Ý thức cạnh tranh đang chảy trong huyết mạch Trung Quốc
Nhân dịp tròn ba năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tạp chí Hoàn Cầu của Tân Hoa xã đã có cuộc phỏng vấn ông Supachai Panitchpakdi - Tổng Giám đốc WTO. Xin trích lược bài phỏng vấn được đăng trên "Mạng tin Tân Hoa" ngày 6/12/2004.
- Trung Quốc (TQ) thi hành những cam kết gia nhập WTO trong ba năm qua như thế nào? Nếu cho điểm, ngài cho TQ điểm mấy?
- Không dễ cho điểm một cách chính xác, nhưng TQ đã thực hiện khá tốt những cam kết gia nhập WTO. Những cam kết đó hầu như liên quan tới tất cả lĩnh vực thương mại, trong đó có một số lĩnh vực hoàn toàn mới mà TQ chưa hề có kinh nghiệm.
Tôi rất mừng là TQ đã thông qua luật ngoại thương mới, cho phép các thực thể nước ngoài đầu tư vào thị trường bán lẻ, như một phần cam kết khi gia nhập WTO.
Xét từ khuôn khổ pháp lý tổng thể, tôi cho rằng TQ đang thi hành những cam kết đối với WTO, bởi khuôn khổ pháp lý là cơ sở cho tất cả. Sau khi thiết lập khung pháp lý, trong quá trình thực thi cụ thể chắc chắn còn tồn tại một số vấn đề có tính chi tiết.
Đương nhiên, TQ vẫn đang trong quá trình học hỏi. Hơn nữa, bản thân nền kinh tế thị trường cũng yêu cầu cần phải không ngừng điều chỉnh.
Ý thức cạnh tranh đang chảy trong huyết mạch TQ, điểm này rất tốt. Có một số khu vực như khu vực ven biển đã đi đầu cam kết, tăng sự tín nhiệm cho khu vực mình, đi đầu trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
- Thời kỳ quá độ của TQ thi hành cam kết gia nhập WTO đến năm 2006 mới kết thúc; hai năm tới, phải chăng TQ sẽ đối mặt với thách thức nhiều hơn?
- Đề cập tới vấn đề điều chỉnh kinh tế ở TQ là đề cập tới việc cải cách ở những thời kỳ khác nhau.
Cải cách trong những năm 1970, 1980 là thời kỳ cải cách thứ nhất, đó là thời kỳ nỗ lực xóa bỏ tình trạng kế hoạch của trung ương, mệnh lệnh của chính phủ. Thoát khỏi tình trạng này không dễ dàng nhưng cũng không quá phức tạp.
TQ tiến hành cải cách hiện nay là thời kỳ cải cách lần hai, đó là thiết lập các qui tắc và phương thức giám sát trong cơ chế thị trường kiện toàn.
Cuộc cải cách lần ba chính là thời kỳ mở cửa kinh tế, cho phép các thực thể nước ngoài tham gia các lĩnh vực vốn chỉ do chính phủ giám sát quản lý. Tôi vẫn lấy ngành bán lẻ làm ví dụ, bởi ngành này là ngành sống còn của bất kỳ một nền kinh tế nào.
Nếu mọi người không còn phải chịu sự ràng buộc bởi mệnh lệnh của chính phủ, được tự do kinh doanh và cũng không còn tồn tại rào cản, cản trở các thực thể nước ngoài tham gia, như vậy mới có thể tuyên bố rằng đó là nền kinh tế thị trường.
Càng cải cách ở mức độ cao, các qui định càng phức tạp hơn, mức độ khó khăn trong quá trình quán triệt thi hành càng lớn. So với nước khác, TQ còn tồn tại vấn đề khác: đó là diện tích lãnh thổ rộng lớn, mức độ giàu có, tốc độ phát triển kinh tế và thi hành cam kết ở các tỉnh thành rất không đồng đều.
- Có chuyên gia cho rằng việc TQ phải điều chỉnh do gia nhập WTO sẽ khiến nền kinh tế TQ gặp phải những thách thức và các vấn đề sẽ nổi lên trong khoảng thời gian từ năm 2006-2008. Ngài có đồng ý với quan điểm đó không?
- TQ hiện vẫn đang trong thời kỳ đầu chuyển đổi kinh tế thị trường, vẫn chưa tới lúc phức tạp nhất; tới giai đoạn chín muồi hơn, chắc sẽ xuất hiện nhiều vấn đề hơn.
Tôi cho rằng tới 2006 là vẫn còn hơi sớm; nên là sau vài năm nữa, bởi nền kinh tế TQ vẫn đang trong quá trình không ngừng thay đổi.
- Cuốn sách Trung Quốc thay đổi thương mại thế giới của ông xuất bản năm 2002 viết rằng địa vị của TQ trong WTO là người cân bằng lợi ích giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Ba năm qua, TQ phải chăng đã phát huy vai trò như ngài đã từng mong muốn?
- Trước đây, quả là tôi đã từng nói vậy, hiện giờ vẫn cho như vậy. Trong các thành viên của WTO, TQ thật sự đã đóng vai trò là cầu nối trong các mặt như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, hiệp thương đàm phán.
Trong lĩnh vực nòng cốt của vòng đàm phán đa phương mới - đó là vòng đàm phán nông nghiệp, TQ không gây thêm bất kỳ trở ngại nào mà tỏ ra khá linh hoạt, thúc đẩy một cách có hiệu quả để đạt được hiệp định khung vào tháng 8-2004.
Thái độ tích cực này của TQ đã có tác dụng thúc đẩy tiến trình đàm phán, bởi trên thế giới có rất nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển đều coi TQ là tấm gương để noi theo.
- Trong vòng tám năm sau khi TQ gia nhập WTO, tổ chức này mỗi năm đều phải tiến hành xem xét mang tính quá độ đối với TQ. Ngoài ra, WTO còn định kỳ tiến hành xem xét chính sách thương mại đối với tất cả thành viên. Xin được hỏi việc xem xét chính sách thương mại sẽ có tác dụng thế nào đối với nền kinh tế TQ?
- Chúng tôi đang chuẩn bị tiến hành xem xét chính sách thương mại đối với TQ vào năm 2006. Việc xem xét chính sách thương mại lần này khác với việc xem xét có tính quá độ. Xem xét có tính quá độ được tiến hành dựa theo những cam kết khi gia nhập WTO, khảo sát tình hình thực thi những cam kết; trong khi đó, xem xét chính sách thương mại có thể biết được tình hình kinh tế tổng thể và tình hình thương mại của một quốc gia hoặc một khu vực, cho nên đó là một trong những công tác quan trọng của WTO.
Trọng điểm của việc xem xét chính sách thương mại là những chính sách và thực tiễn về thương mại, nhưng cũng bao gồm những chủ đề rộng hơn, như chính sách kinh tế vĩ mô, mục tiêu phát triển và nhu cầu phát triển cũng như môi trường kinh tế bên ngoài của các nước thành viên.
Công tác này có lợi cho việc thúc giục chính phủ các nước tuân thủ những qui tắc cũng như thực hiện những cam kết của WTO, tăng cường sự hiểu biết của bên ngoài đối với chính sách và môi trường thương mại của các nước thành viên, đồng thời việc này cũng có giá trị rất lớn đối với các nước thành viên khi bị xem xét, bởi khi bị xem xét, các nước thành viên sẽ nỗ lực phối hợp chính sách trên các mặt để khiến nó đi theo hướng thống nhất với nhau, ngoài ra còn có thể tận dụng cơ hội này để có được những thông tin phản hồi từ các nước thành viên khác. Phối hợp chính sách nội bộ, duy trì độ minh bạch đều có thể thúc đẩy một cách có hiệu quả nền kinh tế nước mình.
(Theo Tuổi trẻ)