Chính thức thanh tra toàn diện Vinashin
- Thanh tra Chính phủ sáng 9/7 công bố chính thức thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) về tình hình kinh doanh, chấp hành chính sách pháp luật của tập đoàn này thời gian qua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tàu Hoa Sen với giá trị hàng nghìn tỷ đồng Vinashin mua về rồi đắp chiếu vì khai thác không hiệu quả (ảnh wordpress) |
Việc công bố quyết định thanh tra Vinashin diễn ra sáng nay (9/7) tại trụ sở của Vinashin, theo Quyết định 1959/QĐ-TTCP ngày 5/7/2010 của Tổng Thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tập đoàn.
Dự kiến sau 75 ngày làm việc, kết quả thanh tra sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trên thực tế, kế hoạch thanh tra Vinashin đã được thanh tra Chính phủ xây dựng từ năm 2009. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận lùi thanh tra một số tập đoàn, tổng công ty sang năm 2010.
Theo thông báo của Thanh tra Chính phủ, việc thanh tra Vinashin là nằm trong kế hoạch thanh tra thường niên của cơ quan này.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Vinashin đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án, các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán. Bộ máy quản lý vốn Nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc tập đoàn thiếu năng lực.
Đến nay, tổng số nợ của Vinashin lên tới hơn 80.000 tỷ đồng (khoảng hơn 4 tỷ USD). Tổng tài sản của Vinashin được cho là khoảng 90.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 9.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt 10,9 lần.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đối với những vi phạm của Vinashin, chỉ đạo các ngành thanh tra, kiểm toán, tài chính, ngân hàng đánh giá toàn diện, đúng thực chất đối với tập đoàn.
Nếu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại Vinashin trong năm nay thì ít nhất cũng phải đến năm 2011, Kiểm toán Nhà nước mới vào cuộc kiểm toán tập đoàn này.
Lý do là trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu không tiến hành thanh tra và kiểm toán cùng một thời điểm, gây chồng chéo và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Mới đây, để cứu Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép tập đoàn được chia tách làm ba, trong đó chuyển bớt một số thành viên và cũng là gánh nặng nợ nần sang cho Tập đoàn Dầu khi Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
-
Hà Yên