,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
868356
Nhân sĩ ở thời điểm chuyển mình của đất nước
1
Article
null
,

Nhân sĩ ở thời điểm chuyển mình của đất nước

Cập nhật lúc 15:59, Thứ Bảy, 25/11/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ở những thời điểm quyết định của đất nước, rất cần những nhân sĩ đứng ra gánh vác, và cần có những lãnh đạo biết sử dụng trí thức. 

Soạn: HA 967083 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Phan Chánh Dưỡng đi thực địa Nhà Bè (ảnh: IPC)

Một đất nước có những thời điểm chuyển mình. Hôm nay là một. Việc gia nhập WTO là một bước chuyển quyết định, với những cơ hội lớn và bao thách thức lớn. Nhưng sẽ không có bước lùi.

Nhân đây cũng nên nhìn lại một thời điểm chuyển mình năm 1986. Ai đã trải qua những năm 1980-1985 chắc hẳn không thể quên. Hợp tác xã nông nghiệp khủng hoảng, công nghiệp bị tàn phá, thương mại đình đốn, tất cả mọi thứ hàng hóa đều thiếu, cả nước ăn độn kéo dài… Nhưng ngày đó và hôm nay có một điểm tương đồng: không có bước lùi.

Nhắc lại sự thành công vượt qua điểm chuyển mình đó, không thể không nhắc đến vai trò của những nhân sĩ miền Nam với lòng dũng cảm và tâm huyết đã đứng ra ghé vai cùng đất nước. Phải nói là dũng cảm, vì khoảng thời gian 10 năm sau thống nhất đất nước vẫn chưa đủ để xóa tan những cách ngăn, những hiềm nghi, những mặc cảm, đặc biệt vào bối cảnh lúc đó.

Cũng không thể không nhắc đến vai trò của một người đã đứng ra trân trọng trí tuệ của các nhân sĩ từ trước giải phóng, đó là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mà trí thức phía Nam vẫn gọi thân mật là anh Sáu Dân.

Tâm huyết của trí thức

Không chỉ những năm tháng khó khăn với cơ chế cũ như cuối thập niên 80 mới cần những đóng góp thành tâm, công quả. Chung xây Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp là sự nghiệp chung của tất cả mọi người Việt Nam. Hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi, dân tộc ta, Tổ quốc ta cần nhiều tấm lòng và bộ óc như thế.
(Võ Văn Kiệt – 2001)

Một số anh em trí thức cũ vào thời kỳ 1986 đã tập hợp thành một nhóm nghiên cứu. Không biết để làm gì, chỉ để trang trải lòng mình, để tập hợp tri thức.

Theo ông Lâm Võ Hoàng (Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương tín trước năm 1975) kể lại, nhóm trí thức đó đã tự ví von đây là nhóm “5 không”. Không tổ chức, không biên chế, không ăn lương, không đại diện ai, và đặc biệt là không hạn chế trong phát biểu.

Trong lần ông Hoàng cùng anh em trong nhóm được anh Sáu Dân mời ra Hà Nội để trình bày về đổi mới ngân hàng và đổi mới ngoại thương. Ông Kiệt lẳng lặng ghi chép. “Trong khi đang viết, đột nhiên đột nhiên ông Kiệt ngừng viết và nhìn tôi. Tức khắc tôi cũng ngưng nói và nhìn ông. Ông khuyến khích: “Anh cứ nói. Không có gì mà sợ”. Tôi bèn chậm rãi “Thưa anh Sáu, nếu tôi đã sợ thì không ra đây. Ra đây gặp anh Sáu là để nói, nói hết những gì chứa chất trong lòng từ trước và sau 30/4/1975. Cho dù có đi mà không có về tôi cũng không ân hận vì đã mãn nguyện”.

