(VietNamNet) - Theo Bộ Thủy sản, tôm sú Việt Nam hiện có sức cạnh tranh cao, đặc biệt là đối với tôm có kích cỡ lớn. Thị trường tôm sú tiếp tục được mở rộng, với nhu cầu ngày càng cao từ các nước nhập khẩu.
|
Tôm cỡ lớn đang có nhiều cơ hội xuất khẩu. Ảnh Hà Yên |
Bộ Thủy sản cho biết, đến cuối tháng 6, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã trở lại mua tôm Việt Nam, nên đã có hiện tượng giá tôm nguyên liệu tăng. Hiện số đơn hàng và khối lượng đặt mua tôm từ Nhật Bản và Mỹ đã tăng lên rõ rệt.
Trên thực tế, việc giảm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác trong một thời gian dài do họ chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu mua bond (ký quỹ) để xuất hàng theo DDP không có kết quả đã khiến lượng hàng tôm dự trữ nói chung, đặc biệt là tôm sú, của các nhà cung cấp Mỹ đã dần cạn kiệt.
Trong khi đó, sản lượng tôm thu hoạch ở một số nước thường cung ứng cho thị trường Mỹ cũng bị sụt giảm, chủ yếu là tôm cỡ nhỏ, khiến nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ là thực tế. Hơn nữa, vào thời điểm này, Mỹ cũng đang vào mùa tiêu thụ tôm, nên các nhà nhập khẩu Mỹ đã quay trở lại mua tôm của Việt Nam theo CNF, với khối lượng khá lớn, nhất là tôm cỡ lớn dưới 30 con/kg. Theo nhiều DN thủy sản, sản lượng tôm xuất khẩu từ đầu tháng 7 đến nay đã tăng 20-30% so với tháng trước.
Giá tôm trong nước do vậy cũng tăng theo. Hiện loại tôm cỡ lớn đều tăng 8.000-10.000 đồng/kg so với mức giá đầu tháng. Loại tôm 30 con/kg được mua với giá 92.000-93.000 đồng/kg và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tại thị trường Nhật Bản, do vụ kiện bán phá giá tôm vào Mỹ, DN các nước trong vụ kiện dồn chào bán cho Nhật, nên các nhà nhập khẩu của Nhật tìm cách ép giá, khiến giá tôm xuống thấp. Chẳng hạn, tôm sú vỏ 16-20 xuất vào Nhật giảm xuống còn 10 USD/kg, trong khi mức thấp của năm ngoái là 11,5 USD/kg (giảm 14-15%). Đến nay tuy giá có nhích lên, nhưng chỉ đối với tôm cỡ lớn dưới 30 con và cũng chưa bằng mức trung bình của năm trước.
Đối với EU, khối lượng tôm xuất sang thị trường này tiếp tục tăng. Điều đáng mừng là đã xuất hiện một số nhà nhập khẩu mới nhập tôm của Việt Nam. Trước đây, Malaysia chuyên cung cấp tôm cho EU, song đến nay, họ lại chuyển mạnh sang thị trường Mỹ. Vì vậy, các nhà nhập khẩu tôm EU đã quay sang giao dịch với các nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Trong khi đó, mặt hàng cá tra nguyên liệu thịt trắng, không nhiễm kháng sinh và Malachite Green không đủ cung cấp cho chế biến xuất khẩu, còn cá tra thịt vàng nhiễm kháng sinh thì dư thừa. Song, các DN chế biến xuất khẩu không mua loại cá này vì không có thị trường tiêu thụ, nhất là sau khi có Chỉ thị 04/2005/CT- BTS của Bộ Thuỷ sản về việc chấn chỉnh việc ghi nhãn mác đối với các sản phẩm cá đông lạnh xuất khẩu.
Nhờ những thuận lợi trong xuất khẩu, Bộ Thủy sản ước tính giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 7/2005 đạt 230 triệu USD, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 7 tháng lên 1,3 tỷ USD, đạt 52 % so với kế hoạch và tăng 7,3% so với cùng kỳ.
|