phải ra tay bắt cơ cấu.
PV: Xin bà nói rõ hơn, lý do vì sao, PVN muốn mua lại Vinashin khi các dự án này đều chậm chạp, yếu kém?
- Lý do rất đơn giản là, Vinashin có một khoản nợ khoảng 2.000 tỷ đồng, vay công ty tài chính dầu khí, một thành viên con của Tập đoàn PVN và cũng đang rất chậm tiến độ dự đóng tàu cho chúng tôi.
Dự án Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp, Tiền Giang đến nay vẫn là bãi đất trống. (ảnh: Theo tiengiangonline) |
Chúng tôi muốn, nếu bên Vinashin không có tiền trả thì bù lại có thể chuyển nhượng cho chúng tôi dự án để trừ nợ. Hoặc, Vinashin không đủ vốn làm thì chuyển sang cho chúng tôi tự làm.
Chẳng hạn như nhà máy đóng tàu Dung Quất của Vinashin, là nhà máy đóng tàu lớn nhất, đã nhận đóng cho chúng tôi 2 con tàu chở dầu thô, tải trọng khoảng 100.000 tấn/tàu nhưng 3 năm nay, chưa có tiến triển gì. Họ mới chỉ làm được 10% khối lượng công trình này.
Chúng tôi muốn nhận về để tự làm và đồng thời, còn để đẩy nhanh tiến độ đóng 2 con tàu mà chúng tôi đang rất cần.
PV: Vậy, bà có đánh giá gì về tiềm năng của các dự án này?
- Tất nhiên, ngoài mục đích giải quyết nợ cho Vinashin, thực tế, các dự án này cũng khá hợp với mục tiêu phát triển hỗ trợ ngành dầu khí của PVN.
Ví dụ như ngay cạnh khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn của Vinashin, PVN đã có một cảng công nghiệp rồi. Giờ tiếp nhận dự án này, chúng tôi sẽ nối liền cảng và mặt bằng khu công nghiệp này, thành một khu công nghiệp cảng biển lớn, phục vụ dịch vụ cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn của chúng tôi.
Dự án thép Cái Lân của Vianshin cũng chậm tiến độ (ảnh: K.L) |
Hay như nhà máy đóng tàu đặc chủng sản xuất thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch ở Đồng Nai, khi tiếp nhận cũng thuận lợi cho chúng tôi vì hiện, chúng tôi đã có đơn vị đóng tàu đặc chủng cho ngành dầu khí khá lớn. Trước khi Chính phủ ra quyết định, PVN đã đề nghị và khảo sát dự án này và thấy, nó phù hợp với chủ trương phát triển của mình.
Và hầu hết các dự án đó chưa triển khai gì nhiều, mấy dự án KCN đó như ở Soài Rạp, Nam Định… mới chỉ là bãi đất trống, nên khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ dễ dàng tái cơ cấu dự án, thậm chí có thể thay đổi mục tiêu đầu tư của dự án đó sao cho hiệu quả cho hiệu quả hơn.
PV: Tuy vậy, bài toán vốn sẽ được giải quyết như thế nào, vì PVN hiện nay cũng còn đang phải đàm phán thu xếp vốn cho 6 dự án nhiệt điện mà EVN nhả ra?
Chiều 1/7, trao đổi với PV VietNamNet, ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, Vinalines mới nhận quyết định của Thủ tướng và chỉ biết tên các dự án phải tiếp nhận từ Vinashin. Theo một chuyên viên từ Vinashin, việc chia tách Tập đoàn này không phải do bản thân Tập đoàn này đề xuất, mà đó là ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. |
Rất may là các dự án trên đều đang trong giai đoạn triển khai, chưa họat động nên có thêm các dự án đó, cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới doanh thu, lợi nhuận của chúng tôi. Có chăng là, việc tiếp nhận thêm dự án sẽ ảnh hưởng tới cân đối vốn đầu tư của Tập đoàn.
Tuy nhiên, nếu so với mức vốn đầu tư cần 1,5- 1,6 tỷ USD cho một nhà máy nhiệt điện than 1.200MW và vốn lĩnh vực dầu khí nói chung của PVN thì vốn cho các dự án tiếp nhận từ Vinashin không lớn lắm.
Ngoài ra, chúng tôi đang xúc tiến tích cực tìm nguồn vốn, có thể là phát hành trái phiếu. Bản thân chủ tịch Tập đoàn PVN cũng đã sang Nhật Bản kêu gọi vốn đầu tư và thời gian tới, cũng sẽ đi một số nước để kêu gọi vốn đầu tư.
Nói cách khác, chúng tôi sẽ không làm các dự án một mình mà sẽ kêu gọi nhà đầu tư nước ngòai vào.
Ngoài ra, tôi tin là,Chính phủ sẽ hỗ trợ như ưu đãi vay vốn… chứ không để chúng tôi đơn thương độc mã, xoay xở với các dự án đó.
PV: Bà đánh giá ra sao khi Chính phủ yêu cầu các PVN và Vinalines tiếp nhận dự án của Vinashin sẽ phải gánh vác cả các khoản nợ xấu kèm theo đó của Vinashin, liệu như thế có công bằng không?
- Ba tâp đoàn đều là của Nhà nước. Nếu không chia tách như vậy, Vinashin phá sản và sẽ mất vốn của Nhà nước tại Vinashin. Lẽ dĩ nhiên, Chính phủ không thể để chuyện đó xảy ra.
Do đó, điều chuyển dự án sang tập đoàn khác, tái cơ cấu Vinashin là để đảm bảo duy trì hiệu quả vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Khi khó khăn ở các Tập đoàn lớn, Chính phủ các nước nhảy vào xử lý là chuyện bình thường. Khi khủng hoảng thì động thái đầu tiên là phải tái cơ cấu lại.
Chẳng qua là, đáng lẽ việc này phải do chính Vinashin tự làm từ 2-3 năm trước. Một khi anh đã mất cân đối về mặt tài chính rồi thì phải chủ động cơ cấu lại, đó là chuyển nhượng bớt dự án đi, thu hẹp qui mô, thay đổi mức đầu tư, giãn tiến độ… Nhưng Vinashin không làm.
Trong khi, tái cơ cấu, cân đối nguồn vốn đầu tư là nguyên tắc quản trị tài chính mà Tập đoàn, doanh nghiệp nào cũng phải làm hàng năm. Giờ yếu kém quá, Chính phủ phải vào cuộc chỉ đạo thì câu chuyện tái cơ cấu này mới thành đặc biệt, ghê gớm.
Ở câu chuyện chia tách của Vinashin, tôi cho là khủng hoảng kinh tế thế giới là một phần thôi, cái chính là lý do công tác quản trị tài chính của Tập đoàn quá kém.
Các dự án của Vinashin chuyển về PVN là: Khu Công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai, Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang), phần vốn góp của Vinashin trong Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh ( Nam Định). |
-
Phạm Huyền (thực hiện)