Phải nói là có nhiều thứ để sợ, vào bối cảnh lúc đó, nếu không phải là trình bày với ông Sáu. Ông Hoàng kể lại chỉ nguyên cái cơ chế Hội đồng quản trị của Ngân hàng Nhà nước mà ông đề nghị đã bị nhiều thành viên trong Hội đồng Bộ trưởng phản đối vì chẳng khác nào “Chính phủ trong một Chính phủ”, còn danh xưng Thống đốc sao mà nghe “sặc mùi đế quốc”.

Giá trị của lòng tin cá nhân

Ông Phan Chánh Dưỡng, một trí thức từ trước giải phóng đã kể lại, vào giai đoạn đó, một loạt các “công ty xuất nhập khẩu trực dụng” do Nhà nước chủ trương thành lập để huy động vốn từ nhân dân, nhưng chỉ sau hai năm thì chính Nhà nưóc đã biến các công ty này thành quốc doanh khi nó đã ăn nên làm ra. Có thể nói đó là một trong những lý do dẫn đến sự mất lòng tin.

Anh em không tin vào hệ thống, và hệ thống cũng chưa tin vào anh em trí thức cũ. Tin sao được, khi mà hôm trước vừa công khai tuyên bố không đổi tiền thì hôm sau đổi. Với những chuyện như vậy, chỉ còn biết dựa vào vai trò của cá nhân.

Không chỉ lòng tin, mọi người còn thấy ở cá nhân ông Sáu Dân cái nhìn rộng mở, dễ chấp nhận cái mới. Và từ đó những ý tưởng táo bạo đã được đưa ra trong thời kỳ tưởng như bế tắc nhất. Ông Kiệt thường cử thư ký hay tự thân ông đến gặp anh em trí thức. Hoàn toàn không phải là những buổi làm việc, chỉ đến ngồi gặp gỡ trao đổi thân tình.

“Được sử dụng mà không tin, thì đó là sự xúc phạm với người trí thức. Với ông Sáu,  họ thấy ông cũng trải lòng với họ thì họ cũng trải lòng với ông Kiệt. Từ đó có một bài học, khi người trí thức được tin cậy trong việc họ làm thì họ sẽ làm hết sức mình.”
(Trần Trọng Thức)

Ông Trần Trọng Thức, một trí thức nhà báo hoạt động từ trước năm 1975 đến nay, nói rằng người trí thức ai cũng muốn có những đóng góp cho xã hội ngày càng tốt hơn. Những trí thức chân chính, khi làm việc thì luôn muốn phải có hiệu quả tích cực, nhưng họ chỉ có thể làm được như vậy khi được tin cậy. Bi kịch của người trí thức là “dùng mà không tin”.

“Với anh Sáu thì anh em trí thức thường nói chuyện thẳng thắn, thoải mái. Sử dụng những con người, đặc biệt là con người trí thức cũ là một vấn đề rất nhạy cảm. Nhưng mà riêng anh Sáu Dân, vấn đề không chỉ là sử dụng người, nhưng mà là ông tin để sử dụng, điều đó rất quan trọng.”

Ngay từ sau giải phóng, từ cương vị lãnh đạo thành phố, ông Kiệt là người hết sức trân trọng các trí thức cũ. Có nhiều anh em vượt biên bị bắt, ông Sáu đứng ra bảo lãnh về, khôi phục chỗ làm cũ, cấp tiền cấp gạo. Làm việc đó vào thời điểm đó, không phải là không có nguy hiểm với cá nhân ông Sáu.

Vào thời điểm đó, vị thế của anh em trí thức yếu lắm. Ông Dưỡng nói vui, người ngoài còn gọi nhóm chúng tôi “con nghêu”. Chỉ có thịt, không có xương, không có da, không có hình dạng cố định. Nếu không có hai cái vỏ che chắn thì ra ngoài bị ăn thịt ngay. Hai ông Võ (giọng miền Tây cũng nói như “vỏ”) là ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí (người kế nhiệm ông Kiệt làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) là hai cái vỏ để che chở cho anh em.

Và những thành quả cụ thể

Ví dụ thứ nhất, vào thời điểm “siêu lạm phát” năm 1985-1986, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh được Trung ương chỉ thị tìm cách kéo giá xuống.

