(VietNamNet) - Khoảng hai chục quan chức và doanh nhân tập trung bên bờ Hồ Tây ở Hà Nội vào một tối cuối tuần. Họ chăm chú lắng nghe huấn luyện viên Michael Moh lý giải về một trong những kỹ năng tối cần thiết cho phát triển "kinh tế" đánh golf.
Vị huấn luyện viên người Singapore nhiệt tình hướng dẫn, phiên dịch viên cố gắng không bỏ sót từ chuyên môn nào còn các học viên trung niên chăm chú lắng nghe, theo dõi và thực hành như những học sinh chăm chỉ nhất.
Khi Hà Nội mở cửa đón nguồn vốn nước ngoài từ cuối những năm 1980, golf còn là thứ quá xa lạ. Nhưng giờ đây, không chỉ người nước ngoài mà ngay cả người VN cũng phải công nhận, đó là một trong những biểu hiện rõ nét của một nền kinh tế đang lên, đang tiến nhanh trên chặng đường hiện đại hoá.
"Golf là một phương tiện hữu hiệu mang mọi người đến gần nhau hơn", ông Phạm Sanh Châu - Phó Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế và là Tổng thư ký CLB Golf bán chuyên nghiệp Hà Nội - cho biết, "Với các quan chức, đánh golf có gì đó như đang thực hiện một sứ mệnh chính trị, hơn là chỉ giải trí đơn thuần".
Ông Châu không phải là quan chức hiếm hoi trong các hiệp hội golf ở VN hiện nay. Các quan chức, đặc biệt trong ngành ngoại giao, chiếm tỷ lệ khá lớn trong các câu lạc bộ golf ở VN, chỉ sau giới doanh nhân. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên hay Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng đã là những gương mặt quen thuộc với giới chơi golf nơi đây.
|
Mô hình Sân golf của CLB Golf bán chuyên nghiệp Hà Nội. |
Còn nhớ, trong bài phát biểu tại Mỹ tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Khoan đã mời gọi các doanh nghiệp Mỹ vào VN làm ăn và tiếp tục thể hiện sự ủng hộ cho quan hệ thương mại hai nước bằng câu nói: "Có lẽ, Ngài Thủ tướng của chúng tôi sẽ đi giày Nike để đánh cầu lông, còn cá nhân tôi sẽ dùng gậy Riting của Nike để đánh golf".
Điều đó phần nào thể hiện rằng, trò chơi thời hội nhập này có cả một sứ mệnh kinh tế đối ngoại cần khai thác.
Sứ mệnh kinh tế đối ngoại của golf
Nếu theo lời ông Châu, golf với quan chức mang ít nhiều sứ mệnh lịch sử thì trên thực tế, giới doanh nhân cũng coi sân chơi này là cơ hội tốt để giao lưu, giải tỏa căng thẳng và tìm kiếm đối tác làm ăn, để hoàn thành tốt hơn sứ mệnh kinh tế đối ngoại của mình.
Trong số các học viên của lớp học trên, có một vị Giám đốc 46 tuổi của một công ty quốc doanh chuyên về xuất khẩu lao động. Ông này tới đây thường xuyên với mục đích không hề che dấu là để gặp các doanh nhân Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia hòng tìm kiếm việc làm cho hàng trăm lao động đang chờ chực ở công ty ông.
"Golf rất quan trọng, trên cả một môn thể thao thú vị. Nó giúp củng cố quan hệ tại nơi mà tất cả các quan chức hay doanh nhân đều cởi mở như nhau" ông nói.
Các tay golf khác cũng chia sẻ cảm nhận trên, rằng so với các môn thể thao khác, golf làm cho mọi người dễ dàng thân thiện với nhau hơn cả. Câu lạc bộ chơi golf lại thường gồm những người khá thành đạt trong xã hội. Tham gia câu lạc bộ golf, họ càng giao du rộng hơn và có thêm nhiều bạn bè, đúng hơn là đối tác. Và cũng chính những câu lạc bộ này đã mang lại những dự án thường xuyên cho các DN.
