Sẽ phải thêm một giấy phép nữa khi làm quảng cáo?
06:02' 24/07/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ Thương mại đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Cơ quan này hy vọng sau khi ban hành, Nghị định là một bước hoàn thiện các quy định về xúc tiến thương mại, chấn chỉnh sự lộn xộn trong các hoạt động quảng cáo, hội chợ... Tuy nhiên, sau khi được tham khảo, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nghị định vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi cụ thể trong thực tế.

Quảng cáo: nhiều giấy phép nhưng vẫn vi phạm

Soạn: AM 493536 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Để được cấp phép quảng cáo còn phải quan rất nhiều "cửa".

Theo dự thảo Nghị định, để thực hiện quảng cáo, cơ quan quản lý sản phẩm quảng cáo phải thực hiện đăng ký  tại các sở thương mại nơi thực hiện hoạt động quảng cáo. Nếu hoạt động quảng cáo diễn ra ở nhiều địa phương thì phải đăng ký ở Bộ thương mại hoặc tại tất cả các địa phương nơi thực hiện quảng cáo. Hồ sơ đăng ký quảng cáo phải được các cơ quan chức năng chấp nhận mới được thực hiện quảng cáo. Ông Đỗ Thắng Hải - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, những thủ tục này rất đơn giản, bao gồm những thông tin cơ bản về thời gian, địa điểm, quy mô... để quản lý.

Tuy nhiên, trái với những suy nghĩ của cơ quan quản lý, các doanh ngiệp lại tỏ ra lo lắng trước tình trạng, hoạt động quảng cáo có quá nhiều nơi cấp giấy phép, nhất là quảng cáo ngoài trời.

Đại diện công ty Vinaxad cho biết, hiện nay, các công ty quảng cáo đang chịu áp lực rất lớn về giấy phép. Để dựng được một biển quảng cáo phải đi qua bốn cửa với bốn giấy phép: sở xây dựng, sở Giao thông công Chính, sở Văn hoá thông tin, sở Quy hoạch kiến trúc và mất khoảng 3 tháng, nay thêm một lần đăng ký và chờ được chấp thuận của Sở hoặc Bộ Thương mại nữa thì càng kéo dài thêm thời gian và khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng ý với những phản ánh của doanh nghiệp về những khó khăn trong hoạt động quảng cáo. Hiệp hội quảng cáo Việt Nam nêu lên một thực tế khác: hiện nay, giữa các bộ ngành đang có sự chồng chéo và "cạnh tranh" nhau về luật. Riêng ngành quảng cáo hiện đã có Pháp lệnh quảng cáo và Nghị định hướng dẫn thi hành được giao cho Bộ Văn hoá - thông tin quản lý, thực hiện. Bây giờ Luật Thương mại cũng có quy định về quảng cáo và hội chợ, triễn lãm. Trong khi đó, Bộ Văn hoá - thông tin cũng đang chuẩn bị có một văn bản pháp lý khác về triễn lãm và hôi chợ. Như thế, nếu không cẩn thận chúng ta sẽ bị chồng chéo. Doanh nghiệp sẽ rất vất vả khi đi xin giấy phép.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, cách quản lý quảng cáo tốt nhất là phải có quy hoạch thống nhất, nhưng tiếc thay, đến nay chưa có một thành phố nào làm điều đó cả. Không có quy hoạch nên doanh nghiệp đành làm liều, "thấy chỗ nào trống thì đặt biển quảng cáo"; còn các cơ quan quản lý thấy chỗ nào không được thì lại cấm. Cho nên, ngay tại Hà Nội bây giờ có hàng trăm biển quảng cáo bị các cơ quan coi là vi phạm nhưng doanh nghiệp đành chấp nhận vi phạm để kinh doanh vì quy hoạch chưa có, hơn nữa để chờ được giấy phép đầy đủ thì mất 3 - 4 tháng. trong khi cơ hội kinh doanh chỉ tính theo ngày.

Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý phải thống nhất đầu mối quản lý, giảm bớt các thủ tục giấy tờ không cần thiết. Vấn đề nào liên quan đến nhiều Bộ, ngành thì các cơ quan nhà nước cần chủ động hợp tác đề ra những Thông tư liên tịch để tập trung quản lý, không thể để tình trạng cơ quan  nào thấy cần thì ra văn bản để quản lý gây chồng chéo, còn doanh nghiệp thì cứ phải chạy hết "cửa này sang của khác", mất hàng tháng trời chỉ để lấy đủ giấy phép dựng một tấm biển quảng cáo nhỏ.

Cách nào để chấm dứt sự lộn xộn hội chợ, triển lãm?

Tình trạng lộn xộn trong các hội chợ, triẽn lãm đang lên đến mức báo động - giám đốc một doanh nghiệp quảng cáo hội chợ đã nhận định như trên về hoạt động hội chợ, quảng cáo hiện nay; ông cho biết, ở Hà Nội, mỗi năm có đến vài chục hội chợ, triễn lãm nhưng số hội chợ có uy tín chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Soạn: AM 493568 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhiều hội chợ hoạt động không đúng với chủ đề đặt ra.