Ông Phan Chánh Dưỡng kể lại, lần ra Hà Nội gặp ông Kiệt để trình bày với Hội đồng Bộ trưởng dự án đổi mới ngân hàng, sau khi trình bày thì anh em được “chiêu đãi” năm chén chè. Vừa đói vừa mệt, nhưng đó là năm chén chè ngon nhất trong đời anh em. Vấn đề không phải là chè, mà là thấy mình đóng góp được cho đất nước. Từ lần gặp đó kéo theo việc đổi mới hệ thống ngân hàng, mở ra các khu chế xuất…

Theo lời kể của ông Huỳnh Bửu Sơn (làm việc tại Nha phát hành Ngân hàng Quốc gia trước năm 1975, người đã bảo quản 16 tấn vàng để giao lại cho cách mạng), cả nhóm trí thức dù không được giao nhiệm vụ nhưng đã thảo luận rất quyết liệt, để đi đến đề xuất ngược lại: không phải kéo giá xuống mà phải đẩy giá lên, bởi đó là giá của thị trường.

Vẫn là anh Sáu mời mấy anh em ra Hà Nội trình bày. Những lập luận của nhóm là: giá tăng, nhưng so với giá vàng và giá đô la thì giá vẫn thấp. Với giá đó, các doanh nghiệp thua lỗ, mà đã thua lỗ thì không thể sản xuất đủ hàng cho xã hội, nên không thể nói đến chuyện kéo giá xuống.

Ví dụ thứ hai, trong lần ra Hà Nội đó những trí thức đã đề nghị giải tỏa các trạm kiểm soát ngăn sông cấm chợ. Trước khi anh em ra về, ông Sáu Dân đã gặp và vui vẻ cho biết đề nghị đã được thực hiện. Quả nhiên khi xuôi về Nam bằng đường bộ, suốt dọc đường gần hai ngàn cây số không còn một trạm kiểm soát nào. 

Anh em cũng chỉ đề xuất mà không dám tin ông Kiệt có thể hứa sẽ không đổi tiền nữa. Nhưng quả thực từ sau lần đó đến nay không còn thấy đổi tiền.

Ví dụ thứ ba là về ý tưởng “Thành phố tiến ra biển Đông”. Đến nay ý tưởng đó đã trở thành hiện thực với khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước, khu đô thị Phú Mỹ Hưng… Nhưng lúc đó chỉ là một đề xuất “tự phát”, đi ngược lại với Nghị quyết của Chính phủ là mở Thành phố về phía Thủ Thiêm.

Đề xuất được sự ủng hộ của lãnh đạo Thành phố là ông Hai Chí (Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy), ông Sáu Tường (Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch Thành phố), và ông Năm Nghị (Phạm Chánh Trực, Phó Chủ tịch). Nhưng ra đến Trung ương, không phải không có những khó khăn, khi nhiều người cho là không khả thi. Người ủng hộ mạnh nhất là ông Đậu Ngọc Xuân (lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về đầu tư nước ngoài), và cao nhất là sự ủng hộ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. 

Trở lại chuyện hôm nay

Các vị nhân sĩ đó, đến nay nhiều người đã cao tuổi và không còn có thể thường xuyên gặp nhau. Hầu hết, nếu không phải là tất cả, những lãnh đạo đã biết sử dụng trí thức cũ hồi đó, đến nay đã nghỉ hưu.

Vào thời điểm chuyển mình của đất nước hiện nay, bao khó khăn thách thức, bao bỡ ngỡ trước thế giới hội nhập. Trong khi đó, những trí thức Việt tài giỏi và tâm huyết còn rất nhiều, ở trong nước cũng như trải khắp trên thế giới.

Liệu chúng ta có thấy lại những câu chuyện về tâm huyết của nhân sĩ và sử dụng nhân sĩ như thời đó?

  • Bùi Văn

Kỳ tới: Nhóm nhân sĩ “Thứ Sáu”

Ý kiến của bạn:

 

,
,