Các dự án hợp tác, liên doanh có điều kiện nảy nở và dễ thành hiện thực cho DN VN, khi biết rằng, đa số tay golf ở VN hiện nay là thương nhân nước ngoài. Và thế là, golf ngày càng thu hút đông đảo giới doanh nhân VN, vì ngoài sự hấp dẫn đến đam mê của môn thể thao này, nó còn là nơi giao lưu, hàn huyên về chuyện đời, chuyện người và cả chuyện làm ăn…
Theo một số doanh nhân VN, chi phí bỏ ra để được gặp nhau trên sân golf còn rẻ và hiệu quả hơn nhiều so với tiếp khách, gặp gỡ nơi nhà hàng, khách sạn. Hơn nữa, khi rời sân golf, người chơi thường có tâm trạng thư thái, thoải mái, giảm đáng kể áp lực công việc và sự căng thẳng, mệt mỏi mà các doanh nhân thường phải đối mặt trong cuộc sống. Đó là vài trong những lý do để ngày càng nhiều doanh nhân đến với golf.
Những thoả thuận mới và đi sau đó là những loại thiết bị tối tân, những chuyên gia ngoại quốc chuyên sâu đi kèm để đào tạo hoặc vận hành thử. Đó là một trong những điều dễ thấy nhất để có thể nói rằng sân golf góp phần hiện đại hoá các ngành sản xuất VN.
Nhưng cơ bản hơn, giao tiếp và học hỏi ngay trên sân golf, doanh nhân VN dần dần thấm nhuần phong cách chuyên nghiệp, bản lĩnh kinh doanh thời hiện đại và những tập quán quốc tế hay những thủ tục mới mẻ nhất. Đó mới chính là phương tiện đáng quý nhất giúp doanh nhân VN hội nhập tốt hơn. Và khi những "nhân vật chính" của nền kinh tế thành công, họ chính là động lực hiện đại hoá nền kinh tế VN.
"Cuộc cách mạng" nhỏ vì hội nhập kinh tế
Sân golf 9 lỗ đầu tiên của VN được xây từ thời Pháp thuộc trên đỉnh một ngọn đồi của Thành phố hoa Đà Lạt nhằm phục vụ cho vua Bảo Đại tiêu khiển.
Từ năm 1995, golf mới chính thức khởi sắc tại VN, khi VN gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Abdullah Ahmad Badawi, lúc đó là Ngoại trưởng và hiện là Thủ tướng Malaysia, vui vẻ khuyên VN nên hoàn thiện hai yêu cầu quan trọng của hiệp hội là: nâng cao giao tiếp tiếng Anh và chơi golf.
Và "cuộc cách mạng" golf bắt đầu từ đó. Năm 1998, CLB Golf bán chuyên nghiệp Hà Nội được thành lập nhằm trang bị kỹ năng đánh golf cho cán bộ và doanh nhân có tham gia trực tiếp vào tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước.
Ngày nay, VN có 10 sân golf, tập trung ở các thành phố lớn và lân cận. Đây là con số đáng khích lệ, song vẫn chưa là gì nếu so với các thành phố giao thương lớn trong khu vực như Singapore với 10 sân, Thủ đô Bangkok của Thái Lan với 40 sân.
Đó đều là những sân tiêu chuẩn quốc tế, trong khi ở VN, chỉ một vài nơi đáp ứng chuẩn này. Sân golf Thủ Đức TP HCM rộng 300 ha với 36 lỗ, được xem là CLB golf nhà nghề hàng đầu ở Việt Nam, với 72 gậy tiêu chuẩn, thu hút 500 tay golf mỗi buổi vào những ngày cuối tuần.
Nhưng dù sao, golf giờ đây đã thực sự là nhu cầu thiết yếu của hội nhập kinh tế. Tính tới nay, đã có gần 200 người đã tham gia khoá học mà ông Moh yêu cầu học phí khá cao, 400 USD/ngày.
|