Đa số các hội chợ đều có tên gọi rất hay nhưng hoạt động thì không đúng mục đích đề ra. Có những công ty không có chức năng tổ chức hội chợ vẫn đứng ra làm. Nhiều triển lãm, hội chợ đề ra mục tiêu "rất lớn": hội nhập kinh tế, thu hút đầu tư, ký kết hợp đồng... nhưng chỉ có vài chục gian hàng, chủ yếu tập trung vào bán lẻ... 

Nhiều trường hợp chủ đề hội chợ sử dụng những từ ngữ mang tính khẳng định về chất lượng, danh hiệu hàng hoá gây ngộ nhận cho người tiêu dùng, nhưng thực tế hàng hoá lại không đáp ứng được tiêu chí đề ra... Gần đây, một triển lãm về dệt may cũng đề ra mục tiêu là thu hút các nhà nhập khẩu đến tham quan đặt hàng, nhưng do tổ chức không tốt nên các doanh nghiệp chỉ chú trọng bán lẻ, các thương nhân nước ngoài tỏ ra rất khó chịu.

Rất nhiều doanh nghiệp đã phản đối chuyện nhập nhèm giữa hội chợ mang tính chất quảng bá, xúc tiến thương mại, nhưng thực chất chỉ là một cái "chợ" bán lẻ giá đắt. Tình trạng này trước hết là gây ảnh hưởng cho các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, về lâu dài còn làm giảm hiệu quả xúc tiến thương mại của các hoạt động hội chợ triễn lãm và theo các doanh nghiệp quảng cáo chuyên nghiệp là cần sớm được chấn chỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay do những quy định về hội chợ triễn lãm còn chưa đầy đủ nên công tác quản lý  bị buông lỏng.  Đại diện Vinaxad cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy hoạch về triển lãm hội chợ. Nếu là hội chợ triễn lãm bán hàng thì có thể bán lẻ hàng hoá nhưng nếu là hội chợ về trao đổi, giao dịch thương mại thì quy định không được bán lẻ.

Đồng ý với đề nghị này, Luật sư Nguyễn Minh Trí - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế cung cấp, một kinh nghiệm: ở các nước triển lãm và hội chợ được phân chia rất rõ; triển lãm chỉ giới thiệu, ký kết, không bán hàng; còn hội chợ được phép bán hàng, quảng cáo hàng hoá cho tất cả người dân.

Tuy nhiên, trong các quy định của dự thảo Nghị định mới chỉ giải quyết được một phần đòi hỏi thực tế. Vấn đề các hội chợ có chủ đề khẳng định về chất lượng, danh hiệu hàng hoá xem như đã được giải quyết khi quy định các thương nhân tổ chức hội chợ phải xuất trình được các cơ sở pháp lý về vấn đề này và có trách nhiệm đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ phù hợp với chủ đề hội chợ. Còn vấn đề bức xúc nhất là sự lộn xộn trong các hội chợ và các quy định cụ thể về hoạt động triễn lãm, giao dịch, ký kết hay việc bán lẻ vẫn chưa được đặt ra theo như phản ánh của các doanh nghiệp.

Lý giải về vấn đề này, theo ông Đỗ Thắng Hải, việc cấm bán hàng trong các hội chợ triển lãm là rất khó, việc này cũng chỉ có thể xử lý theo từng hội chợ cụ thể mà thôi. Có thể lấy ví dụ như hội chợ đồ gỗ của Tp Hồ Chí minh đã dành hai ngày đầu cho các doanh nhân tham quan, ký kết hợp đồng, sau đó mới mở cửa cho người dân. 

  • Nguyên Phong
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
EC ngưng điều tra bán phá giá ống, cút thép từ VN (23/07/2005)
Hàng không nội địa bắt đầu cạnh tranh giảm giá vé (23/07/2005)
Xe đạp VN chịu thuế chống phá giá từ 15,8-34,5% (23/07/2005)
Xem, thử và đặt mua ôtô tại Auto Expo 2005 (23/07/2005)
"Chúng ta không biết làm du lịch” (22/07/2005)
Nhập khẩu thép thành phẩm tăng mạnh (21/07/2005)
Doanh nghiệp bất hợp tác hầu kiện: Thiệt thân, hại "đồng đội" (21/07/2005)
Giá cao su cao nhất từ trước tới nay (21/07/2005)
Đề nghị các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ hợp tác (20/07/2005)
Hồng Kông giúp quy hoạch du lịch Bà Nà - Suối Mơ (20/07/2005)
Pacific Airlines giảm giá vé khứ hồi Hà Nội - TP.HCM (20/07/2005)
Du lịch tam giác TP.HCM - Bangkok - PhnomPenh (20/07/2005)
Cá ngoại xâm nhập thị trường TP.HCM (20/07/2005)
Cửa hội nhập rộng chưa từng có với doanh nghiệp Việt Nam (19/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang